Pháp luật

Hồ sơ về trùm giang hồ Khánh "trắng" (Kỳ 3)

Khánh “trắng” cũng là kẻ trực tiếp đứng ra dàn xếp các vụ chạy tội cho đàn em như tên Đào Công Huy cùng đồng bọn là tên Đô, Hùng, Quân, Long đến khách sạn Hiệp Thành bắt và hiếp dâm nữ tiếp viên, hoặc như vụ em trai hắn là Nguyễn Tiến Thắng đánh chết người trong trại giam và nhiều những “vụ việc” lặt vặt khác.

Kỳ 3 - Tội ác

Chúng tôi vào trại giam gặp Khánh “trắng” vào một buổi chiều cuối tháng 5. Sau những thủ tục cần thiết, giám thị trại cho cán bộ dẫn Khánh “trắng” ra. Vẫn cái dáng người cao lòng khòng, gầy nhưng khỏe, vẫn cái dáng đi hai tay khuỳnh khuỳnh, nghênh ngang, đầu ngẩng cao và ánh mắt bất cần đời. Khánh “trắng ký rất nhanh vào bản ra lệnh kéo dài thời hạn tạm giam của Viện Kiểm sát và bình thản nhìn các nhà báo chụp ảnh, rồi nhếch mép cười khi thấy có mấy anh đặt máy ghi âm lên bàn.

- Vài ngày nữa, Viện Kiểm sát sẽ tống đạt cáo trạng - một cán bộ điều tra nói Anh có suy nghĩ thế nào trong thời gian làm việc với chúng tôi?

- Tôi thấy rằng, nói chung là tốt. Các anh đối xử với tôi tử tế, không ép cung, không truy bức, nhưng cái bản kết luận điều tra thì tôi không đồng ý. Vì… Khánh “trắng” ngập ngừng.

- Anh cứ nói thoải mái, vả lại, anh còn nhiều cơ hội để nói. Tòa sơ thẩm, rồi tòa phúc thẩm và nếu có thể lại tòa giám đốc thẩm.

- Vâng, tôi không đồng ý vì mấy lẽ: Thứ nhất là, tôi không cướp nhà hàng, khách sạn 71D và 71E Kim Mã. Hai nhà đó, tôi chỉ đòi nợ. Cá nhân nợ Nhà nước, không trả còn bị tịch thu, phát mãi nhà cửa, tài sản, vậy tại sao tôi không có quyền thu hồi một phần tài sản, trong khi tôi biết chắc chắn rằng, chúng đang định tẩu tán. Vấn đề đó, ra tòa sẽ tranh luận. Còn việc các anh truy cho tôi tội giết người, tôi cũng không đồng ý vì sự việc xảy ra nhanh và bất ngờ, tôi cũng chưa kịp trấn tĩnh. Tuy nhiên, tôi chỉ tiếc rằng, việc Cơ quan Công an bắt tôi đã làm hỏng kế hoạch xây dựng “Nghiệp đoàn” cho đến năm 2000.

Ảnh minh họa

Và rồi Khánh “trắng” thao thao bất tuyệt trình bày về những dự định của mình về xây dựng “Nghiệp đoàn” và tin rằng đến năm 2000 sẽ có 800 đến 1.000 công nhân, sẽ có nhiều chỗ làm cho bộ đội xuất ngũ, sẽ xây dựng được nhiều nhà tình nghĩa, sẽ phụng dưỡng thêm nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng v.v.v…Tóm lại là có rất nhiều… “sẽ” (!).

Khánh nói trơn tru, rất bài bản, không vấp váp, ngắc ngứ, nhớ khá nhiều chỉ thị, nghị quyết. Nghe Khánh nói, bỗng tôi chợt nhớ tới một vài người mà trước đây đã có lúc từng được tâng bốc lên là những “doanh nhân” giỏi của châu Á như anh chàng Minh Phụng, hoặc như gã vua đồ sứ “Hải đồ cổ” hồi nào, suốt ngày Hải mê mẩn với cái dự án “đuổi kịp Trung Quốc, vượt Nhật Bản”. Và kết cục thì gã nào cũng trở thành những kẻ lừa đảo siêu hạng cả. Dĩ nhiên, chúng đều có tài thuyết khách.

Có một số người do quá bực tức về những hành vi ngang ngược cùng với những thủ đoạn bóc lột cũng như làm ăn ma giáo của Khánh “trắng” nên đã gọi Nghiệp đoàn DVBX chợ Đồng Xuân là “Nghiệp đoàn tội ác”. Cách gọi này không đúng và có phần vơ đũa cả nắm. Trong 450 nhân viên của đội, chỉ có khoảng hai chục tên là dính líu sâu vào các hoạt động tội ác do Khánh “trắng” chủ mưu, hoặc dựa vào thế lực của Khánh để làm càn. Chính vì vậy mà sau khi Khánh bị bắt, việc xây dựng củng cố lại đội được dễ dàng hơn nhiều và mọi hoạt động của đội đã trở nên đúng mực hơn.

Theo kết quả điều tra, thì Khánh “trắng” là kẻ chủ mưu những vụ việc sau: Vụ giết người ở số nhà 44 phố Hàng Chiếu; vụ cướp tài sản ở 71E và 71D Kim Mã; tổ chức các hoạt động kinh doanh trốn thuế; tẩy rửa tiền; đòi nợ thuê; tổ chức cho vay lãi.

Khánh “trắng” cũng là kẻ trực tiếp đứng ra dàn xếp các vụ chạy tội cho đàn em như tên Đào Công Huy cùng đồng bọn là tên Đô, Hùng, Quân, Long đến khách sạn Hiệp Thành bắt và hiếp dâm nữ tiếp viên, hoặc như vụ em trai hắn là Nguyễn Tiến Thắng đánh chết người trong trại giam và nhiều những “vụ việc” lặt vặt khác.

Trong vụ Khánh “trắng” giết anh Đạt rồi dàn dựng Vũ Quốc Dũng nhận tội thay, mặc dù tòa phán quyết rằng Dũng phải bồi thường hơn 3 triệu đồng, nhưng cuối cùng chúng chỉ đưa cho mẹ của anh Đạt 1 triệu đồng. Khi mẹ anh Đạt viết đơn khiếu nại về việc xét xử không công bằng, Khánh cho tay chân đến nhà và đe sẽ “giết cả nhà”.

Có thể nói trong khoảng thời gian gần 4 năm là từ 1992 đến 1996, tổ chức tội phạm do Khánh “trắng” cầm đầu núp dưới vỏ bọc là một “doanh nghiệp” đã gây ra rất nhiều tội ác làm ảnh hưởng xấu tới tình hình trật tự trị an của thủ đô.

Đường dây buôn vải trốn thuế của Khánh “trắng” do tên Minh “trắng” trực tiếp chỉ huy đã thao túng gần như toàn bộ thị trường vải ở Hà Nội. Các lực lượng kiểm soát trên tuyến đường từ Lạng Sơn về thì cơ bản đã bị chúng vô hiệu hóa. Hàng của chúng về đến Hà Nội luôn được “ưu tiên” tiêu thụ, nếu không hết thì đem vào Nhà máy Dệt Nam Định nhuộm và bán ở thị trường tỉnh xa, nơi mà người dân vẫn thích chất vải của Nhà máy Dệt Nam Định. Bọn chúng khống chế xe cấp cứu 06 bắt phải chở vải cho chúng.

Đòi nợ thuê cũng là một “nguồn” có “hiệu quả” của Khánh “trắng”. Theo tài liệu của CSHS, nhiều khổ chủ đã thuê Khánh “trắng” đòi nợ và chịu chi từ 30-50%. Điển hình như vụ Khánh đi đòi nợ thuê cho chị Phạm Thị Ngọc Trang ở 105/3 đường Nguyễn Kiệm, thành phố Hồ Chí Minh. Chị Trang thuê Khánh đòi tiền chị Nhung ở 58 phố Hàng Bạc, Hà Nội với tổng số tiền gần 925 triệu đồng và chị Nhung đã phải chi cho Khánh 500 triệu đồng. Để “hợp pháp” hóa việc thuê mướn này, chị Trang phải viết giấy là vay của Khánh “trắng” 500 triệu đồng.

Để tẩy rửa những đồng tiền phi pháp Khánh “trắng” đã cho đầu tư vào một nhà hàng bia ôm ở phố Ngọc Hà. Đây cũng là nơi bọn chúng ăn chơi hưởng lạc và cũng là chốn để mời những người “có công giúp đỡ”. Chúng thuê nhà để mở quán nhưng chỉ được vài tháng hắn tuyên bố dõng dạc với chủ nhà: “Chưa có tiền để trả. Hãy đợi đấy!”. Rồi đến khi rút đi toàn bộ những thiết bị mà chủ nhà đầu tư như máy lạnh… chúng cũng tháo đi luôn (!).

Khánh “trắng” còn tự ý “thay mặt” cảnh sát giao thông phạt ôtô đi ngược chiều, phạt những người lấn chiếm lòng lề đường với danh nghĩa là “thực hiện Chỉ thị 36CP”, thu lệ phí xe tỉnh xa ra vào khu vực chợ Đồng Xuân, Long Biên. Và còn một luật lệ bất thành văn được áp dụng triệt để là: Không ai được phép tự ý bốc dỡ lấy hàng hóa của mình, bất kể khối lượng lớn hay nhỏ. Toàn bộ số tiền thu được, đàn em phải nốp hết cho Khánh “trắng”. Nhằm ngăn chặn những tên có máu “tắt mắt”, Khánh xây dựng một đội ngũ “mật báo viên” ngay trong từng tổ bốc xếp.

Hằng ngày, ngoài tổ trưởng, tổ phó phải làm báo cáo cho Khánh còn có các báo cáo do “đội quân điệp viên” gửi bí mật cho Khánh. Hầu hết các tổ trưởng, tổ phó đều do Khánh “trắng” tuyển chọn và bọn chúng đều là đám lưu manh, tay dao báu có hạng. Cũng có vài người là bộ đội xuất ngũ và là những người tử tế, chủ yếu để cho Khánh có thành tích báo cáo rằng “đã thu xếp công ăn việc làm cho bộ đội xuất ngũ và con em các gia đình thuộc diện chính sách (!).

Trong hoạt động kinh doanh của mình, Khánh đã chỉ đạo cho nhân viên kế toán khai man để trốn thuế. Qua kiểm tra sổ sách giấy tờ tài chính. Từ năm 1992 đến tháng 5-1996, tổng doanh thu của đội là 4 tỉ 570 triệu đồng. Nhưng chúng chỉ khai là có 744 triệu đồng. Theo tính toán của Chi cục Thuế Hà Nội, chúng đã trốn thuế hơn 350 triệu đồng. Chỉ với số tiền trốn thuế này cộng với những khoản thu phi pháp khác đã khiến cho hắn trở thành tỉ phú. Và hắn đã lợi dụng sự cả tin của các cấp chính quyền sở tại, đem một phần nhỏ số tiền cướp được đó làm “từ thiện”… và có một số người cứ hoắng lên, coi Khánh như một thần tượng. Thế mới biết thời buổi này mua danh giá rẻ bất ngờ.

Tôi nhớ hôm Khánh “trắng” bị bắt, có người đã nói với tôi rằng: “Chuyến này thì Công an Hà Nội và mấy ông trên Tổng cục Cảnh sát “toi” hết. Các ông ấy không biết Khánh “trắng” có thế lực thế nào đâu”. Đúng là trong nhà Khánh “trắng” có treo ảnh chụp chung với vài quan chức cao cấp… Kể ra thì đúng là Khánh “trắng” oai thật. Chả thế mà xe lam chở hàng cho hắn tha hồ chạy. Cảnh sát giao thông có tuýt còi thì chúng xưng danh “Khánh trắng” là xong ngay.

Có lần tay chân của Khánh lật đổ cả xe ba bánh của Công an phường Đồng Tâm, nhưng rồi công an cũng thua. Lại có lần Cảnh sát đặc nhiệm Hà Nội quay bắt quân của Khánh trong một vụ gây rối. Bọn chúng đã chỉ mặt anh em mà rằng: “Tao cho chúng mày về đuổi gà cho vợ hết”. Tức đến tận cổ, anh em quyết tâm xông vào trừng trị bọn chúng thì đã có người đến dàn xếp…(!).

Nhưng sự ngông nghênh của Khánh “trắng” thể hiện rõ nhất là hôm hắn bị bắt. Khi cảnh sát ập vào nhà hắn, Khánh bình thản nói: “Bắt thì dễ nhưng thả thì khó đấy” và khuyên cảnh sát nên… “suy nghĩ” lại.

Đúng thật, thả Khánh quả là khó lắm thay(!).

(Xem tiếp kỳ sau)

Tác giả: Nguyễn Như Phong

Nguồn tin: petrotimes.vn

  Từ khóa: Nam Cam ,Khánh Trắng ,ông trùm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP