Thể thao

Hành trình phi thường “chống lại cả thế giới” của Nguyễn Đình Bắc

Từ một cầu thủ vốn ít được biết đến ngay cả với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, Nguyễn Đình Bắc nhanh chóng vụt sáng trên bản đồ quốc tế. Vào thời khắc Đình Bắc chọc thủng lưới Nhật Bản bằng cú đánh đầu ngược ở trận ra quân bảng D của Asian Cup 2023 tại Qatar ngày 14/1, anh cũng cho thấy bản thân không sai lầm khi lựa chọn theo đuổi sự nghiệp bóng đá.

Cú đánh đầu định mệnh

Hơn mười năm trước, Lê Công Vinh khiến người hâm mộ bùng nổ cảm xúc với bàn thắng ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2008. Cú đánh đầu ngược có phần may mắn của CV9 giúp Việt Nam lần đầu lên ngôi vô địch Đông Nam Á. Bàn thắng ấy cũng mở ra một trang sử huy hoàng cho Công Vinh, cầu thủ có sự nghiệp rực rỡ bậc nhất của bóng đá Việt Nam hiện đại.

Trước khi “nhổ giò”, Đình Bắc bị chê vì thân hình nhỏ bé với chiều cao 1m50.

Ở một góc độ nào đó, bàn thắng của Đình Bắc vào lưới Nhật Bản có rất nhiều điểm tương đồng với tình huống Công Vinh lập công. Cả hai đều dùng đầu để chạm vào bóng như một phản xạ, qua đó đưa bóng vào góc rất khó của khung thành đối phương. Và, giống như Công Vinh trước đây, đó có thể là bàn thắng đưa Đình Bắc bước ra vũ đài thế giới.

Tình huống lập công không phải khoảnh khắc duy nhất Đình Bắc tỏa sáng trước Đội tuyển Nhật Bản. Anh được đánh giá là cầu thủ xuất sắc nhất của tuyển Việt Nam trong trận đấu đó, với tỷ lệ qua người thành công 100%, cùng 7/8 lần tranh chấp tay đôi thành công. Đình Bắc cũng kiếm về 7 quả phạt cho đội nhà.

Màn trình diễn của Đình Bắc càng khiến người hâm mộ khó tin khi biết anh mới 20 tuổi và là một trong những cầu thủ trẻ nhất Asian Cup năm nay. Cái tên Đình Bắc cũng không được nhắc đến nhiều trên bản đồ bóng đá Việt Nam, bởi anh chưa bao giờ đá chính ở các đội tuyển trẻ. Nhưng, khi được gọi lên Đội tuyển quốc gia, Đình Bắc đã sớm chứng tỏ bản thân.

Tại vòng loại World Cup 2026, trong trận đấu giữa Đội tuyển Việt Nam và Philippines, Đình Bắc chính là người ghi bàn ấn định tỷ số 2-0 bằng một pha dứt điểm lạnh lùng. Tại V.League, Đình Bắc thường xuyên được trao cơ hội thi đấu, dù CLB Quảng Nam thường ưu tiên vị trí thi đấu trên hàng công cho các ngoại binh.

Với 7 lần ra sân ở V.League mùa này, Đình Bắc đã có 2 bàn thắng. Đây là con số đáng kể với một cầu thủ mới ở tuổi mười chín đôi mươi, lại phải thi đấu chủ yếu trong vai trò kiến thiết cho các ngoại binh ghi bàn như Đình Bắc. Nhưng, ở mọi vị trí được trao, cầu thủ sinh năm 2004 đều cho thấy anh có khả năng thi đấu tốt, đáp ứng yếu cầu huấn luyện viên đưa ra.

Nhiều năm trước, bóng đá Việt Nam thường không có nhiều lựa chọn ở vị trí cao nhất trên hàng công. Nhưng, với sự xuất hiện của Đình Bắc, nỗi lo đó đã phần nào vơi bớt. Tại giải đấu Tiến Linh không thể góp mặt vì chấn thương, Đình Bắc đã nhanh chóng chứng tỏ giá trị. Anh thậm chí có thể trở thành trụ cột của đội tuyển trong nhiều năm nữa.

"Thánh Gióng nhổ giò"

Trên bảng danh sách đăng ký cầu thủ tham dự Asian Cup của Đội tuyển Việt Nam, Đình Bắc là một trong những người có chiều cao trên trung bình. Cầu thủ đang thi đấu cho CLB Quảng Nam sở hữu chiều cao 1m80. Đây là một trong những nhân tố giúp anh được huấn luyện viên Troussier đặt niềm tin trên hàng công của tuyển Việt Nam.

Đình Bắc cho thấy bóng đá Việt Nam có thể đang bỏ sót nhiều nhân tài

Trái với hình ảnh của một cầu thủ cao lớn, Đình Bắc của những năm trước đây mang đến ấn tượng ngược lại. Trong ngày dự tuyển vào lò đào tạo của CLB Sông Lam Nghệ An, cậu bé Nguyễn Đình Bắc chỉ cao 1m50. Chiều cao "ba mét bẻ đôi" là nguyên nhân chính khiến anh bị loại khỏi tuyến trẻ đội bóng xứ Nghệ.

Có thời gian, cái tên Đình Bắc tưởng như sẽ không bao giờ xuất hiện trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Sau ngày bị loại khỏi lò đào tạo Sông Lam Nghệ An, Đình Bắc tạm gác lại giấc mơ quần đùi áo số để học văn hóa. Quãng thời gian đó kéo dài tới 3 năm và anh thậm chí đã nghĩ đến việc ra nước ngoài xuất khẩu lao động.

Tại Nghệ An, đi xuất khẩu lao động là một trào lưu. Các đội tuyển thể thao xứ Nghệ luôn rơi vào cảnh đau đầu, khi mỗi năm lại có không ít vận động viên xin nghỉ thi đấu để xuất khẩu lao động. Đình Bắc không nằm ngoài xu hướng ấy. Anh thậm chí đã bắt đầu học tiếng Nhật để chuẩn bị cho những ngày nơi đất khách quê người.

Bóng đá Việt Nam sẽ vĩnh viễn mất đi một tài năng, nếu như cái tên Đình Bắc không được nhắc lại bởi cựu cầu thủ Sông Lam Nghệ An Thanh Thưởng. Ông chính là người liên hệ với Đình Bắc, đồng thời thuyết phục anh đầu quân cho CLB Quảng Nam. Khát vọng cùng quả bóng đã đưa Đình Bắc trở lại nghiệp quần đùi áo số.

Trên thực tế, việc Đình Bắc trở thành cầu thủ của Quảng Nam không phải phát hiện thế kỷ. Ngay cả Thanh Thưởng cũng không tin vào viễn cảnh cậu học trò nhỏ bé ngày nào có thể "nhổ giò" như truyền thuyết Thánh Gióng. Sau 2 năm đến Quảng Nam, Đình Bắc cao thêm 20 cm, rồi đạt đến chiều cao 1m80 như hiện tại.

Những huấn luyện viên của đội trẻ Quảng Nam cho biết, Đình Bắc được tạo điều kiện thi đấu vì một lý do tế nhị. Theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, các đội chơi ở V.League và hạng Nhất phải có tuyến trẻ. Tuy nhiên, Quảng Nam khi đó thiếu người ở một số đội U nên họ cần người "vá chỗ trống" như Đình Bắc.

Khoảng trống để mất tài năng

Hệ thống đào tạo bóng đá trẻ của Việt Nam và thế giới có một "vết nứt trên viên kim cương". Ở đó, các huấn luyện viên, tuyển trạch viên thường đánh giá cầu thủ dựa trên sức mạnh thể chất tại một vài thời điểm nhất định. Mô hình này giúp những cậu bé dậy thì sớm chiếm ưu thế. Ở chiều ngược lại, những ai dậy thì muộn có thể trở thành viên kim cương bị lãng quên.

Bóng đá thế giới từng chứng kiến Scott McTominay, tiền vệ của Man Utd suýt bị loại khỏi đội trẻ CLB vì thiếu chiều cao. Ở tuổi 17, anh cao chưa tới 1m60, thấp hơn nhiều so với bạn bè đồng trang lứa. Chỉ có hệ thống bảo vệ "gà nhà" của Man Utd mới có thể chờ đợi McTominay tiếp tục phát triển. Trong 2 năm tiếp theo, khi bước vào tuổi dậy thì, anh cao thêm 35 cm.

"Chọn cầu thủ trẻ dựa vào sức mạnh thể chất, khi chúng chưa phát triển đầy đủ, là một lựa chọn ngớ ngẩn. Ở tuổi 14-15, tôi thậm chí chẳng thể sút quả bóng xa hơn 30 mét". "Thánh bóng đá" Johan Cruyff từng nói như vậy về lỗ hổng trong công tác đào tạo bóng đá trẻ thế giới. Điều đó cũng đúng với Việt Nam, trong câu chuyện về Đình Bắc.

Sông Lam Nghệ An, CLB không thiếu nhân tài bóng đá ở cấp độ trẻ, chính là đội bóng đầu tiên bỏ qua Đình Bắc về vấn đề thể chất. Các đội trẻ, tuyển trẻ sau đó của bóng đá Việt Nam cũng chưa bao giờ trao cho anh cơ hội chứng tỏ bản thân. Nhưng, bằng một cách nào đó, huấn luyện viên Philippe Troussier đã nhìn ra những tố chất tốt của Đình Bắc và đặt niềm tin vào anh.

Đình Bắc, một người chưa bao giờ đá chính ở các đội tuyển trẻ quốc gia, đã thi đấu rất tốt tại Asian Cup. Anh cho thấy một sự thật bất ngờ về bóng đá Việt Nam: Có rất nhiều cầu thủ tài năng đang bị bỏ sót ngoài kia. Họ có thể đã giải nghệ hoặc chôn vùi sự nghiệp ở những đội bóng vô danh trước khi có cơ hội để tỏa sáng như Đình Bắc.

Làm thế nào để bóng đá Việt Nam không để lọt những cầu thủ trẻ như Đình Bắc trong tương lai? Câu trả lời có thể nằm ngay trong "bài toán" đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Ở đó, một nước châu Á như Việt Nam lại đang rèn giũa cầu thủ theo mô hình của bóng đá châu Âu: Cầu thủ trẻ có thể bị CLB loại bỏ bất cứ lúc nào và phải chấm dứt sự nghiệp nếu không có đội nào khác chiêu mộ.

Không giống Việt Nam và châu Âu, Nhật Bản đã khắc phục nhược điểm của mô hình đào tạo đó. Cầu thủ Nhật Bản có thể thi đấu tại đội trẻ CLB hoặc trường THPT và đại học. Họ được đảm bảo cơ hội chơi bóng, cũng như lọt vào mắt xanh các tuyển trạch viên bóng đá chuyên nghiệp đến năm 23 tuổi. Ở đó, không có cầu thủ nào bị bỏ lại phía sau.

Tác giả: Đơn Ca

Nguồn tin: Báo Công an Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP