Kinh tế

Hãng taxi Vinasun vẫn chưa nhìn thấy ánh mặt trời

Đội xe gần như ngừng hoạt động toàn bộ trong quý III khiến doanh số của Vinasun rơi xuống mức thấp nhất lịch sử, chuỗi ngày thua lỗ cũng tiếp tục kéo dài.

Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã chứng khoán: VNS) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh số thấp kỷ lục. Đây là kết quả dễ hiểu khi hoạt động vận tải hành khách tại TPHCM và nhiều tỉnh phía Nam, địa bàn hoạt động chính của hãng taxi Vinasun, gần như "đóng băng" toàn bộ trong quý III khi các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt được áp dụng để phòng chống dịch.

3 tháng vừa qua, doanh thu thuần của Vinasun là 23 tỷ đồng, chỉ tương đương 1/10 cùng kỳ 2020 khi phần lớn xe của công ty nằm bãi, dừng hoạt động. Doanh số quá thấp, Vinasun lỗ gộp 77 tỷ đồng trong quý III.

Sau khi hạch toán thêm các chi phí lãi vay, bán hàng, quản lý doanh nghiệp, Vinasun lỗ ròng 91 tỷ đồng. Con số này đã là một nỗ lực lớn của doanh nghiệp khi cố gắng tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động so với cùng kỳ.

Biểu đồ: Việt Đức

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinasun chỉ đạt doanh thu 396 tỷ đồng, sụt giảm gần 50% so với cùng kỳ 2020. Dù đã cắt giảm nhiều chi phí, tích cực thanh lý xe taxi để có thêm nguồn thu, Vinasun vẫn lỗ sau thuế 188 tỷ đồng sau 3 quý. Cùng kỳ năm trước, công ty cũng lỗ 185 tỷ đồng. 3 tháng vừa qua cũng đánh dấu quý thứ 7 liên tiếp thua lỗ của Vinasun kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020.

Đến hết tháng 9, tổng tài sản của doanh nghiệp taxi có thị phần thuộc nhóm đầu khu vực phía Nam còn 1.700 tỷ đồng, thấp hơn 450 tỷ đồng so với hồi đầu năm sau khi nhiều tài sản cố định đã bị thanh lý.

Tuy nhiên, bảng cân đối kế toán của Vinasun vẫn tương đối vững vàng khi vốn chủ sở hữu đạt gần 1.300 tỷ đồng còn nợ phải trả chỉ chiếm 400 tỷ đồng. Trong đó, nhờ khoản để dành giai đoạn trước, công ty vẫn còn 256 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối dù lỗ nặng từ đầu năm đến nay.

Doanh nghiệp vận tải này cũng chủ động giảm áp lực từ phía ngân hàng khi tất toán một phần các khoản nợ. Đến cuối tháng 9, tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lẫn dài hạn của Vinasun chỉ còn hơn 200 tỷ đồng, giảm hơn 130 tỷ đồng so với thời điểm kết thúc năm 2020.

Đến cuối tháng 9, doanh nghiệp có 3.805 nhân sự, giảm gần 600 người so với cuối năm ngoái. Trước tình hình khó khăn, các thành viên trong HĐQT, ban điều hành của Vinasun cũng cắt giảm thu nhập bình quân 30%. Tổng quỹ thu nhập cho 11 nhân sự lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong 9 tháng đầu năm là 2,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 là 3,7 tỷ đồng. Bình quân mỗi sếp của Vinasun nhận chưa đến 30 triệu đồng/tháng trong năm nay.

Năm nay, Vinasun đặt mục tiêu doanh thu thuần 1.050 tỷ đồng và dự kiến lỗ sau thuế 79 tỷ đồng. Khi các hoạt động vận tải, đi lại ở TPHCM nói riêng và nhiều tỉnh phía Nam đã quay trở lại từ 1/10 nhưng vẫn còn dè dặt, Vinasun khó có thể báo lãi ngay trong quý IV để có thể về đích năm nay trừ trường hợp đột biến.

Tác giả: Việt Đức

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP