Tại Trường THCS Hương Trà (xã Hương Trà, huyện Hương Khê), thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng được nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 10/2015. Thầy Trần Phú Long, Phó hiệu trưởng được UBND huyện Hương Khê ra quyết định giao quyền điều hành toàn bộ mọi hoạt động của nhà trường. Và đến nay, đã hơn 13 tháng vẫn chưa có quyết định bổ nhiệm chức danh này.
Trường THCS Hương Trà (xã Hương Trà, huyện Hương Khê) đã khuyết chức danh Hiệu trưởng hơn 1 năm nay
Và việc kiêm nhiệm trong thời gian dài cũng đã dẫn đến nhiều bất cập.
Thầy Trần Phú Long, chia sẻ: “Tôi là hiệu phó nhưng hơn 1 năm qua tôi đang phải kiêm thêm công việc của hiệu trưởng. Về tổng thể thì không có gì khó khăn nhưng để một người đảm nhiệm cả công việc điều hành và công việc chuyên môn nên cũng mệt".
Một vấn đề cũng được thầy Long thẳng thắn chia sẻ đó là quyền lợi và trách nhiệm của việc kiêm nhiệm này.
“Một mình làm hai việc, vừa hiệu phó lại kiêm cả hiệu trưởng nhưng chỉ được hưởng trợ cấp chức vụ của hiệu phó, tôi thấy cũng bất cập. Vừa qua cán bộ quản lý của ngành trong địa bàn huyện còn dôi dư, vì vậy nhà trường đã đề xuất xin thêm một phó hiệu trưởng để hỗ trợ công việc. Sau đó cô Phan Thị Giang đã được điều động về đây công tác”, thầy Long nói.
Thầy Trần Phú Long kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường THCS Hương Trà hơn 1 năm nhưng không được hưởng thêm phụ cấp gì
Tương tự, tại Trường Tiểu học Phú Gia (huyện Hương Khê), mặc dù thầy hiệu trưởng Nguyễn Quang Vinh đã nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 5/2016 nhưng đến nay vị trí Hiệu trưởng vẫn còn bỏ ngỏ.
Điều bất cập ở chỗ, từ năm 2011 đến nay, huyện Hương Khê đã tiến hành sáp nhập 28 trường, trong đó cấp THCS là 8 trường, cấp tiểu học là 16 trường. Điều này đồng nghĩa, huyện Hương Khê đang dôi dư cấp quản lý rất nhiều.
Trao đổi về những bất cập trên, ôngTrần Đình Hùng, Trường phòng GD-ĐT huyện Hương Khê thừa nhận việc kiệm nhiệm chức danh hiệu trưởng trong thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người được kiêm nhiệm.
“Họ được kiêm nhiệm hiệu trưởng, họ phải làm tất cả công việc, trách nhiệm như một người hiệu trưởng nhưng về quyền lợi các mức phụ cấp thì vẫn là hiệu phó”.
Trường Tiểu học Phú Gia cũng khuyết chức danh Hiệu trưởng
Về vấn đề hiện nay huyện Hương Khê đang dôi dư cấp quản lý thì ông Hùng cho biết: “Từ trước đến nay, việc bổ nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục là lấy tín nhiệm của cơ sở giáo dục, của địa phương và phòng GD. Cách bổ nhiệm này có những hạn chế nhất định là đôi khi không phát huy được năng lực quản lý của người được bổ nhiệm. Gần đây, đối với các trường THPT, Sở GD-ĐT đã tiến hành tổ chức thi tuyển. Và hiện chúng tôi đã xin ý kiến Thường trực Huyện ủy, tham mưu Ủy ban huyện để xây dựng quy chế bổ nhiệm theo hướng đó và đang chờ ban hành quy chế chính thức. Vì chờ xây dựng xong quy chế rồi mới bổ nhiệm nên mới chậm như thế”.
Bà Cao Thị Liễu, Trưởng phòng Nội Vụ huyện Hương Khê cho hay, trước đó, các cơ quan liên quan đã xin ý kiến Thường trực về việc bổ nhiệm cán bộ quản lý thông qua thi tuyển. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đang gặp nhiều vấn đề.
“Sắp tới chúng tôi sẽ trình UBND huyện để xin ý kiến chỉ đạo, cho phép bổ nhiệm theo kiểu truyền thống. Về việc chậm trễ này, chúng tôi cũng xin nhận khuyết điểm”.
Tác giả bài viết: Xuân Sinh
Nguồn tin: