Hiện nay, Nghĩa trang Liệt sĩ Núi Nài có gần 2.000 hài cốt liệt sĩ
Từ bỏ công việc yêu thích nối nghiệp chồng
Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi đã tìm gặp và được nghe bà Mạnh kể về những câu chuyện, những kỷ niệm hết sức cảm động, thiêng liêng trong khoảng thời gian trông coi Nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài của bà và người chồng quá cố.
Bà kể lại, vào năm 1961, chồng bà, ông Nguyễn Đình Vịnh tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Đến năm 1974, ông bị thương, sức khỏe yếu nên ông được xuất ngũ. Trở về quê, mang trên mình di chứng chiến tranh nhưng ông vẫn cần mẫn, chăm lo công việc gia đình cũng như đồng áng.
“Lúc xuất ngũ trở về, do bị thương, sức khỏe yếu, ông ấy rất day dứt. Ông ấy nói với tôi là muốn được tiếp tục cầm súng để cùng đồng đội chiến đấu, nhưng sức lực của ông ấy không thể đương đầu với sự tàn khốc của chiến tranh”, bà Mạnh kể.
Không được tiếp tục chiến đấu trên chiến trường nhưng trong lòng ông vẫn đau đáu muốn làm một điều gì đó để chia sẻ với các đồng đội.
Bà Mạnh thắp nhang, thay những bó hoa trên phần mộ của các liệt sĩ
Năm 2000, ông lên chính quyền trình bày nguyện vọng được trông coi, chăm nom hương khói cho những đồng đội nằm tại Nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài. “Lúc được chính quyền đồng ý, ông ấy đã bật khóc. Ông ấy nói, được thực hiện tâm nguyện này khiến lòng ông nhẹ nhõm hơn”, bà Mạnh nhớ lại.
Mặc dù sức khỏe không được tốt, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng ông Vịnh luôn làm tròn trách nhiệm của một quản trang tận tình. Trong gia đình, ông là một người chồng có trách nhiệm.
Làm tại nghĩa trang liệt sĩ Núi Nài được 14 năm thì ông Vịnh qua đời. Trước lúc nhắm mắt, tâm nguyện cuối cùng của ông là muốn chính người vợ của mình tiếp tục công việc trông coi nghĩa trang. Để làm trọn tâm niệm của người chồng giao phó trước lúc ra đi, bà Mạnh đã bỏ cả công việc yêu thích hằng ngày của mình để tiếp nhận nhiệm vụ "người gác đền".
“Ngày đó, tôi buôn bán ngoài chợ, đó cũng là việc mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình nhưng tôi quyết bỏ để đi trông coi nghĩa trang, một phần vì tâm nguyện của chồng, phần vì tôi thấy công việc đó hết sức cao cả, canh giấc cho những người đã hy sinh cho Tổ quốc được độc lập. Ở đó có cả những đồng đội của chồng tôi”, bà Mạnh nói.
"Tôi làm vì cái tâm"!
Thế là đã hơn 16 năm trôi qua, người dân thành phố Hà Tĩnh quen thuộc với hình dáng của bà Mạnh và người chồng quá cố của bà.
Đã hơn 2 năm nay, bà Mạnh miệt mài thầm lặng với công việc của mình
Kế nghiệp người chồng đã mất được hơn 2 năm nay, bà Mạnh luôn thực hiện trọn vẹn công việc của mình. Một công việc có lẽ như đã ăn sâu vào tiềm thức của bà. Bất kể nắng hay mưa, hàng ngày bà thức khuya, dậy sớm ra quét dọn, cắt cỏ xung quanh các phần mộ.
Hơn 2 năm, bà Mạnh không nhớ đã bao nhiêu lần mình đón tiếp các thân nhân liệt sĩ tới viếng thăm nghĩa trang, có khi chỉ là một người đến, cũng có đoàn lên đến hàng chục người, nhất là vào những dịp lễ, dịp 27/7….
Mỗi khi có người tới thắp hương, bà Mạnh đều trò chuyện, hỏi han xem gia đình có cần hỗ trợ gì để quản trang giúp đỡ.
“Chồng của tôi cũng là người lính nên tôi hiểu được những hi sinh của các liệt sỹ và gia đình. So với các anh, chồng tôi còn may mắn hơn, đó là được trở về cùng vợ con. Nên giờ được làm công việc trông coi này tôi thấy thật thanh thản. Có nhiều thân nhân liệt sỹ ở xa vì điều kiện một năm chỉ đến viếng thăm được một lần, thậm chí nhiều năm mới tới được một lần. Được thay họ thắp nén nhang lên phần mộ của các anh tôi cũng thấy nhẹ nhõm hơn” - bà chi sẻ.
Công việc không phải không có những lời vào tiếng ra song bà không bao giờ để ý tới những lời nói đó.
“Nhiều người bảo tôi làm một ngày được có 50 ngàn đồng thì làm làm gì. Nhưng thực ra tôi làm ở đây không phải để đòi hỏi quyền lợi gì, tôi làm là vì cái tâm của mình. Có điều rất hay, nhiều lúc mệt mệt, nhưng cứ lên đây là người nó khỏe hẳn ra và cảm thấy rất thanh thản, nhẹ nhõm”, bà Mạnh vui vẻ nói.
Ông Nguyễn Xuân Hương, Chủ tịch UBND phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Nghĩa trang Liệt sĩ Núi Nài được xây dựng vào thời kỳ bao cấp. Ban đầu chỉ có khoảng 300 hài cốt nhưng hiện nay đã có gần 2.000 hài cốt liệt sĩ khắp cả nước. Hiện có hai người đang quản lý chăm sóc tại Nghĩa trang là bà Mạnh và ông Đại”.
“Bà Mạnh cũng có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi chồng mất, bà Mạnh đã ra làm tại đây được hơn 2 năm, dù đã có tuổi nhưng bà Mạnh là một người có trách nhiệm với công việc. Việc làm của bà Mạnh và người chồng quá cố hết sức thiêng liêng, cao đẹp”.
Trời se se lạnh, hình dáng bà Mạnh thấp thoáng sau những phần mộ. Với bà, 2 năm hay làm cả đời người tại Nghĩa trang Liệt sĩ Núi Nài này cũng không thể đền đáp hết công ơn của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc, cho Đất nước này…
Tác giả bài viết: Xuân Sinh
Nguồn tin: