Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nhân (Chủ tịch UBND xã Phú Gia) cho biết: “Đúng là có tình trạng người dân vào chặt phá rừng tại Tiểu khu 229 do xã quản lý khiến người dân trên địa bàn bức xúc. Theo đó, năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định số 3759/QĐ-UBND về việc cắt chuyển hơn 1.000 hecta từ Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm về cho xã quản lý để giao cho các hộ dân. Nhưng trên thực tế, xã mới chỉ nhận bàn giao được hơn 600 hecta, hơn 300 hecta còn lại vẫn chưa nhận được bàn giao trên thực địa...”
Nguyên nhân của sự việc này được ông Nhân lý giải là trước khi bàn giao cho xã chủ rừng củ là Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Tiêm vẫn chưa thanh lý xong hợp đồng với các hộ dân nhận giao khoán theo Nghị định 135 của Chính phủ trước đó nên xảy ra tình trạng không thu hồi được rừng để giao theo đề án giao đất giao rừng.
Có 3 hộ gồm: ông Phạm Lê Huân, Phạm Mạnh Tường, Lê Hải Lý (đều trú tại huyện Hương Khê) chưa đồng ý phương án thanh lý hợp đồng để giao rừng theo đề án của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Theo quy định mới thì mỗi hộ được giao bảo vệ khoanh nuôi, phát triển tối đa là 30 hecta. Số đất rừng ngoài diện tích trên phải cắt giảm, chuyển về cho UBND xã Phú Gia quản lý, giao cho các hộ có nhu cầu khác. Tuy nhiên những hộ này đã không chịu bàn giao trên thực địa cho chính quyền địa phương.
“Tại Tiểu khu 229, trong các hộ được giao rừng thì nhiều nhất đó là ông Phạm Lê Huân, theo Nghị định 135 là hơn 120 hecta. Theo quy định mới thì ông Huân chỉ được giao 30 hecta còn lại phải giao lại cho xã nhưng ông Huân không thực hiện. Việc rừng tác động, chặt phá nhiều nhất cũng là ở khu rừng được giao cho hộ ông Huân. Ông Huân đã thuê người ở xã Hòa Hải (huyện Hương Khê) sẻ phát. Theo chúng tôi đo đạc thì riêng hộ ông Huân đã có diện tích rừng bị chặt phá lên đến hơn 20hecta...”, ông Nhân cho hay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Phạm Lê Huân là Giám đốc của Doanh nghiệp tư nhân Thành Tâm, có địa chỉ tại xóm 12 xã Hương Long, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
Liệu vụ việc có được xử lý nghiêm minh?
Cũng theo lời ông Nhân thì ông Phạm Lê Huân cũng là người “không hợp tác” với chính quyền trong việc giao đất. Xã nhiều lần mời lên làm việc nhưng ông Huân cho rằng phải bồi thường đã thì mới giao rừng. Đối với việc chấp hành quy định bảo vệ rừng của ông Huân, phía UBND xã Phú Gia cho hay: Vào cuối năm 11/2015, khi phát hiện chủ rừng là ông Phạm Lê Huân phá rừng trái phép UBND xã Phú Gia đã có thông báo cho ông Phạm Lê Huân về việc ngừng tác động, sẻ phát trên thửa đất chưa thống nhất phương án giao đất giao rừng của UBND xã.
Đến tháng 2/2016, UBND xã Phú Gia và kiểm lâm địa bàn tiếp tục phát hiện việc chặt phá, sẻ phát tại với diện tích khoảng 3 hecta tại thửa đất giao cho ông Phạm Lê Huân thuộc Tiểu khu 229. Và đồng thời có được thông tin 9 người gồm vi phạm gồm: Ngô Thị Hóa, Nguyễn Thị Lạc, Trần Thị Thanh, Phan Anh Tuấn, Nguyễn Văn Hiệp. UBND xã Phú Gia đã gửi thông báo cho 9 hộ gia đình, bí thư, trưởng thôn Trường Sơn về việc ngừng tác động, sẻ phát trên thửa đất chưa thống nhất phương án giao đất của UBND xã.
Tiếp đó, tháng 4/2016, UBND xã Phú Gia, kiểm lâm huyện Hương Khê, Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Tiêm tiếp tục phát hiện hành vi sẻ phát tại Tiểu khu 229. Tuy nhiên, khi đoàn đến thì các đối tượng đã bỏ chạy nên không lập được biên bản vụ việc.
.Mới đây, sau khi phát hiện sự việc rừng tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng UBND xã Phú Gia đã có tờ trình gửi cơ quan chức năng về việc ông Phạm Lê Huân “tác động” lên phần đất rừng chưa thống nhất phương án và đề nghị cơ quan chức năng giải quyết.
Nói về sự việc trên, ông Phạm Lê Huân, Giám đốc doanh nghiệp Thành Tâm cho biết “Họ ưng nói chi (gì) thì nói chứ, đúng là tôi có thuê người sẻ phát mà tôi sẻ phát thực bì vì đó là tài sản của tôi. Chúng tôi phải thuê ngươi chứ chúng tôi có làm được đâu. Rừng của tôi thì tôi sẻ phát chứ răng (sao), từ lúc không có rừng đến lúc có rừng chứ có phải rừng của Nhà nước đâu!?. Đó là rừng sản xuất mà, vừa rồi bị mất mát một ít ấy. Hiện tôi cũng đã có đơn kiến nghị về sự việc này đề nghị cơ quan chức năng làm rõ rồi, ai sai thì phải xử lý...”Đ
Từ những người được giao rừng để bảo vệ và ,phát triển thì chính những người này lại “tác động xấu”, phá rừng nên người dân địa phương rất bức xúc. Đáng noi là việc làm này không phải chỉ xảy ra ở vùng đất rừng của những người dân mà còn xả ra cả phần đất rừng của những người là chủ doanh nghiệp. Sau khi kiểm tra hiện trạng, phía đoàn liên ngành huyện Hương Khê cũng đánh giá đây là một vụ việc nghiêm trọng đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền, khởi tố vụ án để điều tra làm rõ
Trước việc rừng bị tàn phá nghiêm trọng, người dân đang chờ sự vào cuộc và xử lý nghiêm minh của cơ quan chức năng. Liệu rằng vụ việc có được xử lý nghiêm minh doanh nhân.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc Ông Nguyễn Văn Huyên (Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh) cho biết: “Sau khi nhận được thông tin rừng Phú Gia bị tàn phá chúng tôi cũng đã trực tiếp đến hiện trường khảo sát sự việc, đồng thời nhắc nhở huyện trong việc bảo vệ và quản lý rừng. Ngoài huyện Hương Khê còn có một số địa phương khác giao rừng cho dân như: huyện Hương Sơn, Vũ Quang…Chúng tôi cũng rất quan tâm sự việc này và sẽ chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm túc, chấn chỉnh không để sự việc kéo dài. Vụ việc liên đới trách nhiệm nhiều bên như: huyện, Sở NN&PTNT, Sở TN&MT... Ban cũng đã báo cáo, tham mưu cho thường trực tỉnh ủy về sự việc. |
Tác giả bài viết: Thuận Đức - Nguyễn Huyền/Theo Báo Doanh nhân