Trong nước

Giữ kỷ luật giáng chức dễ dẫn đến nể nang

Trong khi Chính phủ đề nghị bỏ hình thức kỷ luật giáng chức thì nhiều đại biểu cho là cần thiết, nên giữ lại.

Chiều 24-5, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Băn khoăn với kỷ luật giáng chức

Trong tờ trình, Chính phủ đề nghị không tiếp tục giữ hình thức kỷ luật giáng chức.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân lý giải: Việc quy định đồng thời hai hình thức kỷ luật giáng chức và cách chức áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức giáng chức thay vì phải áp dụng hình thức cách chức. Cạnh đó, quy định về hình thức kỷ luật giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm.

Theo ông Tân, hình thức giáng chức thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi tại vị trí được bổ nhiệm đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý. “Để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn thì không nên tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức” - ông Tân nói.

Tuy nhiên, nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị giữ hình thức kỷ luật này vì mang tính răn đe cao, đã được áp dụng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà đồng tình với ý kiến của cơ quan thẩm tra. “Thực tế áp dụng ít nhưng cần thiết” - ông Trà nói và cho rằng một người đang là cấp phó được bổ nhiệm lên cấp trưởng nhưng điều hành, năng lực không đáp ứng được có thể giáng chức xuống làm cấp phó.

Hay một giám đốc sở vi phạm vượt hình thức kỷ luật cảnh cáo, nếu bỏ hình thức giáng chức sẽ xuống làm nhân viên, sẽ phí năng lực chuyên môn…

Bí thư quận Cầu Giấy (Hà Nội) Trần Thị Phương Hoa cũng đề nghị không nên bỏ hình thức kỷ luật giáng chức vì từ cảnh cáo mà chuyển sang ngay cách chức thì quá nặng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi lại đồng tình với đề xuất của Chính phủ. “Không nên vừa có hình thức kỷ luật giáng chức, vừa có cách chức. Anh vi phạm, tôi cách chức anh đi, anh phải “tu nhân tích đức” làm sao trở lại vị trí ban đầu” - ông Lợi nói.

Cựu chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng cần tính toán cụ thể, làm sao để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật nhưng cũng không làm mất động lực sửa khuyết điểm của cán bộ…

Các đại biểu tranh luận về việc giữ hay bỏ hình thức kỷ luật giáng chức. Ảnh: N.THẮNG

Cán bộ, công chức có thể hạ cánh không an toàn

Một nội dung đáng chú ý khác, dự thảo luật đã bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) cho rằng việc xử lý kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu tạo được sự đồng tình của dư luận. “Việc này cho thấy cán bộ, công chức có thể hạ cánh không an toàn. Vấn đề này cần luật hóa, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật…” - bà Trang nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà cũng cho rằng: “Luật hóa là đúng, tuy nhiên cần quy định kỹ hơn, cụ thể hơn”. Ông cũng nhận xét việc này “đang làm và làm rất tốt, tạo hiệu ứng rất tốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng”. Tuy nhiên, kỷ luật cán bộ nghỉ hưu phải làm rõ tính pháp lý các văn bản mà người này chịu trách nhiệm.

“Ông hiệu trưởng ký cho tôi bằng đại học, bây giờ bị cách chức hiệu trưởng thì bằng đó như thế nào? Chúng ta cần quy định, chứ tôi không nghĩ là phải đổi bằng” - ông Trà nói.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận khi kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu có vấn đề pháp lý phát sinh nhưng chưa có cách xử lý, cụ thể những hành vi mà cán bộ bị kỷ luật đó thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ luật định có còn giá trị pháp lý hay không. “Chính phủ có đề xuất nhưng cũng chưa thấy được giải pháp hữu hiệu” - ông Long nói.

Liên quan đến hình thức kỷ luật cán bộ, công chức, đại biểu Phạm Quang Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) đề nghị bám sát các quy định của Đảng, đặc biệt Quy định 102 vừa qua của Bộ Chính trị vì liệt kê rất rõ các hình thức xử lý, lỗi vi phạm của cán bộ, công chức.

Theo ông Thanh, công chức có vị trí chức vụ mà bị kỷ luật thì 99,9% là đảng viên, bao giờ cũng phải thi hành hai bên (Đảng và chính quyền). “Bên chính quyền thì hội đồng kỷ luật bỏ phiếu, bên Đảng thì cấp ủy cấp trên xử lý. Nó vênh nhau, nhiều lúc rất khó” - ông Thanh nói.

Ông cho rằng việc quy định các lỗi vi phạm, hình thức xử lý, thời hiệu xử lý cần phải bám quy định của Đảng. “Có trường hợp vi phạm nhiều năm, không thể xử lý về mặt chính quyền vì quá thời hiệu 24 tháng. Quay sang kỷ luật cấp ủy thì có trường hợp thời điểm họ vi phạm thì chưa là đảng viên nên không biết xử lý kiểu gì, rất lúng túng” - ông Thanh đề nghị cần cụ thể hóa những quy định xử lý cán bộ của Đảng trong luật.

Dẫn câu chuyện xâm phạm rừng Sóc Sơn, ông nói: Ở Sóc Sơn có người thay đổi ba vị trí rồi quay lại kỷ luật vị trí cách đây gần 10 năm thì rất khó và lúng túng, chưa kể là có người còn đang làm việc, người đã nghỉ hưu.

Tác giả: Đ.MINH - T.PHÚ - C.LUẬN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP