Luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức nước ta đều không tính đến việc kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) về hưu.
Nguyên nhân sâu xa có khi lại nằm ở chỗ hết sức đơn giản, đó là mấy chục năm trước hầu như không có vụ nào phải đưa CBCCVC về hưu ra xem xét trách nhiệm kỷ luật.
Thực tiễn không có nên cũng không cần có quy định pháp lý tương ứng. Hơn nữa, đạo lý chung là ai lại kỷ luật người về hưu. Đến lúc về hưu, người về hưu không bị gì là ok rồi. Người về hưu là đã chia tay với công việc, về hưu là xong, là chấm dứt, là đã hạ cánh. Nếu có gì thì sao không xử người ta lúc đang làm việc.
Ta đang bí
Vài năm trở lại đây, thực tiễn lại khác đi. Cuộc chiến chống suy thoái, chống tự diễn biến, đặc biệt là chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy công quyền đã đưa một loạt CBCCVC đã về hưu ra xem xét trách nhiệm, kể cả những người đã từng giữ các vị trí lãnh đạo như bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh…
Nhìn chung là có sự đồng tình cao trong xã hội về việc phải kỷ luật cả những CBCCVC đã về hưu. Không thể có câu chuyện về hưu là ổn hết, là đã hạ cánh an toàn.
Nhưng hình thức kỷ luật đối tượng này như thế nào cho phù hợp lại là câu chuyện cần xem xét kỹ. Đặc biệt là hình thức kỷ luật đối với người đã giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý lúc chưa nghỉ hưu.
Ví dụ như Ban Bí thư cách chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công thương (nhiệm kỳ 2011-2016) đối với ông Vũ Huy Hoàng, đồng thời về mặt nhà nước ông cũng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công thương.
Hoặc trường hợp xóa tư cách nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005-2010 và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Võ Kim Cự…
Ông Vũ Huy Hoàng và ông Võ Kim Cự |
Ý kiến đề xuất sửa luật là CBCCVC về hưu vẫn phải chịu trách nhiệm kỷ luật và các hình thức kỷ luật có thể là khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm. Cũng có ý kiến nên thêm cả hình thức kỷ luật giáng chức.
Hãy thử xem hình thức kỷ luật cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm. Người về hưu là không còn đảm nhiệm chức vụ nào, do đó không thể cách cái chức mà người đó không còn giữ.
Mặc dù về mặt đạo lý thì cách chức vụ mà người đó đã giữ lúc vi phạm pháp luật là ổn, nhưng về mặt pháp lý là khó có cơ sở. Không thể cách cái mà người ta không có.
Hơn nữa, nếu cách chức vụ theo kiểu này thì có câu chuyện pháp lý phát sinh là hậu quả pháp lý của các văn bản mà công chức bị cách chức đã ký lúc đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo.
Tương tự là dự kiến xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm. Hình thức này lại làm tình hình phức tạp thêm khi phải giải thích rõ về mặt pháp lý thế nào là tư cách chức vụ và nếu được chấp nhận thì sau này sẽ phải sửa văn bản bổ nhiệm lãnh đạo đại khái thành nay bổ nhiệm ông X có tư cách chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế…
Đại thể câu chuyện ta đang bí là như vậy. Hãy xem một nước khác ra sao.
Thực tiễn ở Đức: Giảm lương hưu, truất lương hưu vĩnh viễn
Đức là nhà nước liên bang nên có công chức liên bang và công chức bang. Luật Công chức liên bang và luật Kỷ luật công chức liên bang là 2 đạo luật quan trọng có quy định về xử lý kỷ luật công chức.
Từng bang sẽ ban hành luật Công chức và luật Kỷ luật công chức cho bang mình. Về nguyên tắc, các quy định trong luật liên bang được các bang triệt để thể hiện trong các luật do mình ban hành.
Những nội dung cơ bản của chế định kỷ luật công chức hưu của Đức bao gồm:
- Công chức đã về hưu vẫn phải chịu trách nhiệm kỷ luật. Không hề có cái gọi là băn khoăn liệu công chức về hưu có thuộc phạm vi điều chỉnh của luật CCLB không vì ngay trong luật này đã có quy định về kỷ luật đối với công chức hưu và tiếp theo, điều 1 của luật Kỷ luật CCLB khẳng định luật này áp dụng cho công chức và công chức về hưu.
- Công chức hưu chịu trách nhiệm về những vi phạm công vụ của mình lúc đương nhiệm hoặc sau khi về hưu có những vi phạm tương đương như vi phạm công vụ, đó là chống đối chế độ dân chủ tự do theo quy định của Hiến pháp, tham gia các hoạt động làm tổn hại sự tồn tại hoặc an ninh của đất nước…
- Hình thức kỷ luật của công chức về hưu khác hẳn công chức đương nhiệm, đây là điểm cần lưu ý. Công chức đương nhiệm có các hình thức kỷ luật là cảnh cáo, phạt tiền, giảm lương tháng, hạ bậc trong ngạch đang giữ và sa thải trong khi công chức hưu có 2 hình thức khác hẳn là giảm lương hưu và truất lương hưu (truất vĩnh viễn).
Cảnh cáo đối với công chức hưu không có ý nghĩa gì vì họ có đi làm nữa đâu. Tương tự là các hình thức kỷ luật khác như hạ bậc trong ngạch và sa thải. Nói khác đi là phải tìm ra hình thức kỷ luật phù hợp với công chức về hưu. Hình thức kỷ luật phải tác động trực tiếp được vào cái mà công chức hưu đang có do nhà nước trao cho cả về vật chất lẫn tinh thần. Cái vật chất mà công chức về hưu đang có từ bao nhiêu năm đi làm của mình được nhà nước trao cho chính là lương hưu.
Đây là chỗ nhà nước tác động vào, là chỗ nhà nước biểu thị thái độ của mình đối với vi phạm công vụ của công chức hưu. Giảm lương hưu thì cao nhất theo quy định là giảm 1/5 lương hưu tháng và có thể kéo dài tối đa là 3 năm.
Hình thức kỷ luật truất lương hưu của Đức khá độc đáo, vì cùng với việc tác động vào cái vật chất là tác động vào cái tinh thần của công chức hưu. Cái tinh thần mà công chức hưu có chính là cái giá trị là công chức, là chuyên viên chính, là chuyên viên cao cấp được nhà nước thừa nhận, là chức danh lãnh đạo như trưởng phòng, vụ trưởng…
Theo đó, pháp luật quy định với việc truất lương hưu, công chức hưu mất đi quyền được hưởng lương hưu, kể cả quyền của thân nhân hưởng chế độ theo quy định, mất đi quyền được mang các chức vụ, chức danh đã có trước khi nghỉ hưu. Điều đó có nghĩa là trước khi hưu, ví dụ là chuyên viên cao cấp, là trưởng phòng, vụ trưởng hoặc thứ trưởng thì với hình thức kỷ luật này từ nay trở đi người bị kỷ luật không có quyền tự giới thiệu và được giới thiệu nguyên là chuyên viên cao cấp, nguyên trưởng phòng, nguyên vụ trưởng hoặc nguyên thứ trưởng nữa.
Với hình thức kỷ luật này, nhà nước biểu thị thái độ rõ với công chức hưu bị kỷ luật: Nhà nước đoạn tuyệt với anh, anh không còn xứng đáng mang danh, mang cái giá trị tinh thần là công chức, là mang các chức danh, chức vụ lúc còn đương nhiệm.
Giảm lương hưu thì cơ quan hành chính có liên quan với công chức có thể quyết định, nhưng hình thức truất lương hưu thì cơ quan phải đệ đơn ra tòa hành chính để tòa xem xét, quyết định.
Tác giả: Đinh Duy Hòa
Nguồn tin: Báo VietNamNet