Trong tỉnh

Giọt nước mắt muộn màng của một 'thánh nổ'

“Bị cáo mồ côi cha mẹ, lớn lên trong trại trẻ mồ côi, không biết họ hàng là ai, ở đâu. Hiện, bị cáo đã ly hôn chồng nên không biết cậy nhờ ai trả nợ. Nhưng, bị cáo hứa khi ra tù sẽ làm việc, kiếm tiền trả nợ cho các bị hại”, đó là những lời phân trần, hứa hẹn của "thánh nổ" Hồ Thị Thu Hà tại tòa sau khi lừa hàng loạt nạn nhân.

Phiên tòa xét xử bị cáo Hồ Thị Thu Hà (31 tuổi), trú tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” diễn ra vào một ngày trời mưa tầm tã. Cơn mưa trái mùa khiến những ngày hè nóng bức dịu xuống, nhưng không thể làm giảm sự căng thẳng trong khán phòng xử án của TAND tỉnh Nghệ An.

Hà khoác trên mình bộ quần áo sáng màu, được dẫn giải đến tòa khá sớm với vẻ mặt bình thản. Song khoảnh khắc vô tình nhìn thấy chồng cũ và hai đứa con nhỏ đứng ngoài hành lang phòng xử án khiến Hà bật khóc nức nở.

Đã đến giờ xét xử, song HĐXX quyết định tạm dừng tòa để bị cáo ổn định tâm lý. Sau khi nhận được lời động viên của chồng cũ và nhìn thấy nụ cười của các con, Hà mới bình tĩnh để phiên xét xử bắt đầu.

Hành vi phạm tội của Hà được thể hiện rõ trong bản cáo trạng của VKSND tỉnh Nghệ An: Mặc dù không có việc làm nhưng Hà vẫn “nổ” mình có mối quan hệ rộng rãi, quen biết nhiều người có chức vụ, có thể chạy biên chế vào quân đội hoặc xin việc làm vào các cơ quan nhà nước.

Trước những lời ngon ngọt của Hà bà Võ Thị S. (trú thị trấn Nam Đàn) đã nhiều lần tin tưởng, nhờ Hà “giúp đỡ”.

Hồ Thị Thu Hà đã nhiều lần rơi nước mắt khi nhắc đến các con. Ảnh: Trần Vũ

Đầu tiên, Hà “nổ” với bà S. sẽ xin được cho con gái bà biên chế vào quân đội với giá 265 triệu đồng, đặt cọc trước 60 triệu đồng. Đầu năm 2016, bà S. mang tiền đặt cọc nhờ Hà “giúp đỡ”. Để tạo niềm tin cho bà S., Hà tự đánh máy nội dung, lấy chữ ký trên mạng Internet, photo, chỉnh sửa Quyết định quân nhân nữ nhập ngũ sau đi học của Bộ tư lệnh Quân khu 4 về việc cho con gái bà S. đi học.

Nghe Hà đánh tiếng các thủ tục “chạy việc” cho con gái chuẩn bị xong, bà S. mừng ra mặt. Vậy nên, khi được Hà dụ dỗ cho con trai bà S. đi XKLĐ Úc với chi phí 500 triệu đồng, bà S. không đắn đo suy nghĩ mang 66 triệu đồng sang nhờ Hà chạy du học cho con.

Hà tiếp tục yêu cầu bà S. đóng tổng cộng 210 triệu đồng để làm visa lao động, visa du học Úc. Không dừng lại ở đó, Hà còn nhận chạy thủ tục đi XKLĐ, chạy phỏng vấn cho chồng bà S. và chiếm đoạt số tiền 84 triệu đồng. Tổng số tiền Hà chiếm đoạt của bà S. là 557 triệu đồng.

Bằng hình thức tương tự, Hà còn chiếm đoạt số tiền 60 triệu đồng của bà Văn Thị Th. (hàng xóm của Hà) để chạy 2 suất học bổng du học tại Úc cho con gái bà Th.

Tại tòa, bị cáo khai báo thành khẩn, thể hiện sự ăn năn hối cải. Bị cáo Hà thừa nhận không có khả năng chạy việc, không hề quen biết ai, những người làm “ông này, bà nọ” mà Hà giới thiệu với các nạn nhân đều không có thật. “Vì cần tiền tiêu xài nên bị cáo mới nghĩ ra cách lừa đảo như vậy”.

Trước yêu cầu của các bị hại về việc đền bù toàn bộ số tiền chiếm đoạt, Hà cho biết đã dùng hết vào việc tiêu xài cá nhân. Tại tòa, Hà kể khổ: “Bị cáo mồ côi cha mẹ, lớn lên không biết anh em họ hàng là ai, ở đâu. Bị cáo lớn lên tại trại trẻ mồ côi. Hiện nay, bị cáo đã ly hôn chồng nên không biết cậy nhờ ai trả nợ cả. Nhưng, bị cáo hứa sau khi ra tù sẽ làm việc, kiếm tiền trả nợ cho các bị hại”.

Đại diện bị hại cho rằng, ngay từ đầu bị cáo đã không thành khẩn khi liên tục lừa từ lần này sang lần khác. “Hà thực hiện việc lừa đảo nhiều lần, nhiều người, như vậy có thể khẳng định bị cáo cố tình phạm tội. Đến khi biết cơ quan chức năng đang điều tra thì bỏ trốn. Do vậy, đề nghị tòa xử lý nghiêm minh”, một bị hại phát biểu tại tòa.

Đại diện người nhà bị cáo chỉ biết hứa sẽ dần dần khắc phục một phần thiệt hại mà Hà đã gây ra. Tuy nhiên, phải đợi thêm thời gian nữa vì “hiện nay giá lúa đang thấp, chưa được giá nên gia đình chưa bán lúa”.

HĐXX nhận định, trong vụ án này các bị hại cũng có một phần lỗi khi đã tin tưởng, nhiều lần đưa tiền cho các bị cáo. Tòa phân tích, việc tuyển dụng vào làm việc tại các công ty, cơ quan nhà nước phải qua thi tuyển, xét tuyển theo quy định hiện hành; Cũng như muốn đi du học, xuất khẩu lao động phải làm hồ sơ, thực hiện các quy định bắt buộc. Do đó, việc các bị hại đưa tiền cho Hà nhờ “chạy việc” là không đúng theo quy định của pháp luật. Đây là bài học cho nhiều người khác.

Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Hồ Thị Thu Hà 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Về phần dân sự buộc các bị cáo phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các nạn nhân.

Kết thúc phiên tòa, bị cáo được dẫn ra xe bít thùng. Người phụ nữ luống tuổi tay dẫn hai đứa trẻ (6 tuổi và 4 tuổi) cố chạy theo Hà, nhưng không kịp. Khi chiếc xe chở phạm rời khỏi sân tòa, bà xót xa: nếu biết con dâu làm chuyện lừa đảo, gia đình đã khuyên can từ đầu. Nhưng, mọi chuyện đã muộn màng.

Tác giả: Trần Vũ

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP