Giải trí

“Giọng hát Việt nhí” loại thí sinh vì “quá tài năng”: Tổ chức thi để làm gì?

Sau đêm liveshow 4 chương trình “Giọng hát Việt nhí”, quyết định loại thí sinh Chiara, cô bé mang hai dòng máu Việt - Ý vì lý do “quá tài năng” của Huấn luyện viên (HLV) Vũ Cát Tường đã khiến dư luận dậy sóng. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Loại thí sinh vì tài năng, vậy mục đích cuộc thi là gì? Liệu có chiêu trò nào phía sau quyết định “ngược đời” ấy?

Thí sinh Chiara phải dừng bước lần thứ hai tại “Giọng hát Việt nhí”. Ảnh: TL

Công chúng đang “xuyên tạc”?

Quyết định loại thí sinh Chiara vì lý do “quá tài năng” của HLV Vũ Cát Tường làm dấy lên hai luồng ý kiến: Đồng tình vì sự cá tính, “dũng cảm” và phản đối bởi sự thiếu công bằng, nhân văn đặc biệt là với đối tượng dự thi là trẻ em.

Cách đây 3 năm, thí sinh nhí Chiara từng tham gia cuộc thi “Giọng hát Việt nhí”. Chặng đường từ năm 2013 – 2016 đủ để khán giả nhận thấy sự trưởng thành về giọng hát, cá tính của cô bé này. Trong liveshow 4 vừa qua, Chiara đã trình bày ca khúc hit từng mang lại thành công cho HLV của mình là “Vết mưa” với phần lời viết mới bằng tiếng Anh có tựa đề “My Story”. Giọng hát xuất sắc cùng phần tự đệm đàn guitar của Chiara nhận được nhiều lời khen tích cực từ 4 HLV. Tuy nhiên, đến với phần công bố kết quả, khi Chiara và Thảo Nguyên bị rơi vào vòng nguy hiểm thì Vũ Cát Tường đưa ra nhận xét rằng, tài năng của Chiara vượt xa khuôn khổ cuộc thi nên HLV này chọn Thảo Nguyên đi tiếp.

Trả lời báo giới về quyết định “ngược đời” này, HLV Vũ Cát Tường cho rằng phần diễn đạt của cô đã bị đặt sau ngữ cảnh và xuyên tạc mới dẫn đến phản ứng trái chiều từ công chúng. Cô nói: “Trong quá trình làm việc với Chiara, tôi thấy rằng bé không cần phải chứng minh nữa vì bản thân Chiara đã thực sự rất tài năng. Công việc của tôi ở cuộc thi này, không phải là tìm kiếm một Quán quân, tôi đã xác định từ đầu là không để các em bé của mình phải tranh đấu bất kỳ điều gì mà để các em tự tìm thấy chính mình. Với Chiara, sở dĩ tôi nhận xét bé đã “tốt nghiệp rồi” là vì cô bé đã tự sáng tác, chơi được nhạc cụ, thậm chí hát được những nốt cao mà có thể người lớn không làm được. Chỉ có những người có học về âm nhạc, luyện thanh dữ dội lắm mới có thể hát được như Chiara, người lớn chỉ lên tới nốt rê, nốt sol, nốt mi thôi nhưng bé đã lên được tới nốt sol, nốt la rồi. Và một người tài năng như vậy thì không cần phải thi thố gì nữa, cuộc thi chỉ dành cho những bé chưa tìm thấy chính mình, còn là ẩn số”.

Ngôi vị có thực sự cần thiết?

Vài năm trở lại đây, sau các cuộc thi tìm kiếm tài năng dành cho trẻ em, có một hiện tượng khá phổ biến là trong khi nhiều Quán quân mất hút thì các Á quân lại bứt phá rõ rệt. Vậy vấn đề công chúng quan tâm là cuộc thi đã chọn nhầm Quán quân hay ngôi vị không thực sự cần thiết cho những đứa trẻ? Một cuộc thi hay ngôi vị cao nhất chỉ là bước khởi đầu nhưng nó vẫn giữ một vai trò quan trọng ở khía cạnh tâm lý, niềm tin, chuẩn mực công bằng trong đánh giá tài năng, nhất là với đối tượng trẻ em.

Đây là lần thứ hai thí sinh nhí Chiara đến với cuộc thi “Giọng hát Việt nhí” và thật đáng tiếc khi cả hai lần cô bé đều phải ra về với những lý do khác nhau. Nếu trước đó, Chiara dừng bước bởi tài năng chưa nổi bật thì lần này lại vì “quá tài năng. Chớ vội vàng kết luận ngôi vị không có nghĩa lý gì với thí sinh bởi rất nhiều Quán quân trong đó có Quán quân “Nhân tố bí ẩn” Giang Hồng Ngọc từng thừa nhận, nhờ chương trình thực tế, cô mới được mọi người biết đến dù đã hoạt động âm nhạc gần 10 năm và có khá nhiều người không may mắn như mình vẫn âm thầm đi hát phòng trà hàng đêm mà tên tuổi hầu như chưa bao giờ được nhắc đến. Mục đích nhiều người đi thi là giành chiến thắng thay vì chuyện “tìm lại chính mình” như Vũ Cát Tường đề cập.

Khách quan nhìn nhận, trong khuôn khổ cuộc thi “Giọng hát Việt nhí”, chất nghệ sĩ cũng như sự già dặn trưởng thành của Chiara ngay từ đầu đã là yếu tố bất lợi khiến cô bé không được đón nhận nồng nhiệt so với tác tiết mục hồn nhiên dễ thương của các thí sinh khác. Minh chứng cho điều này là trong đêm liveshow gần nhất, những tiết mục đậm chất trẻ thơ của Trịnh Nhật Minh, Mai Anh, Thụy Bình xếp vị trí dẫn đầu bình chọn.

Trong dàn HLV “Giọng hát Việt nhí” năm nay, Vũ Cát Tường được đánh giá là gương mặt cá tính, thu hút bởi lối diễn đạt súc tích, thông minh, hiếm khi nói hớ… nhưng lời chia sẻ của cô khi Chiara dừng bước: “Con đã tốt nghiệp lớp của cô và con phải tự hào về điều đó” lại dễ gây mất lòng với khán giả.

Cách Vũ Cát Tường chọn thí sinh Thảo Nguyên có điểm khá tương đồng với quyết định của ca sĩ Hồng Nhung khi chọn Vũ Cát Tường tại “Giọng hát Việt 2013”. Dù mắc lỗi về tiết tấu, giai điệu, lượng khán giả bình chọn thấp hơn Phạm Hà Linh nhưng Vũ Cát Tường vẫn lọt vòng trong vì tiêu chí mà Hồng Nhung đề cập là chọn thí sinh có sự văn minh, cá tính trong âm nhạc. Kết quả trên tạo nên làn sóng phản đối mạnh mẽ dù theo “luật chơi”, HLV có quyền lựa chọn.

“Hiện tượng” Chiara khiến nhiều người nhớ đến tài năng âm nhạc Taylor Swift khi còn bé đã tự xin bố mẹ được biểu diễn những bài hát mình sáng tác tại các pub nhỏ. Ranh giới giữa sự già dặn hay hồn nhiên vẫn luôn là đề tài tranh cãi về các tài năng nhí. Nhưng đó là về cảm xúc, còn ở khía cạnh tài năng thì năng khiếu đàn hát, tư duy âm nhạc của Chiara hoàn toàn vượt trội, xứng đáng được vào vòng trong bởi một cuộc thi là để chọn người tài năng nhất chứ không phải chọn người để khán giả thấy rằng cuộc thi đã có công “mài giũa”.

Theo HLV Vũ Cát Tường, với tài năng của mình, thí sinh nhí Chiara không cần mất thời gian vào việc dự thi mà nên bắt đầu khám phá khả năng còn tiềm ẩn là sáng tác, sản xuất âm nhạc. Quan điểm của HLV Vũ Cát Tường không phải không có lý, nhưng nếu đặt quan điểm ấy trong mối tương quan về tiêu chí cuộc thi dường như nó vẫn “lệch chuẩn”. “Giọng hát Việt nhí” có mục đích tìm kiếm giọng hát tài năng thì trường hợp của Chiara, trước khi được định hướng bằng con đường khác nhằm khám phá năng lực bản thân, cô bé vẫn cần được công nhận bằng ngôi vị cụ thể.

Tác giả bài viết: Thành Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP