Kinh tế

Giàu nhất Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng nhận thù lao ra sao?

Mức thù lao của các "sếp" Vingroup được chi trả dựa theo hiệu quả kinh doanh đạt được hàng năm. Riêng trong năm 2020, trung bình mỗi thành viên hội đồng quản trị nhận về 1,38 tỷ đồng.

Lần đầu tiên Vingroup có kế hoạch phát hành ESOP cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt (Ảnh minh họa: Vingroup/Forbes).

Trong ngày 24/6, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC), cổ đông đã thông qua kế hoạch thù lao cho Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) năm 2020.

9 thành viên HĐQT Vingroup nhận 12,4 tỷ đồng thù lao, tương đương 0,27% lợi nhuận sau thuế cho kỳ hoạt động 2020. Trong khi đó, 3 thành viên Ban kiểm soát nhận 2,1 tỷ đồng, tương đương 0,05% lợi nhuận sau thuế.

Như vậy, mỗi thành viên HĐQT tại Vingroup nhận gần 1,38 tỷ đồng tiền thù lao trong năm 2020, tương ứng với mức thù lao bình quân theo tháng là 115 triệu đồng. Còn các thành viên BKS có mức thù lao 700 triệu đồng/người/năm (tương đương với 58 triệu đồng/tháng).

Căn cứ theo kế hoạch kinh doanh năm nay, Đại hội đồng cổ đông Vingroup cũng thông qua mức thù lao HĐQT và BKS lần lượt là 0,4% và 0,1% lợi nhuận sau thuế năm 2021.

Trên cơ sở mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 4.500 tỷ đồng trong năm nay, nếu hoàn thành kế hoạch này, HĐQT Vingroup sẽ nhận thù lao tối đa 18 tỷ đồng còn BKS nhận được 4,5 tỷ đồng thù lao, lần lượt tăng 45% và 114% so với năm 2020.

Đáng chú ý, tại cuộc họp thường niên, cổ đông của Vingroup cũng thông qua phương án phát hành tối đa 0,2% vốn điều lệ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt (ESOP). Đây là lần đầu tiên Vingroup có kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP nhằm ghi nhận đóng góp của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cho tập đoàn, công ty con và công ty thành viên.

Với vốn điều lệ hiện tại của Vingroup là 33.824 tỷ đồng, dự tính, số lượng ESOP được phát hành tối đa là 6,76 triệu cổ phiếu. Thời gian phát hành không muộn hơn tháng 6/2022.

Toàn bộ cổ phiếu phát hành thêm theo chương trình này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Tại phiên họp, lãnh đạo Vingroup cũng chia sẻ kế hoạch ra mắt 5 mẫu xe máy điện và 3 mẫu ô tô thông minh VF e34, VF35 và VF36 trong năm nay nhằm giữ vững thị trường nội địa và đưa VinFast bước ra thị trường quốc tế.

VinFast từng có kế hoạch bán 50.000 - 60.000 xe ô tô điện tại Mỹ trong năm 2022 nhưng do tình trạng thiếu chip, con số này đã được điều chỉnh xuống khoảng 15.000 xe.

Ông Phạm Nhật Vượng cho biết, định hướng kinh doanh của Vingroup là người dùng sẽ đi thuê pin thay vì phải sở hữu. Theo đó, hãng cho thuê pin và chi phí đi thuê pin và sạc điện cũng tương ứng với chi phí trả cho xăng.

Trên thị trường chứng khoán, trong khi phần lớn cổ phiếu VN30 giảm giá trong phiên 24/6 thì nhóm Vingroup vẫn tăng. Trong đó, VIC tăng 0,5%; VHM tăng 0,7%; VRE tăng 1,6%. Nhờ vậy, VN30-Index cuối phiên thu hẹp đà giảm, mức thiệt hại ghi nhận 2,57 điểm tương ứng 0,17% xuống 1.486,96 điểm.

Ba cổ phiếu này cũng đóng góp đáng kể cho VN-Index. Trong mức tăng chung 2,85 điểm tương ứng 0,21% của VN-Index hôm qua, VHM đóng góp 0,72 điểm; VIC đóng góp 0,55 điểm và VRE đóng góp 0,31 điểm.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP