Kinh tế

Trước điện thoại và TV, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã dứt lòng chia tay mảng nào?

Trước điện thoại và TV, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã không ít lần trải qua những quyết định đột phá và dứt khoát, bao gồm cả bán, đóng cửa một số mảng kinh doanh.

Mới đây, thông tin Tập đoàn Vingroup chính thức dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động nhằm tập trung hoàn toàn cho VinFast khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.

Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mà một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất nước. Trong báo cáo thường niên của Vingroup, tập đoàn này nhấn mạnh: Tư tưởng khởi nghiệp được chọn làm nền tảng cho sự phát triển của Vingroup, một doanh nghiệp có một bề dày lịch sử hình thành và phát triển.

Theo đúng phương châm trên, trong quá trình phát triển của mình, Tập đoàn Vingroup đã không ít lần dám thay đổi, thậm chí là thay đổi đột ngột không khỏi khiến công chúng ngỡ ngàng.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ảnh: Internet

Bán Technocom cho Nestle

Trong một lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết trước khi về nước hẳn, ông vẫn bay qua bay lại giữa Việt Nam và Ukraine để lo việc kinh doanh ở cả hai quốc gia.

Khi đó, đã nhiều năm Nestle ngỏ ý muốn mua lại Technocom ở Ukraine nhưng ông luôn từ chối. Bất ngờ đến năm 2009, tỷ phú Vượng quyết định bán công ty để tập trung toàn lực về trong nước.

Thời điểm ông rời đi, Technocom vẫn là một tên tuổi lớn trên thị trường hàng tiêu dùng nhanh của Ukraine, có hai nhà máy ở Kharkov với doanh thu lên tới 100 triệu USD/năm.

Đóng cửa Tập đoàn tài chính Vincom

Năm 2007, tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng có kế hoạch xây dựng một tập đoàn tài chính, gồm các mảng: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và công ty quản lý quỹ.

Kế hoạch này đã được thực thi, theo đó Tập đoàn Tài chính Vincom gồm có các đơn vị thành viên: Công ty quản lý quỹ Vincom, Công ty chứng khoán Vincom (Vincom Securities), Công ty bảo hiểm Vincom, Ngân hàng Vincom.

Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm 2008, đầu năm 2009, khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra và Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.

Dù đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đời của Tập đoàn tài chính Vincom, song trước những rủi ro hiện hữu, ông Phạm Nhật Vượng quyết định dừng chân, chấp nhận đền bù 6 tháng đến 1 năm lương cho các nhân sự dù chưa thực sự làm việc ngày nào.

Chuyển nhượng tòa tháp biểu tượng Vincom Hà Nội

Vincom Center Hà Nội/Vincom City Towers là một trong những trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê cao cấp đầu tiên ở Hà Nội và từng là biểu tượng cho sự sầm uất ở Hà Nội những năm 2000.

Vincom Center Hà Nội gồm 3 tháp: Khối văn phòng Vincom Center Hanoi bố trí từ tầng 7 - tầng 23 của tháp A và B. Tháp C của Vincom Center Hanoi nằm đối xứng với hai tháp A và B, được đưa vào hoạt động năm 2009.

Tuy nhiên, vào năm 2006, tỷ phú Phạm Nhật vượng đã bán tháp A Vincom tại 191 Bà Triệu cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Đến cuối năm 2011, Tập đoàn Vingroup lại bán tháp B Vincom cho Ngân hàng cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và chuyển toàn bộ trụ sở văn phòng tập đoàn và các đơn vị thành viên tại Hà Nội về khu đô thị sinh thái Vincom Village tại Sài Đồng - quận Long Biên vào đầu tháng 1/2012.

Vingroup xóa sổ VinPro

Tháng 11/2018, Vingroup mua lại Viễn thông A với tuyên bố, đây là mắt xích giúp Tập đoàn có thể tăng cường khả năng phân phối các sản phẩm điện tử, công nghệ tự sản xuất, nhất là điện thoại.

Chuỗi cửa hàng Viễn Thông A đóng cửa sau 1 năm về tay Vingroup. Ảnh: Dân Việt

Động thái này được xem là bước đi tiếp theo nhằm mở rộng kênh phân phối cho điện thoại Vsmart của Vingroup.

Đến ngày 6/11/2019, website VienthongA.vn và VinPro.vn chính thức kết hợp dưới tên VinPro.vn.

Tuy nhiên, chỉ sau một năm về tay Vingroup, đến cuối tháng 12/2019, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại đi đến việc đóng cửa, ngừng kinh doanh loạt cửa hàng Viễn Thông A, rút lui khỏi mảng bán lẻ, giải thể Vinpro.

Bán Vinmart, VinEco cho Masan

Ngày 3/12/2019, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thỏa thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam.

Vingroup nhượng Vinmart, VinEco cho Masan. Ảnh: Vingroup

Theo nội dung thỏa thuận, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), VinEco (nông nghiệp), Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Theo đó, Vingroup hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

CEO Vingroup cho biết việc sáp nhập 2 công ty con chuyên bán lẻ và nông nghiệp về Masan vì Vingroup thay đổi chiến lược phát triển, tập trung dồn lực vào công nghệ, công nghiệp.

Vingroup "khai tử" hãng hàng không Vinpearl Air dù chưa kịp cất cánh

Cuối năm 2019, Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air sau quá trình thẩm định với các ý kiến ủng hộ của các bộ ngành liên quan đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lên Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư để dự kiến khai thác thương mại trong tháng 7/2020.

Tập đoàn Vingroup "khai tử" hãng hàng không Vinpearl dù chưa kịp cất cánh. Ảnh: Internet

Kế hoạch của Vinpearl Air là ngay trong năm đầu tiên khai thác sẽ khai thác 6 máy bay loại tầm ngắn, tầm trung thân hẹp 150-220 ghế như Airbus A320, A 321. Trung bình hàng năm sẽ đưa vào khai thác thêm 6 máy bay/năm và đến năm 2024 đội máy bay của Vinpearl Air đạt 30 chiếc...

Tuy nhiên, đến ngày 14/01/2020, Tập đoàn Vingroup công bố chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, dừng dự án Vinpearl Air. Vingroup cho biết động thái trên là bước đi nhất quán trong việc tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp của Vingroup.

Tác giả: Hoàng Minh

Nguồn tin: Tri thức & Cuộc sống

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP