Số hóa

Giặt quần áo với máy giặt mãi mà không thơm, kiểm tra mới biết do 3 bộ phận quan trọng này

Nguyên nhân quần áo không thơm hay thậm chí xuất hiện mùi hôi khó chịu, có thể xuất phát từ chính chiếc máy giặt của bạn.

Ngày nay, máy giặt là một trong những thiết bị quen thuộc, xuất hiện trong hầu hết mọi gia đình. Nó được đánh giá là thiết bị hỗ trợ, giúp giải phóng sức lao động cho con người, đồng thời trang phục sau khi được xử lý với máy giặt sẽ được làm sạch tối ưu hơn, thơm hơn, diệt khuẩn tốt hơn.

Tuy nhiên, có một vấn đề phổ biến khi người dùng dùng máy giặt, đó chính là đôi lúc, ngay cả khi đã sử dụng đầy đủ các bước giặt, xả, quần áo sau khi giặt xong với máy cũng không được thơm tho, thậm chí là xuất hiện những mùi ẩm mốc, mùi hôi khó chịu.

Nhiều gia đình gặp phải tình trạng, quần áo giặt xong với máy nhưng vẫn có mùi hôi khó chịu. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, bên cạnh các nguyên nhân đến từ việc người dùng chưa dùng đúng loại xả vả, dùng chưa đủ liều lượng nước xả vải, hay cho nước xả vải vào sai vị trí, các nguyên nhân khác, phổ biến hơn, đó là xuất phát từ chính chiếc máy giặt và thói quen của người dùng. Đó chính là việc không vệ sinh máy giặt thường xuyên, đặc biệt là 3 bộ phận quan trọng, bao gồm: Gioăng cao su cửa máy giặt, lồng máy giặt, đường thoát nước.

1. Gioăng cao su cửa máy giặt

Gioăng máy giặt là bộ phận làm bằng cao su, được lắp đặt ở cửa máy giặt. Nó dùng để kết nối lồng giặt và vỏ máy, nhằm giảm rung lắc trong quá trình máy hoạt động, đồng thời đóng cửa một cách chắc chắn hơn, chống rò rỉ nước từ máy thoát ra bên ngoài.

Trên các hội nhóm, diễn đàn chia sẻ về các thiết bị gia đình, nhiều người dùng đã phải "ngã ngửa" khi lật tấm gioăng cao su ở cửa máy giặt nhà mình ra. Nó không hề sạch sẽ như người dùng vẫn nghĩ, thay vào đó là những lớp bụi bẩn đen kịt bám chặt vào các thành, kẽ, từ đó tạo ra mùi hôi khó chịu và tạo điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, nấm mốc phát triển.

Ảnh Đặng Ngọc - Group Nghiện Sạch.

Lý giải cho việc gioăng cao su xuất hiện các vết bẩn, cặn bám, là bởi bộ phận này có thể bị nước, bụi bẩn, xà phòng hay các mảnh vải trong quá trình giặt lọt vào nhưng không thoát ra được, từ đó khiến nấm mốc tích tụ, vô tình gây ra mùi khó chịu cho quần áo sau khi được cho vào máy giặt. Điều này thường xuyên bắt gặp ở các loại máy giặt cửa trước, gây nhiều bất tiện cho người dùng.

Chính vì vậy, cách tốt nhất là gia đình cần vệ sinh gioăng cao su cửa máy giặt định kỳ hàng tháng. Bên cạnh sử dụng những loại chất tẩy rửa chuyên biệt, một số cách thủ công khác cũng đã được người dùng thực hiện và nhận xét là có hiệu quả. Ví dụ như dùng javen (một chất tẩy rửa), ủ đẫm vào một chiếc khăn vải rồi cho vào gioăng, để qua đêm. Ngày hôm sau lấy khăn ra rồi tiến hành lau chùi gioăng. Với những gioăng nhiều vết bẩn bám cứng đầu, thực hiện 2-3 lần thì tình trạng sẽ được cải thiện.

Ảnh minh họa.

2. Lồng máy giặt

Hiểu đơn giản, lồng máy giặt được thiết kế đặt bên trong máy, có nhiệm vụ thay cho một chiếc chậu giặt quần áo lớn. Chính bởi vậy, nên lồng máy giặt gần như có nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc giặt quần áo có sạch không, thơm không.

Sau thời gian dài sử dụng, lồng máy giặt sẽ bị tích tụ bụi bẩn hoặc cặn của chất tẩy rửa, từ đó gây ra mùi ẩm mốc khó chịu. Vì vậy các chuyên gia khuyến cáo, tốt hơn hết nên tiến hành vệ sinh lồng máy giặt định kỳ khoảng 4 tháng/lần.

Lồng máy giặt cũng được tháo dỡ và vệ sinh chuyên biệt để đảm bảo hoạt động tốt nhất.

Ở các loại máy giặt đời mới hiện đại, có chế độ tự vệ sinh lồng giặt, người dùng có thể chạy chu trình này; hoặc chọn chu trình giặt nóng khi lồng máy đang trống. Một mẹo nhỏ nữa được chỉ ra đó là có thể cho thêm khoảng nửa cốc giấm vào trong chu trình này, đây là một cách tuyệt vời để trung hòa mùi hôi bên trong máy.

Với các loại lồng máy giặt đặc biệt bẩn thì gia đình nên gọi các đơn vị vệ sinh chuyên nghiệp, để việc vệ sinh được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả và an toàn.

3. Đường thoát nước máy giặt

Đường thoát nước máy giặt là bộ phận đảm nhiệm vai trò cuối cùng trong một chu trình giặt. Nước thải từ lồng giặt sau khi kết thúc chu trình sẽ đi qua đường thoát nước này và ra khỏi máy.

Cũng chính bởi nhiệm vụ của mình nên đường thoát nước như đường ống hay chốt xả cặn máy giặt là bộ phận thường xuyên cần được vệ sinh bởi chất bẩn tích tụ lại. Một người dùng với tài khoản Tiktok là Thành Fixer chia sẻ hình ảnh chốt xả cặn máy giặt nhà mình bị bám đầy những loại chất bẩn, dẫn tới chuyển màu đen kịt. Theo anh, đây cũng là nguyên nhân khiến giặt quần áo cho bao nhiêu nước xả vải vào thì vẫn có mùi hôi.

Chốt xả cặn máy giặt ống thoát nước bám đầy chất bẩn, gây ra mùi hôi khó chịu cho quần áo khi xử lý với máy giặt. (Ảnh Tiktok Thành Fixer)

Ngoài ra, việc đường ống tắc nghẽn cũng có thể gây ra mùi hôi cho máy giặt, hay khiến máy phát ra tiếng ồn, gây bất tiện cho cuộc sống. Khi đường ống thoát nước của máy giặt gặp vấn đề, hãy tháo rời kiểm tra và gọi các đơn vị chuyên nghiệp tới vệ sinh.

Bên cạnh 3 bộ phận quan trọng kể trên, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm sạch quần áo của máy giặt, các chuyên gia cũng khuyến cáo gia đình nên vệ sinh định kỳ toàn bộ máy giặt, kể cả phần cửa kính, khay chứa chất tẩy rửa hay mặt ngoài của máy giặt vài tuần/lần.

Tác giả: Thu Phương

Nguồn tin: Trí thức trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP