Giáo dục

Giáo viên không vô can nếu biết hiệu trưởng xâm hại học sinh

Nếu những lời chia sẻ của các nam sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) với báo chí là đúng sự thật, rằng các giáo viên không những biết chuyện mà còn buông lời trêu đùa, thì sự im lặng, thỏa hiệp cho cái xấu cũng cần phải chịu trách nhiệm.

Khi trả lời phỏng vấn của báo chí, các hiệu phó của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn đều cho biết chỉ nhận được thông tin vụ việc của ông Đinh Bằng My qua truyền thông và "nhà trường rất bất ngờ".

Tuy nhiên, PV Anh Tuấn, người trực tiếp đang điều tra sự việc, cho biết học sinh kể với anh rằng: “Đứa nào ngoan ngoãn sẽ được gọi lên đều đặn”. “Bất kể lúc nào ông hứng thì lại gọi tụi em lên. Sợ nhất là đang đi ở sân trường xong ông cũng kéo kéo lên phòng. Nhiều đứa thì ông nhờ thầy cô hoặc các bạn khác gọi lên"...

Nếu những lời chia sẻ của các em là đúng sự thật, thì giáo viên trong trường không thể vô can.

Sự im lặng đáng sợ

Nhà báo Thu Hà cho rằng điều kinh khủng nhất trong vụ việc này không chỉ là hiệu trưởng, mà còn là sự im lặng đáng sợ của những giáo viên khác, khi vụ việc kéo dài liên tục nhiều năm.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng nhận định “hiệu trưởng này không chỉ xâm phạm với một học sinh và không thể có chuyện những hành động của ông này diễn ra nhiều lần mà không ai hay biết”.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) - nơi xảy ra vụ việc nhiều học sinh nam bị thầy hiệu trưởng Đinh Bằng My xâm hại tình dục.

Thầy Tô Minh Đức, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tiểu học và THCS Mẫu Sơn (xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) cũng cho rằng đạo đức nghề nghiệp của các giáo viên trường này cũng cần được xem xét lại.

“Có vẻ như sự việc không phải diễn ra lần đầu tiên mà đã nhiều lần rồi và các giáo viên nhiều khả năng cũng biết. Trong trường hợp này, lẽ ra các giáo viên khi biết có dấu hiệu tiêu cực phải lên tiếng thay vì im lặng như vậy. Nhưng có lẽ vì sợ thầy hiệu trưởng mà họ đã không dám nói ra”.

TS tâm lý học Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục thuộc Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng “Lòng tự trọng của chính những giáo viên trong ngôi trường ấy cũng không cao”. Ông Nam nhìn nhận "các giáo viên cũng vì áp lực về cơm áo gạo tiền, thành tích, nỗi sợ hãi bị trù dập mà triệt tiêu tất cả những phản ứng mang tính chất con người, giá trị của một cá nhân”.

Cùng ý kiến với ông Nam, chị Thu Hà bình luận thêm "Đừng dán nhãn nghề giáo là “nghề cao quý”. Đừng bắt học sinh bước chân vào trường là phải “tôn sự trong đạo”, “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, đừng có ấn từ trên ấn xuống: “tiên học lễ, hậu học văn” nữa. Nghề nào cũng có người cao quý và quỷ dữ, nghề nào cũng có lúc đáng trọng và lúc đáng khinh, con phải tỉnh táo mà lọc.

Theo chị Hà, sự im lặng của thầy cô trong trường là cái giá của việc nghề giáo ít được cọ xát, ít được cạnh tranh, ít bị đào thải, vào biên chế rồi là nhu nhược để yên vị…

Người giúp sức cũng phải bị khởi tố

Theo ThS Phạm Văn Chung, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum, cơ quan chức năng cần điều tra, xác minh làm rõ có hay không sự đồng lõa, tiếp tay của các thầy cô trong vụ hiệu trưởng xâm hại tình dục trẻ em ở trường này để xử lý nghiêm những kẻ đồng phạm có liên quan.

"Trong vụ việc này, ít nhất cũng có thể xem xét trách nhiệm hình sự các thầy cô về hành vi không tố giác tội phạm theo Điều 19 Bộ luật hình sự năm 2015. Bởi vì, với nhiều tình tiết của vụ việc đang dần sáng tỏ thì có thể khẳng định nhiều thầy cô không thể vô can trong vụ việc này. Đây không chỉ là trách nhiệm phải làm của người thầy mà là hành vi tội phạm cần phải bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Tuyệt đối không thể bỏ qua hành vi đáng lên án, nhục nhã, xấu xa của những kẻ nhân danh người thầy mà tiếp tay, thờ ơ, vô cảm với hành vi phạm tội với chính học sinh của mình" - ông Chung khẳng định.

Ông Đinh Bằng My phát biểu tại một hoạt động ngoại khóa của trường

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Hà Nội) băn khoăn: “Vì sao sự việc kéo dài như vậy mà không có các cấp quản lý, cấp chính quyền nào phát hiện, xử lý? Trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm và các tổ chức trong nhà trường như thế nào trong việc nắm bắt tâm lý, tư tưởng của học sinh trong thời gian học tập.

Phải làm rõ tất cả những vấn đề như vậy mới đảm bảo công bằng, mới xem xét hết trách nhiệm của các bên liên quan”.

Theo ông Cường, pháp luật hình sự cũng quy định ngoài người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội thì những người người giúp sức, người xúi giục người khác thực hiện hành vi phạm tội sẽ là đồng phạm với người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.

Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trong vụ việc ông My xâm hại tình dục với nhiều học sinh trong một khoảng thời gian kéo dài như vậy có sự tiếp tay, giúp sức hoặc xúi giục của người khác hay không.

“Nếu kết quả điều tra cho thấy có người đã biết là ông My lạm dụng tình dục trẻ em nhưng vẫn giúp sức hoặc xúi giục ông ta thực hiện hành vi phạm tội thì người này cũng sẽ bị khởi tố về cùng một tội danh với vai trò đồng phạm để xử lý trong vụ án này”.

Trong vụ việc này, cấp quản lý nhân sự trực tiếp đối với ông Đinh Bằng My cũng không thể vô can, bởi trách nhiệm theo dõi, giám sát, đánh giá nhân sự ở cấp cơ sở.

Cụ thể, cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện và phòng GD-ĐT huyện Thanh Sơn.

“Nếu tuyển dụng, bổ nhiệm không đúng đối tượng, không đảm bảo năng lực phẩm chất, không đúng quy trình dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ, gây thiệt hại tới tổ chức thì người bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm trong công tác quản lý. Còn trường hợp bổ nhiệm đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì người đó bị suy thoái về đạo đức, tư tưởng, bị tha hóa về nhân cách thì cũng cần xem xét trách nhiệm quản lý cán bộ của cấp ủy đảng nơi cán bộ này công tác và trách nhiệm quản lý của người, của cơ quan cấp trên”, ông Cường nói.

Trách nhiệm trong quá trình tuyển chọn, bổ nhiệm và công tác quản lý cán bộ: Khoản 3, Điều 18 Thông tư Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/5/2011 quy định thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường trung học như sau: Trưởng Phòng GD-ĐT (đối với trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS), Giám đốc Sở GD-ĐT (đối với trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THPT) ra quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đối với trường công lập, công nhận Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đối với trường tư thục sau khi thực hiện các quy trình bổ nhiệm cán bộ theo quy định hiện hành của Nhà nước. Nếu nhà trường đã có Hội đồng trường, quy trình bổ nhiệm hoặc công nhận Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng được thực hiện trên cơ sở giới thiệu của Hội đồng trường.

Tác giả: Ngân Anh - Thanh Hùng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP