Cảnh một nhóm học sinh đánh bạn ngoài cổng trường (Ảnh: DT). |
Bạo lực học đường vẫn luôn là nỗi lo canh cánh của chúng ta khi liên tiếp nhiều vụ việc đánh đấm xảy ra. Ngoài các vụ việc bị đưa ra ánh sáng trong thời gian qua, còn bao nhiêu ngọn lửa bạo lực học đường đã cháy nhưng nhanh chóng bị giấu nhẹm? Bao nhiêu "đốm lửa" vẫn đang âm ỉ, chỉ chực chờ một mồi lửa nhỏ?
Tôi đang làm "mẹ" của đàn con nhỏ lớp 8 - cái lứa tuổi ương bướng và thích thể hiện cái tôi cá nhân một cách vụng về mà mạnh mẽ nhất. Chỉ trong vòng ba tháng đầu năm học, hai vụ bạo lực đã xảy ra khiến tôi hốt hoảng, chới với. May mắn là đến thời điểm này mọi chuyện tạm yên ổn nhưng dư âm của nó vẫn khiến lòng tôi trăn trở.
Một buổi tối muộn cuối tháng 10, tin nhắn riêng của một nữ sinh trong lớp kể rằng bạn nam tên Đ. bị hai nam sinh lớp 7 xông vào lớp đánh hai bạt tai trong giờ ra chơi. Tôi choáng váng bởi chiều nay mới sinh hoạt lớp không hề nghe bọn trẻ nói gì về vụ việc. Tôi cảm ơn em học sinh nữ đã thông tin cho tôi và trấn an em yên tâm bởi tôi sẽ giữ bí mật về việc này.
Tôi tức tốc liên hệ với nam sinh bị đánh nắm sơ bộ vụ việc rồi gọi ngay cho thầy tổng phụ trách Đội. Hôm sau, tại phòng Đội, "thủ phạm" và "nạn nhân" trình bày nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, hóa ra là những xích mích vụn vặt từ lời nói châm chích và cái nhìn theo bọn trẻ là "đểu". Chúng tôi phân tích cho bọn trẻ về mối nguy bạo lực học đường, về tình bạn tuổi học trò, về nỗi lo của bậc làm cha làm mẹ…
Bọn trẻ hứa sẽ chấm dứt mâu thuẫn và xin lỗi, lúc ấy chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Trở về lớp, tôi đem câu chuyện về hai cái tát tai để chất vấn, tâm sự với bọn trẻ về mối nguy bạo lực tiềm ẩn trong lời nói, câu từ bình phẩm, những cú like và share trên mạng xã hội. Tôi nhắc nhở bọn trẻ về việc tìm "địa chỉ" tin cậy để giúp các em thoát khỏi nguy cơ xảy ra bạo lực. Rồi dõi theo nam sinh bị đánh khoảng 1, 2 tuần sau đó, tôi tạm yên tâm bởi vụ việc không bị đẩy đi quá xa.
Mới an yên được một thời gian thì mấy hôm trước, tin nhắn của nam sinh khác trong lớp đến lúc chiều tối khiến tôi giật mình: "Cô ơi. Có mấy đứa đánh cháu, cô cho đánh lại không?". Tôi hốt hoảng hỏi thăm tình hình và dò la vụ việc. Đó là cậu nhóc nhỏ con chăm học và hiền lành. Nghe giọng điệu của em qua tin nhắn, tôi biết em đang bức xúc vô cùng. Tôi trấn an em rằng sẽ liên hệ với thầy tổng phụ trách Đội để làm việc với hai bạn nam khác lớp chặn xe đánh em.
Tôi khen em đã không manh động đánh trả bằng bạo lực nối dài. Và tôi khen trò biết tìm đến thầy cô để nhờ giúp đỡ và hóa giải mâu thuẫn. Ngay hôm sau, chúng tôi đã gặp mấy đứa trẻ nông nổi ấy và cẩn trọng, nghiêm túc phân tích lỗi của hai nam sinh cùng khối 8 ra tay đánh bạn bởi theo lời bọn trẻ thì lý do sử dụng bạo lực là vì "bạn nghênh nghênh nhìn như thách thức và xem thường cháu". Bọn trẻ viết kiểm điểm và hứa không tái phạm trong tiếng thở phào nhè nhẹ của chúng tôi.
May quá, "mồi lửa" bạo lực vừa nhen lên đã có thể bị dập tắt khi trò biết cất lên tiếng nói chia sẻ, tâm sự. Và người có thể ngăn "lửa" bạo lực học đường cháy lan, cháy rộng và thậm chí dập tắt mồi lửa ngay khi nó vừa manh nha - tôi nghĩ không ai khác chính là giáo viên chủ nhiệm (GVCN)!
Để trở thành một người ngăn "lửa" bạo lực học đường, GVCN cần dành thời gian, tâm huyết để điều tra, phân hóa và khoanh vùng học sinh theo từng nhóm: nhóm cần giúp đỡ, nhóm có hoàn cảnh khó khăn, nhóm có nguy cơ sử dụng bạo lực… Đối với mỗi nhóm đối tượng cần sử dụng phương pháp giáo dục phù hợp, khéo léo phối hợp hình thức khen thưởng và kỷ luật thích hợp để ngăn ngừa tiêu cực và động viên kịp thời mỗi biểu hiện tiến bộ, dù là nhỏ nhoi của học sinh.
GVCN phải nắm bắt chính xác những biểu hiện khác thường của học sinh, nhanh nhạy phán đoán tình hình và kịp thời can thiệp nếu có bất kỳ mầm mống bạo lực nào trong học sinh. Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn đội trong nhà trường cùng chung tay chống bạo lực học đường sẽ là một trong những giải pháp cực kỳ hữu hiệu mà GVCN cần tận dụng triệt để.
Bên cạnh đó, GVCN cần thiết lập một kênh thông tin riêng từ đội ngũ ban cán sự lớp, tạo môi trường tập thể dân chủ để học sinh mạnh dạn trình bày ý kiến, đề xuất nguyện vọng. Quan trọng là GVCN phải tạo dựng được lòng tin trong học sinh để các em có "địa chỉ" tin cậy có thể tâm sự về những xích mích, mâu thuẫn và thậm chí là cầu cứu khẩn cấp khi có tình huống nguy hiểm.
GVCN - "Người vác tù và tận tụy" trong mỗi lớp học ấy cần lắm sự đồng cảm và sẻ chia áp lực giáo dục đạo đức, uốn nắn nhân cách và rèn giũa thái độ sống cho học sinh từ nhà trường và các ban ngành đoàn thể.
Xin cho người thầy làm nhiệm vụ ươm mầm hạt giống sống đẹp, sống tử tế ấy một điểm tựa và một động lực để ngăn lửa bạo lực trong học đường…
Tác giả: Nguyễn Thanh
Nguồn tin: Báo Dân trí