Giáo dục

Giáo viên buộc dạy theo văn mẫu do cách ra đề của Bộ GD&ĐT?

Giáo viên dạy học Ngữ văn trong trường THPT nói rằng, lâu nay quá ngán ngẩm với văn mẫu nhưng nếu không dạy theo học sinh sẽ không được điểm cao trong các kỳ thi. Nguyên nhân là do cách ra đề của Bộ GD&ĐT quanh quẩn ở các tác phẩm SGK và chấm theo ba-rem, đáp án nhặt ý cho điểm.

Bỏ văn mẫu sẽ triệt tiêu được lò luyện thi

Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B, huyện Hoài Đức (Hà Nội) nói rằng, cô hoàn toàn đồng tình với việc cần xoá bỏ dạy học theo văn mẫu. Bởi vì, mục đích của việc học và làm văn là nhằm bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ, phát huy tính sáng tạo của học sinh. Khi học sinh được sáng tạo trong văn chương, các em cũng sẽ sáng tạo trong việc xử lý các tình huống trong cuộc sống.

Ngoài ra, khi dẹp được vấn nạn dạy học theo văn mẫu cũng sẽ triệt tiêu được các lò luyện thi tốt nghiệp THPT; thi lên lớp 10. Tại Hà Nội, có những lò luyện thi tốt nghiệp đỏ lửa từ đầu năm đến tận ngày thi. Riêng thi tốt nghiệp THPT, có học sinh từ khi bước chân vào lớp 10 đã bắt đầu đi luyện lò mà ở đó đa số giáo viên luyện cho học sinh sao chép văn mẫu.

Thực tế dạy học ở nhà trường, cô Nga cũng thừa nhận dù biết văn mẫu sẽ triệt tiêu sự sáng tạo cuả học trò nhưng bản thân cô vẫn phải dạy. Bởi vì, cách ra đề thi của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT hiện nay yêu cầu học sinh tái hiện lại kiến thức, các em phải ghi nhớ các ý để làm bài.

Để học sinh đạt được điểm cao giáo viên buộc phải dạy theo cách đó. Giáo dục hiện vẫn chạy theo thành tích, điểm số. Không giáo viên nào lại không muốn học sinh mình đạt điểm cao nên cách dễ nhất là dạy theo các bài văn mẫu đủ ý tứ. Chưa kể, năm nào thi tốt nghiệp THPT cũng chỉ quanh quẩn trong khoảng hơn chục tác phẩm nghèo nàn, loanh quanh kéo theo việc thi cử cũng quanh quẩn các tác phẩm đó.

Cô Nga cũng chỉ ra, để dẫn đến việc này một phần do tư duy dạy văn của giáo viên quá cũ kỹ, không chịu khó tìm tòi, cập nhật cái mới. Nhiều giáo viên dạy đi dạy lại chừng đó tác phẩm trong SGK nhiều năm, kiến thức cũng bị cùn mòn. Do đó, nếu sau này đổi mới dạy học, đòi hỏi giáo viên cũng phải đọc nhiều hơn, tự học nhiều hơn.

Trong quá trình chấm thi, nhất là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội cô Nga nói bắt gặp hàng loạt bài văn sao chép y nguyên vẵn mẫu. Ngay cả cách trả lời câu hỏi hay viết đoạn văn cũng có nhiều bài na ná nhau. Chấm những bài như vậy, dù để hết ý trong ba rem giáo viên cũng chỉ cho mức cao nhất là 85-90% số điểm, không có điểm sáng tạo. Ngược lại, cũng có một tỉ lệ bài rất nhỏ học sinh có sự sáng tạo nhưng đâu đó vẫn còn sót ý, giáo viên cũng không dám cho điểm cao vì thanh tra sẽ cho rằng, người chấm không bám ba-rem, đáp án.

Khó đổi mới tư duy người thầy

Với thực trạng đó, cô Nga nói, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các nhà trường chấm dứt việc dạy học văn theo văn mẫu, bài mẫu ngay trong một năm học sẽ khó thực hiện được vì để làm được việc này phải thực hiện 2 việc gồm: thay đổi tư duy giáo viên và thay đổi hoàn toàn cách ra đề của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT trong các kỳ thi. Lâu nay, cách ra đề của các kỳ thi vẫn cũ mòn, ba rem, đáp án chấm tuy có mở nhưng vẫn gò bó người chấm nhặt ý cho điểm.

“Cách chấm thi vẫn chỉ nhặt đủ ý, đúng ý cho điểm, chưa khuyến khích sự sáng tạo của học sinh. Điều này quyết định đến cách dạy học trong các nhà trường”, cô Nga nói.

Về việc thay đổi tư duy giáo viên khó có thể thay đổi ngay lập tức mà cần có thời gian. Điều quan trọng nhất, Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT phải “lột xác” hoàn toàn về cách ra đề thi, thậm chí từ đầu năm học phải có đề mẫu để giáo viên, học sinh làm quen. Nếu không thực hiện, giáo viên chưa dám thay đổi vì tâm lý lo sợ, cuối năm đề thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT vẫn dạng đề cũ học sinh khó xoay xở.

TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên là giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cũng chỉ ra, thực tế quá nhiều sự tệ hại của giáo dục có thể huỷ hoại đồng thời cả nhân cách và trí tuệ thế hệ sau như bệnh thành tích, sự dối trá, đạo văn, ép học thêm..., và một trong số những sự tệ hại ấy chính là “văn mẫu”!

Có điều lạ là hầu hết những sự tệ hại đều được làm theo cách giấu giếm, ngoại trừ văn mẫu, thậm chí hai chữ “văn mẫu” trở thành một trong những từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất, với những lời quảng cáo công khai, tự hào, hợp pháp bởi những công nghệ quảng cáo hoành tráng trên mạng xã hội.

Có cầu có cung, người người tìm văn mẫu, nhà nhà làm văn mẫu..., những “kho văn mẫu”, “thư viện văn mẫu”, “Những bài văn mẫu hay nhất lớp 2,3...12”, “những combo mở bài mẫu chỉ cần thay tên tác giả và tác phẩm”, “những cách học văn theo công thức”... tràn ngập trên cõi mạng, bủa vây người dạy, người học, dồn đẩy những cái tôi sáng tạo ra khỏi địa hạt giáo dục, nhường chỗ cho những sao chép thô sơ của phổ thông, những xào xáo tinh vi hơn của đại học...

TS Tuyết khẳng định, cần thiết phải nói không với văn mẫu. Vì điều này khiến học trò trở nên lười biếng về tính cách, hời hợt nông cạn về trí tuệ khi văn mẫu chặn đứng mọi nẻo đường tới với tư duy sáng tạo, với khám phá tìm tòi, với đào sâu suy nghĩ để phát hiện, để tìm kiếm, để thu nhận kiến thức...; trở nên giả dối về nhân cách khi quen dần với việc cảm xúc bằng trái tim người khác, suy nghĩ bằng đầu người khác, ái ố hỉ nộ đơn thuần bằng công thức, bằng văn mẫu.

Thứ hai là những hậu quả với chính người thầy – họ dùng văn mẫu dạy học trò, bản thân họ cũng mất dần đi tình yêu văn chương. Bởi làm gì có tình yêu nào theo khuôn mẫu, họ cũng mất dần đi khả năng tư duy sáng tạo khi dạy theo công nghệ văn mẫu.

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP