Giáo dục

Giảng viên lâu năm làm "cả núi việc" mà lương chỉ bằng sinh viên mới ra trường

Có ý kiến cho rằng, giảng viên đại học phải làm nhiều việc ngoài hợp đồng lao động mà không được tính lương. Lương của sinh viên ra trường, đi làm vài năm có thể bằng lương của một giảng viên sắp về hưu.

Làm cả "núi" việc ngoài chuyên môn mà không được tính công

Gần đây, trên mạng xã hội đang bàn luận sôi nổi xung quanh lời đồn "lương giảng viên đại học hàng trăm triệu đồng/tháng".

Trao đổi với PV Dân trí về chủ đề này, PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh - nguyên là giảng viên, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại một trường đại học lớn ở Việt Nam, hiện là Chủ nhiệm chương trình giáo dục của Viện lãnh đạo ABG cho rằng, có một số giảng viên đạt được mức lương đó, nhưng họ không đại diện cho tất cả giảng viên còn lại.

"Một số giảng viên có mức lương cao nhờ có công bố khoa học quốc tế, do trường đại học nơi họ công tác trích rất nhiều doanh thu cho nghiên cứu khoa học. Một số người được giảng dạy ở các lớp trả công cao. Tuy nhiên, họ không thể đại diện cho tất cả", PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh nói.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh đánh giá, có 2 vấn đề đối với lương của giảng viên đại học. Một là, giảng viên phải làm nhiều việc mà không được tính lương, không đúng tính chất công việc mà một giảng viên đại học nên làm. Hai là, chế độ đãi ngộ cho nghiên cứu khoa học không rõ ràng.

Theo PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh, đa số giảng viên Việt Nam nằm ở nhóm trung lưu thấp (Ảnh minh họa: Sinh Phúc).

Bà Ánh cho rằng, lương của giảng viên trường công khác trường tư, miền Bắc khác miền Nam, những trường thực hiện tự chủ tài chính thường trả lương cao hơn. Nhìn chung, giảng viên trên thế giới hầu như không ai giàu cả, họ thường ở tầng lớp trung lưu của xã hội. Đa số giảng viên Việt Nam nằm ở nhóm trung lưu thấp.

Tuy nhiên, lương thấp chưa phải vấn đề nhức nhối nhất mà theo bà Ánh là chế độ đãi ngộ không công bằng.

Giữa một giảng viên trường công và một công chức nhà nước có mức lương tương tự nhau, nhưng công việc của một giảng viên phức tạp hơn một công chức.

"Theo ngôn ngữ quản trị kinh doanh thì KPI của giảng viên phức tạp hơn. Họ bị đòi hỏi nhiều hơn công chức", bà Ánh nói.

Mô hình tổ chức của trường đại học ở Việt Nam, nhất là trường công chưa hoàn thiện. Điều đó dẫn tới giảng viên phải "ôm" nhiều việc hơn so với hợp đồng lao động mà mình ký. Ở các trường đại học trên thế giới, không có chuyện giảng viên làm việc hành chính, quản lý sinh viên hay tổ chức sự kiện. Còn ở Việt Nam, đó là những việc thường kỳ và không có cách nào tránh khỏi. Giảng viên mất rất nhiều thời gian cho những việc đó.

Ví dụ, giảng viên làm giáo viên chủ nhiệm, chấm thi đua cho sinh viên, quản lý sinh viên, vào điểm cho các em, làm các biên bản kiểm điểm cá nhân của sinh viên, theo dõi những em vi phạm nội quy...

"Tôi không ghét việc chủ nhiệm lớp, nó giúp tôi gắn bó với sinh viên, hiểu các em hơn. Nhưng những công việc hành chính nên thuộc về bộ phận quản lý sinh viên của nhà trường. Nó làm mất thời gian nhưng giảng viên lại không được tính công, hơn nữa, họ phải làm việc không đúng chức năng chính của mình", bà Ánh chia sẻ.

Đơn cử thêm việc tổ chức hội thảo cho khoa, lẽ ra là của bộ phận hành chính nhưng giảng viên lại phải làm hoàn toàn. Từ việc gọi điện mời diễn giả, đặt chuyên gia viết bài, in ấn tài liệu, chuẩn bị hội trường, làm banner, thậm chí chuẩn bị cả nước uống cho hội thảo.

Ảnh hưởng tới chuyên môn vì phải lo cơm áo gạo tiền

Thu nhập bình quân cán bộ, nhân viên ở cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay (Nguồn: Thống kê của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị tự chủ về GD đại học 8/2022).

Bà Ánh cho biết, trong vài năm gần đây, có một việc mà giảng viên nào nghe đến cũng phải "dựng tóc gáy". Đó là việc đảm bảo chất lượng, có những giảng viên phải bỏ nghề vì không chịu nổi việc này.

Giảng viên phải làm ra hàng "tấn" giấy tờ để minh chứng cho các hoạt động đảm bảo chất lượng của nhà trường. Trong khi, hầu như các trường không làm được đầy đủ các hoạt động đó. Việc đảm bảo chất lượng thực tế là chế ra đủ loại giấy tờ để che đi những gì các trường chưa làm được.

Ở nước ngoài, chỉ cần 1 giảng viên làm công tác chấm điểm. Còn ở Việt Nam, phải có 2 người chấm, nhưng giảng viên thứ 2 gần như không chấm mà chỉ ký vào các bài thi. Giảng viên chấm bài xong còn phải xác minh, thống kê, sắp xếp và lưu tập bài trong vài năm. Ở những trường có hàng chục nghìn sinh viên, các em học trung bình 5 môn/học kỳ. Như vậy, số giấy tờ mà giảng viên phải xử lý là quá lớn.

"Thù lao mà giảng viên được trả còn thấp so với lượng công việc thực tế mà họ phải làm. Một sinh viên ra trường, đi làm sau vài năm đã có lương ngang với một giảng viên sắp về hưu", bà Ánh nói.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng, những giảng viên muốn có thu nhập cao thường phải làm thêm các công việc ở bên ngoài. Nhưng tóm lại, giảng viên chỉ nên làm chuyên môn.

Nhiều người vì không được đãi ngộ xứng đáng, họ phải ưu tiên "cơm áo gạo tiền" trước. Điều đó dẫn tới chuyên môn của giảng viên không được nâng cao, đồng thời, ảnh hưởng đến sự phát triển của giáo dục đại học.

"Giảng viên nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thì cũng không tệ. Vấn đề không chỉ ở mức lương, mà là số tiền đó có xứng với công sức của họ không, việc họ phải làm có đúng tính chất công việc của một giảng viên hay không.

Giảng viên vẫn phải làm việc từ "vươn thở" (sáng sớm) đến "tiếng thơ" (tối muộn). Nhịp độ sinh hoạt bị ảnh hưởng nên việc bị đau dạ dày, đau đầu, mất ngủ là bình thường", PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh nói.

Tác giả: Quang Trường

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP