Bà Tân và 3 đứa con sinh 3 lúc chưa tròn 1 tuổi. Ảnh NVCC. |
Ông Dũng, bà Tân cưới nhau năm 1994, năm sau sinh con đầu lòng. Gia cảnh nhà chồng đông con, nghèo khó, bố lại bệnh nặng, nên lúc hai vợ chồng ra ở riêng cũng chẳng có gì ngoài ngôi nhà tranh 1 gian “dỡ nhà bếp về làm nhà ở”.
Thương vợ chồng trẻ khốn khó trong cảnh “một mái nhà tranh hai trái tim vàng”, năm 1998, anh em họ hàng Nguyễn Doãn đã “góp của ít người nhiều” giúp vợ chồng xây một ngôi nhà mới. Trong lúc bà Tân bầu bì lần thứ 2, vợ chồng vẫn tự đóng gạch, tự đào móng xây nhà. Sau mấy tháng, ngày đi xe ôm, đêm về làm thợ, vợ phụ hồ, khiêng gạch, chồng xây, ngôi nhà 2 gian đã hoàn thành.
Ba anh em sinh 3 Mạnh, Trọng, Vinh lúc 11 tuổi. Ảnh NVCC. |
Làm nhà xong, bà Tân lại chuẩn bị sinh, lúc đi khám, mới biết mang “thai 3”, bà sinh một lúc 3 đứa con trai, tổng cân nặng 7,1 kg. Những ngày đầu sau khi sinh, không ít người biết tin đã đến “xin con”, nhưng hai vợ chồng đều từ chối “dù khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng nuôi được con mình đẻ ra”
Nhớ lại quá trình chăm, nuôi 3 anh em sinh 3 (Mạnh, Trọng,Vinh), bà Tân cho biết: “Lúc mới sinh, bên nội, bên ngoại, ai cũng đến giúp chăm nom, nhưng sau đó thì tự mình phải lo. Riêng chuyện cho bú, cho ăn cũng đã phức tạp, lúc thiếu sữa, lúc thiếu hồ, một mình xoay không kịp, nhiều khi tui cũng phải khóc cùng con”.
Ông Dũng kể: có lần 2 vợ chồng đi làm, nhưng không kịp nhờ ai trông nom các cháu, nên đành liều, vẫn đóng cửa. Lúc về nhà thấy mấy anh em đang lổm ngổm giữa nhà cùng ăn mì chính, 1 trong 3 cháu bị “say”, phải cấp cứu”. Sau lần đó, để an toàn hơn cho các cháu, ông ngoại đã đóng một cái cũi tre, lúc cần thì bỏ 3 anh em Mạnh, Trọng Vinh vào trong cũi.
Vợ chồng ông Dũng, bà Tân cùng 3 đứa con sinh 3. Ảnh NVCC. |
Năm 2002, do điều kiện kinh tế khó khăn, vợ chồng ông Dũng đã phải bán nhà ở khối 8, để về ở trong vườn của bố mẹ (khối 2). Về đây, do vườn tược chật hẹp cũng không chăn nuôi được gì thêm. Ruộng thì ít, người ăn thì đông, một thời gian dài cả nhà chủ yếu dựa vào nghề xe ôm của ông Dũng.
Để nuôi được các con khôn lớn, hai vợ chồng ông Dũng đã phải lăn lộn với đủ thứ nghề. Ông Dũng từng đi bán kem, đi buôn rau quả, thợ xây, chạy xe ôm... Bà Tân, tuy bệnh tình, sức khỏe yếu, nhưng cũng phải gồng gánh cùng chồng, hết đi giữ con, đi cấy, đóng gạch táp lô, lại bán hàng thuê… ai gọi gì thì làm đó. Năm Mạnh, Trọng, Vinh học lớp 4, bà Tân đánh liều đi giúp việc ở Hà Nội được 6 tháng, mong kiếm them chút đỉnh nuôi con, nhưng sau cũng phải về vì ông Dũng không lo xuể cho 4 đứa con còn nhỏ dại.
“Khi các con còn nhỏ, thì lo chạy cái ăn, khi chúng biết làm việc giúp bố mẹ thì đỡ đần hơn chút, nhưng khi con đầu vào đại học, 3 anh em vô cấp 3, thì vất vả đã quay trở lại” – bà Tân chia sẻ.
Không khí đầm ấm của gia đình ba anh em sinh 3. Ảnh NVCC. |
Theo bà Tân, học phí của các em Mạnh, Trọng, Dũng, dường như khi nào cũng nạp cuối lớp, cứ sắp hết học kỳ 2 mới thanh toán cho giáo viên được. Hàng ngày 3 anh em đi bộ đến trường. Ăn mặc “cũng không có điều kiện như con người ta”, mỗi em chỉ có 2 bộ đồ dài để thay đổi, trong đó có 2 cái áo đồng phục, chỉ mua thêm 2 cái quần.
Sách giáo khoa các em dùng cũng toàn sách cũ vì “mua sách cũ rẻ tiền hơn được một nửa”. Khi nghe các con “giục” chuyện tiền học, ở nhà bà Tân lại cuống cuồng, đi vay mượn cho bằng được. Nhưng may là “các cháu đều chăm ngoan, tự giác, không đua đòi, nên bố mẹ cũng đỡ lo hơn phần nào”.
Chặng đường nuôi con sinh 3 của gia đình ông Dũng, bà Tân quả lắm gian nan, nhưng những vất vả của những ngày tháng qua, đã được bù lại bằng thành tích học tập của các cháu. Cả ba em Mạnh, Trọng, Vinh đều đỗ vào trường Sĩ quan Thông tin. Trong niềm vui chung của gia đình, bà Nguyễn Thị Tường (85 tuổi) – bà nội của ba em chia sẻ: “Đã qua rồi những ngày ăn thì không có, khó thì đến nơi, giờ nghĩ lại chuyện xưa mà mừng chảy nước mắt”.
Tác giả: Huy Thư
Nguồn tin: Báo Nghệ An