Bản Khe Ngậu (xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) nằm dọc suối Khe Ngậu tiếp giáp sông Lam, có 154 hộ với 679 nhân khẩu sinh sống, chủ yếu là dân tộc Thái. Ngày trước, người dân ở đây có ruộng nước để canh tác. Nhưng càng ngày đất ruộng càng bạc màu nên người dân chuyển đổi qua trồng hoa màu, trồng sắn, chuối và chuyển thành ao nuôi cá. Một vài ruộng có điều kiện phù hợp thì chuyển thành vườn trồng cà. Khi ruộng nước không phát triển được thì cà ngọt trở thành một loại cây trồng có vai trò quan trọng ở nơi đây. Có hơn 60 hộ gia đình tham gia trồng cà ngọt, chiếm gần 40% số hộ gia đình trong bản.
Cà ngọt Khe Ngậu là giống cà bản địa, cây cà mọc nhiều cành và nhiều nhánh. Thân cà khá cao, tầm từ 1,5m đến 1,8m, có những cây cao gần 2m, chiều cao trung bình của nó ngang một người trưởng thành. Vòng lan tỏa của mỗi cây cà lên đến bán kính gần 1m. Người dân thường trồng cà ở vùng đất đồi ven khe suối hoặc ven đồi cao. Có những vườn cà trên gần đỉnh đồi, cao 300-400m, trên cả vườn chuối. Cà cần nhiều ánh nắng nên không trồng xen với các cây khác được, cũng không có cây nào trồng dưới tán cà được vì nó rợp che hết ánh sáng. Hiện tại, bản Khe Ngậu có khoảng 10ha diện tích đất trồng cà ngọt. Một điều đặc biệt là loại cà này ngon nhất khi được trồng ở bản Khe Ngậu. Cũng loại giống cà này nhưng mang ra các bản khác, kể cả một số bản gần đấy mà trồng thì chất lượng lại kém hơn.
Người Thái ở bản Khe Ngậu đang thu hoạch những quả cà cuối vụ. |
Để chuẩn bị cho việc phát triển nông nghiệp hàng hóa, chính quyền cùng người dân thành lập Tổ hợp tác sản xuất và chế biến cà ngọt Khe Ngậu theo quyết định của UBND xã vào cuối năm 2020. Sau đó, cà ngọt Khe Ngậu đạt được tiêu chuẩn Sản phẩm nông nghiệp tốt Việt Nam (VietGAP). Từ cuối năm 2021, Tổ hợp tác sản xuất và chế biến cà ngọt Khe Ngậu không ngừng phát triển. Có 58 hộ gia đình trong bản tham gia vào Tổ hợp tác và sản lượng cà ngọt cung cấp cho thị trường lên đến gần 85 tấn, đưa về doanh thu hơn 840 triệu đồng, trừ các chi phí đầu tư thì lợi nhuận đạt hơn 700 triệu đồng. Cuối năm 2021, cà ngọt Khe Ngậu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được mở rộng ra nhiều thị trường hơn.
Gần hai năm qua, cà ngọt Khe Ngậu dần được nhiều người biết đến. Thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng ra nhiều nơi hơn. Cà ngọt Khe Ngậu xuất hiện ở nhiều hội chợ nông nghiệp từ Tương Dương, TP Vinh đến các đô thị khác. Một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các địa phương, giới thiệu sản phẩm OCOP cũng đưa cà ngọt Khe Ngậu vào quảng bá. Tuy nhiên, dù người dân và chính quyền luôn nỗ lực quan tâm, cà ngọt Khe Ngậu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để phát triển một cách có hiệu quả còn phải vượt qua rất nhiều thách thức.
Thách thức đầu tiên phải nói đến là sự biến đổi khí hậu trong thời gian qua. Tương Dương đang trở thành huyện có khí hậu khắc nghiệt bậc nhất cả nước. Khi mùa nắng nóng, nhiệt độ quá cao, dẫn đến hạn hán, làm cho cây cà ngọt không phát triển được. Thường mùa nắng nóng cũng vào giai đoạn ban đầu thu hoạch cà nhưng do nhiệt độ quá cao nên lứa ban đầu có thể năng suất cao thì các lứa sau thì bị hư hỏng và năng suất thấp dần.
Anh Kha Danh Tú, trưởng bản Khe Ngậu cho biết: "Đến mùa đông lạnh giá thì nhiệt độ quá thấp, nhiều khu vực có tuyết rơi hay đóng băng, làm cho nhiều loại cây con không sinh sống được. Đây cũng là giai đoạn cuối thu hoạch cà và chuẩn bị để ươm cà giống. Nhiều khi lạnh giá quá làm cho cà giống không mọc được nên thiếu giống. Rồi gần đây là những trận lũ lụt lớn gây ảnh hưởng đến những vườn cà gần suối. Bên cạnh tác động trực tiếp đến cây cà thì khí hậu khắc nghiệt cũng làm cho người dân phải gian lao vất vả hơn nhiều lần khi trồng, chăm bón và thu hoạch cà ngọt. Nhiều gia đình đã bỏ vườn cà vì không đủ sức chăm bón và thu hoạch. Nhiều khi bỏ ra nhiều công sức mà không thu lại kết quả hoặc kết quả thấp do thiên tai, khí hậu tàn phá vườn cà khiến nhiều người chán nản".
Bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng, Tương Dương, Nghệ An. |
Trên phương diện văn hóa xã hội, sản phẩm cà ngọt Khe Ngậu cũng kén chọn đối tượng khách hàng. Không phải ai cũng thích và ăn được cà ngọt cho dù nó giòn và ngon như nhiều người đánh giá. Bởi đơn giản, cà ngọt là một sản phẩm địa phương, gắn với văn hóa địa phương và cách thức sử dụng cũng gắn với các sản phẩm khác liên quan. Nó là một phần trong ẩm thực truyền thống của người Thái nơi đây. Cà ngọt cũng phải ăn cùng một số loại gia vị khác, chủ yếu là các loại nước chấm truyền thống của người Thái, gần đây thì họ còn đem chấm với ruốc, mắm… Điều này cũng tạo nên những sự kén chọn trong đối tượng sử dụng.
Chính vì vậy mà việc mở rộng thị trường gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu vẫn dành cho người dân trong vùng và các vùng ven cạnh, còn các đối tượng khác chủ yếu là du khách nơi khác đến sử dụng tại chỗ. Trong thời gian qua, một số người đã bán hàng qua mạng lưới xã hội và bán được một số lượng kha khá đến các khách hàng ở những nơi khác, nhưng những trường hợp này còn hạn chế, vì hầu như người ta thưởng thức một lần cho biết chứ không lấy hàng thường xuyên.
Một trong những hạn chế quan trọng của sản phẩm cà ngọt Khe Ngậu là khó để đa dạng hóa các sản phẩm khác nhau. Hiện tại, cà ngọt Khe Ngậu chủ yếu ăn sống với các thức chấm và rau kèm theo, muối ăn xổi, đặc biệt là làm món nhọc (lấy cà luộc lên, nấu với da lợn, da bò hoặc ếch nhái, thêm các gia vị vào tạo thành một loại canh) là đặc sản của người Thái nơi đây. Nhưng các món này hầu hết sử dụng tại địa phương.
Tổ hợp tác sản xuất và chế biến cà ngọt Khe Ngậu đã nhiều lần suy nghĩ, trao đổi và tìm cách để sản xuất một số sản phẩm để có thể đóng hộp đi bán rộng rãi nhưng đều thất bại. Ngay cả việc muối cà mặn để được lâu như món cà pháo của người Kinh mà cũng không làm được. Nhiều lần đem cà ngọt ra muối nhưng chỉ ăn xổi thì ngon, còn sau một thời gian sẽ bị hỏng, mất hết mùi vị và bị úng.
Ngoài việc phục vụ ăn uống tại chỗ và bán cà quả sau thu hoạch cho du khách thì cũng không thể sản xuất ra được các mặt hàng khác đi kèm hay liên quan để phục vụ các nhu cầu khác của khách hàng. Việc không thể đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa cũng làm cho cà ngọt Khe Ngậu gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường xa. Hiện tại, cà ngọt Khe Ngậu vẫn chưa vào được các siêu thị dù Tổ hợp tác đã nhiều lần đi giới thiệu nhưng do không thể để lâu và kén chọn khách hàng nên các siêu thị từ chối.
Tóm lại, cà ngọt Khe Ngậu là một sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận hơn hai năm qua, cũng là một nông sản được lựa chọn từ văn hóa truyền thống, kết quả của nông nghiệp truyền thống của người Thái ở Khe Ngậu. Cà ngọt trở thành sản phẩm hàng hóa là một niềm vui đối với người dân và chính quyền địa phương khi nó mang lại thu nhập cho người dân để góp phần xó đói giảm nghèo. Nhưng để đi vào thị trường một cách chủ động, những người liên quan cần phải vượt qua nhiều thách thức, khó khăn.
Tác giả: BÙI HÀO
Nguồn tin: Báo Quân đội Nhân dân