|
Từ bỏ phố xá với công việc có mức lương khủng, Vi Thị Thắm thậm chí đánh đổi cả hạnh phúc riêng tư khi phải xa chồng con để ngược ngàn rừng núi trở về làng bản quê hương với nỗi đau đáu: Đánh thức tiềm năng du lịch nơi mình sinh ra. Thế nhưng, con đường đó giờ gập ghềnh với lắm nỗi suy tư, trăn trở.
Đi để trở về
Thắm là người con bản Xiềng (huyện Con Cuông, Nghệ An), một bản người Thái nằm dưới chân núi, hướng mặt ra hạ nguồn con sông Giăng chín thác mười ghềnh. 15 tuổi, Thắm xa mường xa bản xuống TP. Vinh theo học trường Dân tộc Nội trú.
Hết cấp 3, cô nữ sinh có gương mặt ưa nhìn thi đậu vào khoa tiếng Anh, ĐH Quốc Gia Hà Nội. Những năm tháng miệt mài trên giảng đường đại học đã giúp cô chạm tới cánh cửa thế giới khi được nhận vào làm phiên dịch, thư ký cho dự án của Lúc-Xăm-Bua về hỗ trợ phát triển nông thôn tại Việt Nam.
Không những thế, người con gái của bản sau đó còn dành được học bổng du học thạc sỹ ở Úc. Thời điểm 2015, Vi Thị Thắm là một trong số ít ỏi những người con dân tộc Thái ở Nghệ An bước ra thế giới, mở ra cơ hội tiếp xúc với văn hóa xê dịch của các bạn trẻ nước ngoài, tham gia các “tua” du lịch sinh thái trải nghiệm được tổ chức ở rất nhiều nước.
Trong số những đêm cắm trại với các bạn trong khu rừng nhiệt đới xa xôi Thắm đã thức trắng vì nhớ rừng, nhớ bản, nhớ quê nhà. Khát vọng trở về cũng vì thế cứ đau đáu trong tâm hồn cô gái nhỏ.
Hai năm du học ở Úc trôi đi, Thắm trở về quê hương, nhận lời làm việc cho dự án bảo tồn thiên nhiên hoang dã ở Huế. Những tháng ngày miệt mài theo chân chuyên gia bảo tồn thiên nhiên khắp các cánh rừng, khát khao trở về với bản làng lại càng thôi thúc cô.
Với suy nghĩ đó, năm 2016 Vi Thị Thắm từ bỏ công việc mang lại cho cô mức lương đáng mơ ước ở Huế để chuyển hẳn về quê nhà Con Cuông. Chồng Thắm lúc này là bác sỹ đã có nhà cửa, công việc ổn định tại TP.Vinh nhưng cô quyết một thân một mình xách ba lô trở về nơi đã sinh ra để mở đầu cho hành trình mà cô đã ấp ủ rát lâu.
|
Việc đầu tiên Thắm làm ngay khi trở về là mở lớp tiếng Anh ở thị trấn Con Cuông bởi cô biết muốn thay đổi cuộc sống như bản thân mình các em nhỏ phải có trình độ ngoại ngữ nhất định.
“Gieo chữ” ở rừng ở bản đã khó, gieo ngoại ngữ lại càng gian nan gấp bội. Nhưng bằng tâm huyết và nỗi đam mê của tuổi trẻ, Thắm đã kết nối các bạn sinh viên tốt nghiệp tiếng Anh loại khá, giỏi ở thành phố để đưa về với bản làng quê mình… Từ con số không tròn trĩnh, Trung tâm tiếng Anh Vi-Mickey của “cô Thắm làng ta” đã thu hút được đông đảo học sinh các lứa tuổi tìm đến.
Nhưng với Vi Thị Thắm, dạy ngoại ngữ cho trẻ em vẫn chưa phải là ước mơ cháy bỏng nhất khi giấc mơ trong khu rừng nhiệt đới của nhiều năm du học vẫn hiện về đau đáu.
Thắm muốn được nhìn thấy vẻ đẹp nguyên sơ của những cánh rừng, những làng bản, những điệu dân vũ, những câu hát của người Thái Con Cuông quê mình ngân vang, bay xa hơn nữa… Và chỉ có một cách duy nhất giúp cô làm được điều đó chính là làm du lịch sinh thái trên chính làng bản quê hương mình.
Đánh thức Pha Lài
Huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái khi hơn 70% dân số là người Thái bản địa. Ngoài làng bản nguyên sơ, núi rừng hùng vĩ, nơi đây còn có con sông Giăng mênh mang xuyên qua trùng điệp rừng già Vườn Quốc gia Pù Mát vượt qua trăm thác trăm ghềnh để lên với tộc người Đan Lai ở thượng nguồn.
Nhận thấy tiềm năng, chính quyền huyện Con Cuông đã đưa ra quy hoạch du lịch từ khá sớm. Vào những năm 2014, có doanh nghiệp xung phong đầu tư du lịch, tuy vậy mục đích của họ lại là lấy danh nghĩa để dò tìm khoáng sản. Vì thế rừng Pha Lài vẫn chỉ là cánh rừng nguyên sơ vốn có.
Với con mắt của một người có nhiều kinh nghiệm về du lịch sinh thái, Vi Thị Thắm quyết định đầu tư du lịch tử tế ngay chính quê hương.
Năm 2017, đáp lại lời kêu gọi đầu tư của huyện nhà, Thắm lập Công ty VSC và xin chủ trương thuê đất xây dựng khu du lịch sinh thái ngay trên bến Pha Lài. Nhận thấy dự án khả thi, góp phần thúc đẩy du lịch miền Tây Nghệ An, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định giao 8,3 ha đất cho cô gái trẻ tại xã Môn Sơn.
Gom hết vốn liếng, vay mượn thêm người thân, Thắm quyết định “tất tay” vào giấc mơ sinh thái. Khu nhà hàng bài bản được xây dựng ngay bến Pha Lài để từ đây khách du lịch được đón tiếp, tư vấn đầy đủ về các điểm vui chơi, các làng bản văn hóa trên địa bàn. Từ 1 bến thuyền dân sinh nhỏ với vài ba bè lá tự phát bán kẹo thuốc cho người dân bản địa, Pha Lài nhanh chóng trở thành địa chỉ du lịch trên bản đồ xứ Nghệ.
|
Để tạo nên “con đường xanh” trên tuyến du lịch, Vi Thị Thắm đã khởi xướng, xây dựng Trung tâm Điều phối du lịch, kết nối cộng đồng Tây Nghệ An. Từ Con Cuông, du khách sẽ ngược lên Tương Dương, rồi lên với cổng trời Mường Lống (huyện Kỳ Sơn) hùng vĩ trong miên man bản sắc các làng bản dân tộc thiểu số.
Với cách làm đó khách du lịch kéo về ngày một đông biến Pha Lài từ "cô gái ngủ quên" nay được dịp phô diễn hết vẻ đẹp tiềm ẩn.
Nhưng khi nhận thấy tiềm năng cũng chính là lúc bất cập ập đến khiến kế hoạch lung lay, bến thuyền để lên khung nay cũng đành bỏ dở.
"Việc không xây dựng được bến thuyền đã đẩy doanh nghiệp vào kiểu “hoạt động chui” dù đã được cấp phép kinh doanh du lịch. Bến Pha Lài là điểm để khách du lịch lên thuyền, ngược dòng sông Giăng thăm thú cảnh đẹp Vườn Quốc gia Pù Mát, bản Đan Lai ở thượng nguồn. Giờ không có mặt bằng để xây dựng bến thuyền, thành ra thuyền người dân bản Xiềng hợp tác với doanh nghiệp chở khách đi vào bản Đan Lai đều không đúng quy định" - Vi Thị Thắm nói.
Hiện tại 1 hợp tác xã tự phát gồm 3 nhà bè kinh doanh vẫn đang chiếm bến thuyền cũ để mở nhà hàng ăn uống và chở khách tham quan trên sông.
“Hơn 5 năm nay, thanh xuân của em bỏ hết vào giấc mơ du lịch Pha Lài, vì đam mê với núi rừng, với bản làng đã phải hi sinh cả hạnh phúc riêng tư. Vốn liếng vay mượn đầu tư hơn 10 tỷ đồng, giờ nếu không có hỗ trợ của chính quyền thì em xem như tay trắng” - Vi Thị Thắm buồn bã.
Chia sẻ với nỗi lòng của cô gái bản mang nhiều hoài bão, ông Hoàng Sỹ Kiện - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Quan trọng là phải hài hòa lợi ích của dân bản đã sinh sống hàng trăm năm nay trên dòng sông Giăng và lợi ích của doanh nghiệp. Chính quyền cũng đang tích cực triển khai xây dựng bến đò dân sinh mới để bàn giao lại bến cũ cho doanh nghiệp theo quy định”.
Để chấn chỉnh lại hoạt động mất trật tự và đảm bảo an toàn trên bến Pha Lài, Sở GTVT Nghệ An ngày 30/6/2022 đã có văn bản số 2089 gửi UBND huyện Con Cuông và các bên liên quan, chỉ ra tính pháp lý của Công ty VSC trong việc khai thác, kinh doanh du lịch trên địa bàn. Sở này cũng yêu cầu chính quyền địa phương kiểm tra, tháo dỡ các nhà bè hoạt động tự phát trên bến Pha Lài để sớm bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp theo đúng quy định.
Pha Lài, tiếng Thái nghĩa là hoa trên lèn đá, mang ý nghĩa tươi đẹp đầy sức sống của miền Tây xứ Nghệ. Giấc mơ du lịch cộng đồng tuy vẫn còn bỏ dở nơi đây nhưng với những gì đang thành hình, người dân Pha Lài và Con Cuông đang mơ đến những "bông hoa trên lèn đá".
Tác giả: Anh Tuấn - Quang Minh
Nguồn tin: giadinhonline.vn