Giáo dục

Gian nan xóa điểm trường lẻ tại các vùng khó khăn

Việc xóa điểm trường lẻ tại các vùng biên giới, miền núi, ven biển nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được tiến hành nhiều năm qua, song đến nay vẫn còn hàng nghìn điểm trường lẻ trên địa bàn toàn tỉnh.

Thầy giáo Nguyễn Hồ Quang - Trường Phổ thông cơ sở - Dân tộc bán trú Tây Sơn (Kỳ Sơn - Nghệ An) hơn 20 năm cắm bản dạy chữ cho học sinh người Mông. Ảnh: Hữu Vi

Điểm trường chỉ có... 3 học sinh

Trường Tiểu học Tiền Phong 4 thuộc xã Tiền Phong (huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An) hiện nay vẫn còn 5 điểm trường (1 điểm trường chính và 4 điểm trường lẻ).

Điểm trường chính ở bản Piêng Cu có 124 học sinh, điểm trường bản Na Bón 38 học sinh; điểm ở bản Huồi Muồng 31 học sinh, điểm bản Na Sành 37 học sinh, điểm ở bản Xốp Sành chỉ có... 3 học sinh.

Lớp 2E - Trường Tiểu học Tiền Phong 4 huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An tại điểm trường bản Huồi Muồng chỉ có 11 học sinh. Ảnh: Quang Đại

Theo thầy Nguyễn Phương Nam, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tiền Phong 4, sở dĩ có nhiều điểm lẻ như vậy là do địa hình xã Tiền Phong quá rộng, giao thông hết sức khó khăn, phụ huynh không thể đưa đón con đến điểm trường chính, do đó phải duy trì các điểm trường lẻ để học sinh khỏi thất học.

“Muốn xóa điểm lẻ phải xây dựng trường bán trú, với kinh phí lên đến hàng chục tỉ đồng, vượt quá khả năng của trường. Trường cũng đã đề nghị xây dựng trường bán trú lên cấp có thẩm quyền. Còn hiện nay thì thầy cô đành chấp nhận vất vả để tạo điều kiện cho học sinh được đi học” – thầy Nam nói.

Việc duy trì nhiều điểm trường lẻ làm nhà trường, giáo viên rất vất vả, học sinh lại thiệt thòi do một số điểm chưa có điện, các em không được tiếp cận các trang thiết bị hiện đại, không được học trong môi trường giáo dục tốt nhất. Việc quản lý của ngành giáo dục cũng gặp nhiều khó khăn.

Thầy Lữ Thanh Hà – Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Quế Phong cho biết toàn huyện hiện vẫn còn hơn 50 điểm trường lẻ. “Việc duy trì điểm trường lẻ làm cho học sinh rất thiệt thòi, tuy nhiên điều kiện bất khả kháng nên chưa thể xóa được” – thầy Hà nói.

Tại huyện miền núi – biên giới Kỳ Sơn, hiện vẫn còn 100 điểm trường lẻ bậc tiểu học, đối với mầm non là 142. Các điểm trường lẻ cách điểm trường chính hàng chục km, đội ngũ giáo viên cắm bản rất vất vả, thiệt thòi.

“Nhiều năm qua, địa phương và ngành giáo dục đã tối ưu hóa mọi điều kiện nhưng không thể xóa hết các điểm trường lẻ, mà buộc phải duy trì số lượng như hiện tại để bảo đảm quyền lợi học sinh”, thầy Phan Văn Thiết – Trường Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn chia sẻ.

Khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục mới

Theo Sở GD-ĐT Nghệ An, năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh còn 996 điểm trường lẻ (571 điểm lẻ trường mầm non, 391 điểm trường lẻ bậc tiểu học và bậc trung học cơ sở có 34 điểm trường lẻ), chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi, ven biển, vùng khó khăn.

So với năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh đã giảm được 173 điểm trường lẻ, lớp tạm (năm học 2018-2019, toàn tỉnh Nghệ An đang còn 1.169 điểm trường lẻ).

Cô Phạm Thị Minh Chính, giáo viên trường Tiểu học Tiền Phong 4 (Quế Phong - Nghệ An) trên đường đến điểm trường lẻ bản Xốp Sành. Ảnh: Quang Đại

Theo Sở GD-ĐT Nghệ An, việc xóa các điểm trường lẻ được ngành giáo dục và các địa phương đặt ra thường xuyên và nỗ lực thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, giảm bớt khó khăn cho nhà trường, giáo viên và học sinh.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù, các địa phương vẫn buộc phải duy trì các điểm trường lẻ khi chưa xây dựng được các trường nội trú, bán trú để tập trung toàn bộ học sinh về học tại một điểm.

Trước đó, vào ngày 16.8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long chỉ ra hiện trạng còn quá nhiều điểm trường lẻ, dẫn đến những khó khăn trong việc triển khai chương trình giáo dục mới, nâng cao chất lượng giáo dục và khó bố trí giáo viên. Do đó, phải đưa ra các giải pháp để giảm nhanh điểm trường.

Tác giả: Quang Đại

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP