Xe

Giá xe hơi Việt Nam khó giảm sâu vào năm 2018

Năm 2018, khi thuế nhập khẩu nội khối ASEAN về 0%, mức giá sau thuế của một số dòng xe có thể giảm, tuy nhiên giá lăn bánh khó giảm vì thuế trước bạ có thể tăng kịch trần 18%.

Những tháng đầu 2017, thị trường ôtô Việt Nam chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt từ các "ông lớn". Thaco nổ "phát súng" đầu tiên khi tuyên bố giảm giá mạnh các dòng xe Mazda. Mazda6 - một trong những mẫu xe bán chạy nhất của thương hiệu giảm tới 170 triệu đồng, xuống mức 840 triệu. Đây là điều mà những người lạc quan nhất về thị trường xe hơi Việt Nam cũng không ngờ tới.

Trước cuộc chiến do Trường Hải phát động, các ông lớn khác cũng buộc phải rục rịch giảm giá, điển hình như Honda CR-V giảm giá tới 150 triệu đồng, xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, chỉ còn 1,078 tỷ với bản 2.4 AT - TG và 1,008 tỷ cho bản 2.4 AT.

Mazda CX4
Các hãng xe lớn tại Việt Nam đua nhau giảm giá đưa xe về giá trị thật. Ảnh: Enbac.

Trước đó, Mazda quyết định "ra chiêu cuối" khi hạ giá mẫu crossover ăn khách CX-5 xuống còn 840 triệu đồng. Nissan cũng không thể ngồi yên trước động thái của hai đối thủ nên mạnh dạn giảm giá X-Trail 125 triệu đồng, xuống còn 1,073 tỷ đồng cho bản cao cấp nhất X-Trail 2.5 SV 4WD. Toyota vốn là hãng "rất cứng" về chính sách giá cũng buộc phải giảm giá Camry tới 90 triệu đồng.

Bất chấp nỗ lực cạnh tranh bằng cách giảm giá của các hãng, doanh số toàn thị trường xe hơi ở Việt Nam vẫn đang giảm nhẹ. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 5/2017 giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia trong ngành, đã xuất hiện tâm lý chờ đợi trong đại bộ phận người tiêu dùng Việt Nam, bởi vào tháng 1/2018, thuế nhập khẩu các dòng xe nội khối ASEAN sẽ giảm về 0% so với mức 30% đang áp dụng.

Có nên mua xe vào lúc này?

Đại diện VAMA cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để mua xe bởi những mẫu xe phổ biến trên thị trường đã giảm giá đáng kể, ngang ngửa với mức trung bình trong khu vực. Lý giải về nhận định này, VAMA cho rằng đến năm 2018, không phải tất cả dòng xe đều đạt được tỷ lệ nội địa hoá 40% trong nội khối ASEAN để hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi từ 0-5%.

Ngoài ra, bên cạnh thuế nhập khẩu, giá bán xe hơi còn chịu ảnh hưởng của các loại thuế khác như TTĐB, phí trước bạ và các loại phí khác. Vì vậy việc giảm thuế nhập khẩu nhưng nếu tăng các loại phí khác thì giá xe cũng không thể giảm.

Ngược lại, nếu mua xe trong năm 2017, người dùng sẽ được nhận xe ngay, bởi lượng hàng tồn của các hãng còn khá nhiều, đáp ứng nhu cầu đi lại và kinh doanh, mang lại lợi ích để bù lại phần giá chênh lệch (nếu có).

2
Thuế có thể giảm nhưng giá lăn bánh xe hơi tại Việt Nam khó giảm do tăng thuế trước bạ. Ảnh: Enbac.

Để đẩy doanh số và đạt mục tiêu năm, nhiều hãng đang chấp nhận lời ít, thậm chí bán cắt lỗ, vì vậy các hãng đều đưa ra những chương trình ưu đãi, kích cầu. Nhu cầu thấp trong khi lượng cung hàng hoá nhiều, ngoài việc giảm giá, các hãng còn bổ sung những công nghệ mới để thu hút khách hàng.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị diễn đàn Otofun cho rằng: "Khi chính sách thuế giảm, đồng nghĩa với ngân sách bị thâm hụt. Chính phủ sẽ phải cân đối thu chi để đảm bảo cân bằng ngân sách. Vì vậy giá xe có thể giảm, nhưng tổng số tiền để sở hữu chiếc xe thì không thể giảm".

"Mua xe thời điểm nào cũng được, miễn là chịu khó để ý tới các chương trình của hãng. Bởi vì năm 2018, khi chính sách thuế giảm theo lộ trình thì giá xe có thể giảm, nhưng người tiêu dùng không nên hy vọng bỏ ít tiền hơn để sở hữu xe hơi", ông Thắng lưu ý thêm.

Anh Trần Văn Quân (Bình Thạnh, TP.HCM) mới sở hữu một chiếc Toyota Fortuner 2017 phiên bản máy dầu, tổng số tiền anh phải trả là 1.070 triệu đồng (giá xe 981 triệu và phụ kiện, phí trước bạ). Cũng như nhiều người mới mua xe, anh Quân không hề cảm thấy hối hận vì mua xe thời điểm này.

"Tôi mua xe phục vụ nhu cầu đi lại cho cả gia đình, cuối tuần thường về quê cách 150 km. Ngày thường không sử dụng tôi cho thuê lại, tính trung bình mỗi tháng được khoảng 15 triệu đồng. Nếu chần chừ chưa mua thì mình và cả gia đình vẫn phải chịu khổ thêm cả năm, mà số tiền cho thuê xe từ giờ tới lúc đó cũng đủ bù nếu xe giảm giá thật," anh Quân nói.

Loại xe nào sẽ giảm giá vào năm 2018?

Khi được hỏi về việc giá xe năm 2018 sẽ thế nào khi xe thuế nhập khẩu CBU từ ASEAN còn 0%, đại diện VAMA khẳng định khó có biến động mạnh. Vị này nêu dẫn chứng, Nghị định 140/2016/NĐ-CP về phí trước bạ được Chính phủ ban hành áp dụng từ ngày 1/1/2017, từ năm 2018, quy định các địa phương có thể tăng phí trước bạ từ 10% như hiện nay lên mức 15%.

Đối với Hà Nội, phí trước bạ có thể tăng lên từ 17-18% thay vì mức 12% như hiện nay. Vì vậy, giá trước khi đăng ký có thể giảm nhưng mức giá lăn bánh thực tế của xe có thể không giảm, thậm chí tăng.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý đầu năm 2017, các thành viên VAMA bán được 64.729 chiếc xe. Trong đó 14.460 chiếc nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia ASEAN (chiếm 22,3%).

3city1 zing
Một số dòng xe dung tích nhỏ có thể giảm giá vào năm 2018. Ảnh: Hân Nguyễn.

Trong số xe nhập khẩu, lượng xe bán tải chiếm 25% (dòng này không thể giảm thuế thêm nữa). Như vậy tỷ trọng các mẫu xe nhập khẩu ASEAN có thể giảm vào năm 2018 là không nhiều, chưa tính tới các mẫu xe không đạt được tỷ lệ nội địa hoá trong khối ASEAN đạt 40%.

Cũng theo VAMA, nếu các chính sách thuế khác không biến động, những dòng xe nhập khẩu từ ASEAN có dung tích máy dưới 2.0 lít sẽ giảm giá. Mức giảm bao nhiêu phụ thuộc vào chính sách định giá và kinh doanh của từng hãng.

Nhìn chung, thị trường xe hơi Việt Nam vẫn rất tiềm năng. Phân khúc xe nhỏ A, B, C có mức giá tốt, phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dùng nên sẽ tăng trưởng nhanh. Các dòng CUV/SUV vẫn có chỗ đứng nhờ hợp thị hiếu và tiện dụng. Riêng phân khúc xe sang sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng bởi chính sách thuế nên sẽ tăng trưởng ổn định.

Thị trường xe hơi Việt Nam năm 2017 vẫn có thể tăng trưởng, tuy nhiên mức tăng phụ thuộc và chiến lược sản phẩm, giá bán của các hãng và tâm lý của người tiêu dùng

Tác giả bài viết: Thạch Lam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP