Kinh tế

Giá xăng dầu tăng sốc, doanh nghiệp vận tải rục rịch tăng giá cước

Xăng dầu chiếm khoảng 25-40% tổng chi phí của doanh nghiệp vận tải. Do đó, khi loại nhiên liệu này tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua, các đơn vị buộc phải tăng giá cước.

Chiều 10/11, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tiếp tục tăng 660 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 550 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 23.660 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.990 đồng/lít.

Đáng chú ý đây đều là mức cao nhất từ tháng 7/2014. Trong vòng một năm qua, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 18 lần, giảm 3 lần và giữ nguyên 3 lần, với xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 9.775 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 10.289 đồng/lít.

Sức ép trước đà tăng liên tục của giá xăng dầu quá lớn, nhiều doanh nghiệp vận tải đã buộc phải tăng giá cước vận chuyển từ 5-10%.

Vận tải hàng hóa rục rịch tăng giá, vận tải hành khách đang chần chừ

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Bình Dương - cho biết từ 1/1 đến 10/11 giá dầu đã tăng khoảng 48%, các nhà xe đang tăng giá vận chuyển từ 6-10% để chia sẻ cùng chủ hàng và thăm dò phản ứng của khách.

"Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng hàng hiện tại rất ít, chi phí khác tăng lên cùng với sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe, tranh giành khách gay gắt nên nhiều doanh nghiệp khác cũng đang đề nghị tăng giá nhẹ", ông nói.

Theo ông Hùng, hiện nay nếu không tăng giá thì doanh nghiệp không thể sống, xe bus cũng vậy. Khách đi không có, càng chạy càng lỗ nên nhiều hãng xe lựa cũng chọn phương án chưa hoạt động.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải giao nhận, thương mại Quang Châu - cũng cho biết hiện một số tuyến của doanh nghiệp đã phải thông báo tăng giá cước. "Với hàng hóa đi đường dài liên tỉnh, ảnh hưởng từ việc tăng giá xăng dầu rất lớn. Còn các chuyến trong nội thành 20-30 km thì không đáng kể", ông nói và cho biết công ty cũng tính toán để điều chỉnh mức tăng phù hợp.

Đối với hoạt động vận tải hành khách, ông Nguyễn Công Hùng - Giám đốc taxi Mai Linh vùng I, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội - cho biết chắc chắn các hãng taxi sẽ phải tăng giá cước nhưng tăng vào thời điểm nào, mức tăng như thế nào thì cần thời gian để nghiên cứu và đánh giá tình hình.

Hiện nay các doanh nghiệp vận tải đứng trước nhiều thách thức vì giá xăng dầu tăng sốc trong bối cảnh phục hồi hoạt động sau dịch. Ảnh: Đoàn Nguyên.

"Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thể khôi phục hoạt động, riêng vận tải hành khách đường bộ chỉ hoạt động 30% công suất. Nếu không tăng giá cước, người lao động không có thu nhập và sẽ nghỉ việc, nhưng khi tăng giá cước lại ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng", ông Hùng nói.

Thậm chí nếu xăng, dầu tiếp tục tăng mạnh sẽ dẫn đến nguy cơ đứt gãy sản xuất, khó có thể khôi phục lại kinh tế.

Nếu không tăng giá cước, người lao động không có thu nhập và sẽ nghỉ việc, nhưng khi tăng giá cước lại ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Công Hùng - Giám đốc taxi Mai Linh vùng I, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội.

Trao đổi với Zing, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM Lê Trung Tính cũng cho rằng việc giá xăng dầu tăng mạnh trong bối cảnh hiện nay là đòn giáng mạnh vào ngành vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách và du lịch. "Bởi thời điểm này các doanh nghiệp đang chuẩn bị mở lại các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh, từng bước khôi phục hoạt động", ông nói.

Đáng nói, giá xăng lại tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua. "Trong hoạt động vận tải hành khách công cộng, xăng dầu lại chiếm tới 25-40% trong giá thành chi phí. Ở Bến xe miền Tây hiện nay, mỗi ngày có chưa tới 100 chuyến xe xuất/nhập bến và trung bình 5 khách/chuyến. Trong khi đó xe khách muốn hoạt động phải hơn 70% sức chứa, nhiều doanh nghiệp đang kêu trời vì lỗ", ông nói.

Cần miễn, giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp vận tải

Theo ông Nguyễn Công Hùng, trên thị trường hiện nay đang có 2 loại xăng cụ thể: Xăng E5 Ron 92 là xăng sinh học và xăng Ron A95. Nhà nước đang khuyến khích người dân sử dụng xăng E5 thì phải có biên độ giá chênh lệch cao để người dân lựa chọn.

"Bản thân xăng E5 là xăng môi trường, vậy tại sao lại thu thuế bảo vệ môi trường loại xăng này. Chính vì thế cần phải miễn hoặc tạm dừng việc thu phí bảo vệ môi trường đối với xăng E5, như vậy mới có thể ổn định được giá cước vận tải", lãnh đạo taxi Mai Linh đề xuất.

Đặc biệt, hiện nay bản thân ngành vận tải nhiều tỉnh vẫn đang dừng hoạt động ở nhiều tỉnh như Hà Giang, Hưng Yên... Trong khi đó Nghị quyết 128 đã chỉ đạo thích ứng với dịch bệnh, chấp nhận sống chung với dịch bệnh. "Nhà nước đã ban hành nhiều gói kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp, lao động thì Liên Bộ Công Thương - Tài Chính cũng phải vào cuộc tích cực, như vậy mới mong phục hồi được sản xuất, kinh tế", ông Hùng nhìn nhận.

Theo lãnh đạo Hiệp hội taxi Hà Nội, ngành vận tải Việt Nam đóng góp 25% vào GDP chung của cả nước, cao hơn gấp 3 lần so với Singapore. "Khi điều chỉnh giá xăng cần phải có lộ trình để doanh nghiệp chuẩn bị, bởi mỗi lần điều chỉnh giá cước là một lần bất đắc dĩ của doanh nghiệp. Riêng taxi sẽ phải dừng hoạt động hàng vạn xe, vận tải hành khách sẽ phải niêm yết, in bảng giá mới, gửi thông báo tới khách hàng...", ông nói.

Theo nhiều người, cần có chính sách miễn, giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp vận tải. Ảnh: Hải Nam.

Chưa kể, đối với taxi cứ mỗi xe phải trả 100.000 đồng khi điều chỉnh giá phải trả cho tiền đăng kiểm xe. Hàng vạn xe thì các doanh nghiệp sẽ phải chi đến hàng tỷ đồng. "Do đó, mong Chính phủ chỉ đạo Liên Bộ Công Thương - Tài Chính ổn định giá xăng dầu bằng hình thức tạm dừng đóng thuế phí bảo vệ môi trường", ông đề xuất.

Liên quan đến vấn đề kích cầu cho các doanh nghiệp vận tải, ông Hùng đề nghị Chính phủ cần miễn phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2022 thay vì giảm 30%. "Các Bộ ngành cũng phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh", ông nói với Zing.

Về giá xăng dầu, ông Tính cho rằng Liên Bộ Công Thương - Tài Chính nên đề xuất với Chính phủ giảm thuế và phí trong xăng dầu bởi trong một lít xăng dầu, riêng thuế phí đã chiếm khoảng 70%. Đồng thời sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để hạ nhiệt đà tăng.

"Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cần có văn bản tạo điều kiện lưu thông liên tỉnh cho doanh nghiệp vận tải và Bộ Y tế cần đẩy nhanh tiến độ phủ vaccine ở các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên", ông Tính đề xuất.

Tác giả: Thanh Thương

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP