|
Nhu cầu tiêu thụ cao, nguồn cung đang khan hiếm.
Sau khi Tp.HCM và nhiều địa phương khác bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ rau, hoa tăng mạnh. Nhờ vậy, giá nhiều loại nông sản ở Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung tăng gấp 2 - 3 lần.
Các loại rau ăn lá giá tăng cao nhất, vì nhu cầu tiêu thụ cao trong khi nguồn cung đang khan hiếm. Nguyên nhân là trước đó, rau ăn lá bị đổ bỏ hàng loạt vì loại này khó vận chuyển đến vùng dịch. Nhiều nông dân ở Lâm Đồng đã giảm diện tích gieo trồng loại rau này.
Rau bó xôi giá từ 15.000 đồng vọt lên 35.000 đồng/kg, xà lách cô rôn từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng/kg, ớt sừng giá từ 9.000 đồng lên 17.000 đồng, súp lơ xanh từ 14.000 đồng lên 18.000 đồng/kg…
Hoa cũng tăng giá so với dịp đầu tháng này do các nhà hàng, khách sạn… bắt đầu hoạt động trở lại. Đơn cử, hoa đồng tiền 25.000 đồng/chục, hoa cát tường 50.000 đồng/kg, hoa hồng 30.000 đồng/chục, hoa lyly 55.000-70.000 đồng/bó, hoa cúc chùm 10.000-15.000 đồng/bó 5 cành, cúc cành lên 25.000-30.000 đồng/bó 10 cành… Với mức giá này, mỗi sào (1.000 m2) hoa cúc nông dân thu lãi được 40 triệu đồng.
Hoa Đà Lạt cũng tăng giá so với dịp đầu tháng này do các nhà hàng, khách sạn… bắt đầu hoạt động trở lại. |
Những tín hiệu tốt
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, sản lượng rau củ được thu hoạch hằng tuần tại địa phương đạt bình quân 5.148 tấn/ngày, tăng 454 tấn/ngày so với tuần trước đó. Đến cuối năm, Lâm Đồng sẽ đảm bảo cung ứng cho thị trường trung bình 6.800-8.000 tấn rau củ/ngày.
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, cho biết giá nhiều loại hoa tăng cao khiến nhà vườn rất phấn khởi. Việc vận chuyển hoa đi tiêu thụ cũng có nhiều thuận lợi khi đội ngũ lái xe đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhiều tỉnh, thành đã mở cửa trở lại.
Ngoài ra, theo ông Sang những tháng cuối năm, diễn ra nhiều sự kiện, lễ kỷ niệm nên nhu cầu hoa trang trí tăng cao, giúp giá hoa Đà Lạt dần ổn định và tăng trưởng trở lại.
Đến hết năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 10.000 ha hoa các loại với sản lượng bình quân 3,6 tỷ cành/năm, xuất khẩu ra nước ngoài 370 triệu cành. Trong đó, thành phố Đà Lạt là địa phương sản xuất hoa chủ lực, chiếm 66% diện tích và 71% sản lượng toàn tỉnh.
Tác giả: Đào Vũ
Nguồn tin: nguoiduatin.vn