Kinh tế

'Gà đẻ trứng vàng' góp hơn một nửa lợi nhuận cho VPBank

Cũng giống như mọi năm, FE Credit tiếp tục là "con gà đẻ trứng vàng" cho VPBank khi đóng góp trên 50% lợi nhuận hơn 8.100 tỷ của ngân hàng này.

Bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc - Giám đốc Tài chính Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) - cho biết năm 2017, ngân hàng lãi trước thuế hơn 8.100 tỷ, tăng 64% so với năm 2016.

51% lợi nhuận từ công ty tài chính

Cụ thể, doanh thu năm 2017 của VPBank đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2016. Trong đó tăng trưởng doanh thu từ lãi thuần là 36%; doanh thu về dịch vụ thuần tăng 70%; chi phí dự phòng tăng 51% với tổng cộng hơn 8.000 tỷ đồng.

Sau khi trừ thuế, ngân hàng này báo lãi ròng tới hơn 6.430 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử. Phần lớn lợi nhuận trong đó đến từ FE Credit, chiếm khoảng 51% vào tổng lợi nhuận chung của toàn ngân hàng.

Theo vị lãnh đạo ngân hàng này, tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản ngân hàng đã tăng 21%.

Về tín dụng, tỷ lệ tăng trưởng của VPBank năm qua được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép là 20%, và riêng ngân hàng mẹ năm qua đạt tốc độ tăng trưởng 19,97%. Trong khi đó, công ty tài chính có hạn mức tăng trưởng tín dụng được phép là 40%, mức tăng thực tế đạt được cũng trên 39%. Như vậy, tính chung cả ngân hàng và công ty tài chính, tín dụng tại ngân hàng năm qua đã tăng 24%.

“Xét riêng về cho vay khách hàng thì công ty tài chính chiếm 21-22%, số dư cho vay chiếm 23% trên cơ cấu tổng tài sản ngân hàng”, bà Thảo chia sẻ.

Hiện nay, mỗi tháng, công ty tài chính có khoảng 250.000 khoản vay, ngân hàng có hơn 3.000, nếu không kiểm soát kỹ, thì sẽ không có đủ người để rà soát lại. Vì thế mà lực lượng người thu nợ ở ngân hàng hiện nay lớn nhất thị trường bao gồm 1.600 người tại FE Credit và hơn 800 người tại ngân hàng mẹ, trong năm tới sẽ tăng lên hơn 1.000 người.

Không bán 'con gà đẻ trứng vàng'

Chia sẻ về tương lai của "con gà đẻ trứng vàng" FE Credit, lãnh đạo ngân hàng này cho hay trong 2 năm qua, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tại ngân hàng được cải thiện thấp đi, trong khi các ngân hàng khác phải giãn thời gian.

Nhu cầu về vốn của VPBank chưa áp lực, chỉ số vốn hiện tại vào khoảng 13,4%, do đó, ngân hàng vẫn muốn giữ lại FE Credit.

Lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết không xác định tỷ lệ 51% lợi nhuận từ FE Credit sẽ đứng mãi mà sẽ thay đổi cơ cấu doanh thu. Theo đó, trong 5-10 năm tới, tài chính tiêu dùng vẫn là "con gà đẻ trứng vàng". Tuy nhiên, Retail Banking, SME, tín dụng tiểu thương sẽ đem lại lợi nhuận chủ yếu. Lợi nhuận từ FE Credit vẫn còn nhưng sẽ chậm lại.

Các khoản đầu tư ở ngân hàng sẽ là đầu tư dài hạn. "FE Credit 3 năm đầu đầu tư lỗ, đến năm thứ 4 mới có lãi. Retail Banking 5 năm mới có lãi. SME cũng mấy năm, năm ngoái mới bắt đầu có lãi, cho vay tín dụng tiểu thương đã lãi đâu, Digital tất cả ngân hàng cũng hầu như chưa lãi", lãnh đạo ngân hàng cho biết.

Trong khi đó, nói về khoản lợi nhuận chưa phân phối hàng nghìn tỷ đồng hiện tại, lãnh đạo VPBank cho biết sẽ do cổ đông quyết định và thực hiện theo ý kiến của đại đa số cổ đông.

Hiện tại, tỷ lệ nợ xấu tại riêng ngân hàng mẹ VPBank năm qua là 2,36% tổng dư nợ, nếu tính cả nợ xấu tại FE Credit thì tổng nợ xấu là 2,91%.

Tác giả: Quang Thắng

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP