Trong nước

Đường về quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp chìm trong mưa lũ

Đến ngày 15/10, các huyện Minh Hóa, Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình tiếp tục ngập sâu vì mưa lũ khiến giao thông ngưng trệ và cô lập.

Trong ba ngày qua, tại các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế có mưa to đến rất to, có nơi vượt quá 700 mm gây ngập nặng. Đặc biệt tại các huyện Tuyên Hoá, Mai Hoá, Minh Hoá (Quảng Bình) tổng lượng 3 ngày vượt 700 mm khiến người dân miền Trung khổ sở chạy lũ.

Theo thông tin từ UBND huyện Lệ Thủy, căn nhà lưu niệm của Đại tướng tại làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cũng bị nước ngập sâu hơn 1m.

Theo ông Võ Đại Hàm, người trông coi căn nhà, cho biết ngôi nhà cấp 4 này là nơi Đại tướng sinh ra và gắn liền với tuổi thơ của người. Tuy nhiên, do nằm ở xã Lộc Thủy là vùng thấp trũng nên mỗi khi lũ lớn đều chịu cảnh ngập.

Ông Hàm cho hay người nhà đã kịp chuyển những vật dụng quan trọng trong căn nhà lưu niệm đến nơi an toàn trước khi bị ngập.

UBND huyện Lệ Thủy cho hay nhiều xã bị mất điện hoàn toàn, bị chia cắt trở thành các ốc đảo. Nhiều địa phương vẫn chưa thể liên lạc được.

"Huyện đã lập Ban cứu trợ khẩn cấp đưa lương thực thực phẩm và thuốc chữa bệnh đến cấp phát cho người dân.
Bệnh viện đa khoa và Phòng Y tế huyện chủ động nhân lực, phương tiện, thường xuyên túc trực để sẵn sàng cứu dân khi có tình huống ốm đau bất ngờ, cần cấp cứu", ông Năm cho biết.

Theo lãnh đạo huyện Lệ Thủy, phương tiện duy nhất để ra vào các xã là bo - bo (ca nô). Đến khoảng 16 giờ chiều nay 15/10, mưa đã ngớt nhưng mực nước lũ ở Lệ Thủy vẫn còn ở mức báo động III. Các tuyến đường liên huyện vẫn còn ngập nặng.

"Đây là trận lụt lớn trên diện rộng. Chính quyền địa phương đang bằng mọi cách có thể để cứu dân, tuyệt đối không để người dân nào bị thiếu đói", ông Năm nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ dẫn đầu Đoàn công tác Bộ GTVT, phối hợp với lãnh đạo các địa phương thị sát các điểm ngập lụt, đình trệ giao thông tại các tỉnh miền Trung để lên phương án khắc phục sự cố.

Ảnh: Tuổi Trẻ.

Tuyến quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam qua khu vực miền Trung bị sạt lở, chia cắt làm giao thông ngưng trệ. Tính đến sáng 15/7, toàn tỉnh có 7 người chết - mất tích, 7 người bị thương do mưa lũ.

Tại huyện Minh Hóa, đa số nhà dân bị ngập nặng, phải di dời khẩn cấp đảm bảo an toàn. Trước đó, 7h30 sáng 14/10, ông Thái Xuân Năng (62 tuổi, ở thôn 3 – Yên Thọ, xã Tân Hóa) bất ngờ bị lũ cuốn trôi, mất tích.

Nhiều tuyến đường nối huyện Minh Hóa bị nước lũ mạnh chia cắt, cô lập với bên ngoài. Đường Hồ Chí Minh nhánh đông đoạn K900-K911 (huyện Minh Hóa) bị ngập 0,8 m.

Nhiều vị trí nước ngập sâu từ 1 – 2,8 m gây chia cắt nhiều địa bàn. Các tuyến đường chính vào bản đồng bào Rục, đường nối xã Tân Hóa và Minh Hóa, đường Hồ Chí Minh vào xã Hóa Sơn; đường từ thị trấn Hoàn Lão đi các xã Hoàn Trạch, Vạn Trạch, Tây Trạch bị nước lũ phong tỏa hoàn toàn.

Toàn tỉnh có Quảng Bình 26.920 nhà dân hư hỏng đổ sập. Chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp hơn 1.800 hộ dân đến nơi an toàn.



Lãnh đạo huyện Minh Hóa vào tận bản của đồng bào Rục để cứu trợ trong tình hình mưa lũ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện chỉ đạo kiên quyết sơ tán các hộ dân sinh sống tại vùng nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng tìm kiếm cứu nạn, các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán nhân dân, cứu nạn - cứu hộ theo đề nghị của địa phương.

Lực lượng chức năng huyện Minh Hóa giúp người dân sở tán tàn sản đến nơi an toàn.

Huyện Lệ Thủy hoàn toàn bị mất điện, nhiều xã đã trở thành các ốc đảo. Đến 10h sáng 15/10, mưa đã tạnh nhưng mực nước sông Kiến Giang vẫn ở trên mức báo động 3 gần 1 m. Tất cả con đường về quê của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bị chia cắt tứ bề.

Ở các xã bị ngập nặng, việc tiếp cận cứu hộ dân gặp rất nhiều khó khăn. Riêng thôn Bình Minh là 300 nhà ngập sâu từ 1 m-15 m, cô lập hoàn toàn.

Con đường dẫn vào nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp (huyện Lệ Thủy) ngập sâu gần 2m, có gần 20.000 ngôi nhà ngập từ 1 m-1,5 m, 19 ngôi nhà bị tốc mái, 30 trường học và 10 trạm y tế bị ngập lụt, 150 km đường giao thông nông thôn bị sạt lở.

Mọi hoạt động giao thông đường bộ ngưng trệ hoàn toàn vì nước ngập sâu.

Đường quốc lộ 1A qua khu vực huyện nước ngập mênh mông, chỉ có thể dùng thuyền.

Tác giả bài viết: Đình Thức - Trường Nguyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP