Kinh tế

Được trả 100,000 USD để bỏ học, 9 doanh nhân trẻ này đã đạt được những thành công gì?

Từ kế hoạch đầu tư mạo hiểm của Peter Thiel, có nhiều người đã quay trở lại trường học sau 2 năm, nhưng cũng có người đã trở thành triệu phú trẻ tuổi với những start-up giá trị.

Năm 2011, Peter Thiel - nhà đầu tư mạo hiểm, doanh nhân và cố vấn hiện tại của Tổng thống Mỹ đã triển khai một chương trình mang tên Thiel Fellowship nhằm trao 100,000 USD cho những doanh nhân trẻ tiềm năng - những người sẵn sàng bỏ học đại học và biến những ý tưởng đột phá của mình trở thành công việc kinh doanh nghiêm túc.

Hàng chục sinh viên công nghệ xuất sắc đã lọt vào tầm ngắm của chương trình. Phần lớn những ứng viên chương trình của Thiel sẽ quay trở lại trường học sau 2 năm trải nghiệm ở Silicon Valley, nhưng một số ít tiếp tục xây dựng start-up trị giá hàng triệu đô la.

Dưới đây là câu chuyện của những ứng viên thành công nhất.

Laura Deming và sứ mệnh chống lại sự lão hoá

1 d1
Laura Deming

Laura Deming đã chứng tỏ khả năng vượt trội của mình từ khi còn là cô bé 14 tuổi. Khi đó cô theo học tại Đại học MIT để nghiên cứu về các bộ phận cơ thể nhân tạo. Cô đã bỏ học sau năm thứ 2 để tập trung nghiên cứu về vấn đề chống lại sự lão hoá dưới chương trình của Thiel.

Deming là một trong số ít các ứng viên theo đuổi đam mê bên ngoài giới khởi nghiệp. Cô làm việc cùng với cựu giám đốc điều hành dược phẩm và các nhà quản lý quỹ với tư cách là một đối tác của quỹ đầu tư mạo hiểm The Longevity Fund.

Ứng dụng được Apple trao giải thưởng của 2 chàng trai Ari Weinstein và Conrad Kramer

Chương trình Thiel Fellowship đã kết nối Ari Weinstein - một sinh viên MIT bỏ học và Conrad Kramer - một học sinh phổ thông để tạo ra 2 ứng dụng nhằm tăng hiệu suất công việc. Một trong hai ứng dụng đó đã thành công rực rỡ.

Đó là Workflow, ứng dụng cho phép người dùng kết nối các đầu việc khác nhau từ các app khác nhau. Người dùng có thể sử dụng duy nhất ứng dụng này để đăng ảnh lên Facebook, tìm đường, đặt đồ ăn và làm nhiều việc khác nữa.

2 d2
Ari Weinstein và Conrad Kramer

Workflow trở thành ứng dụng iPhone được mua nhiều nhất chỉ trong vòng 4 ngày sau khi ra mắt vào năm 2014. Năm 2015, Apple đã trao giải “Ứng dụng đột phá của năm" cho hai chàng trai Weinstein và Kramer.
Hiện nay 2 anh chàng trẻ tuổi này tiếp tục phát triển ứng dụng của mình mở rộng ra ngoài San Francisco, và đã thuê 8 nhân viên.

Eden Full Goh đã 3 năm liên tục được vinh danh trong danh sách Forbes 30 Under 30 trong lĩnh vực Năng lượng

3 d3
Eden Full Goh

19 tuổi, Eden Full Goh rời đại học Priinceton để biến dự án khoa học tại trường phổ thông của mình trở thành một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu: SunSaluter. Dự án là một giải pháp tiết kiệm chi phí cho phép các tấm pin năng lượng mặt trời quay theo hướng có ánh nắng trong suốt cả ngày, tăng hiệu suất của chúng lên tới 30%.

Hiện SunSaluter đã có mặt ở 18 quốc gia, mang điện đến với hơn 10 ngàn người. Goh giờ đã trở thành Chủ tịch tổ chức này và đồng thời làm việc tại công ty phần mềm của Thiel mang tên Palantir.

James Proud đã gọi vốn thành công 40 triệu USD cho start-up Hello của mình

Start-up này được định giá tới 250 triệu USD.

Được tạp chí Forbes đặt cho biệt danh “người được chọn bởi Peter Thiel", chàng CEO 25 tuổi này đã xây dựng một start-up tạo ra thiết bị theo dõi giấc ngủ có giá 149 USD và được cho là một trong những ứng viên thành công nhất trong chương trình.

4 d4
James Proud

Proud đáng lẽ ra có thể là người đầu tiên trong gia đình anh được đi học Đại học, song anh đã bỏ qua cơ hội này khi nhận vị trí trong Thiel Fellowship. Ban đầu Proud tham gia xây dựng GigLocator, một website chuyên tổng hợp thông tin vé bán cho các buổi hoà nhạc. Trang web này sau đó đã được bán tới một nhà quảng cáo hoà nhạc vào năm 2012 với giá triệu đô.

Thiết bị theo dõi giấc ngủ của Hello được gọi là Sense, đã gọi được 2,4 triệu USD tiền vốn trên Kickstarter vào năm 2014, ngang ngửa với số vốn gọi được của Oculus Rift phát triển bởi Facebook. Một nguồn tin nội bộ đã cho biết Hello dự tính sẽ bán được 250,000 sản phẩm vào năm 2017.

Ritesh Agarwal, người tạo ra mạng lưới khách sạn giá rẻ lớn nhất tại Ấn Độ
Ritesh Agarwal đã gọi chương trình Thiel Fellowship là “điều tuyệt vời nhất từng xảy tới với tôi".
5 d5
Ritesh Agarwal

Triệu phú 23 tuổi lớn lên ở một bang miền nam Ấn Độ. Anh mở ra một công ty start-up kết nối tất cả các khách sạn giá rẻ ở Ấn Độ. Người dùng có thể tìm phòng, đặt trước phòng và tận hưởng những tiện nghi có trước.

Start-up này đã điều phối phòng cho hơn 6500 khách sạn ở trên 200 thành phố. Agarwal cũng đã gọi được 187 triệu đô la vốn đầu tư cho công ty được định giá 400 triệu đô này.

Start-up trong lĩnh vực báo chí của John Meyer đã có hợp đồng với Fox TV

Các trung tâm truyền hình của Fox TV từ New York tới San Francisco đã nhờ tới sự trợ giúp của Fresco News - ứng dụng cho phép thu thập ảnh và video từ mọi người dùng hàng ngày. Ứng dụng đã biến 130.000 người dùng trở thành những phóng viên cơ động.

6 d6
John Meyer

Khi một cơ quan thông tấn sử dụng nguồn nội dung được đăng tải trên app, những người tạo ra nó sẽ được trả phí (khoảng 20 đô la cho những tấm ảnh và 50 đô la cho các video) và Fresco News sẽ trích lại một phần ra từ đó.

Năm 2015, chàng trai 19 tuổi Meyer đã từ chối suất thực tập ở Apple và bỏ học tại Đại học New York để tham gia chương trình của Thiel. Sau đó anh đã kêu gọi được 1,2 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư từ CNN và Yahoo.

Jeremy Cai xây dựng một nền tảng tìm kiếm nhân sự dành cho các start-up

Jeremy Cai đã rời khỏi đại học Babson để đào sâu vào một mảng nhu cầu rất lớn của nền kinh tế: lĩnh vực tuyển dụng. Những công ty khi mở rộng có nhu cầu nhân sự rất lớn, và OnboardIQ của Jeremy đã giải quyết vấn đề đó bằng cách tự động hoá nhiều quy trình trong đó, như tổ chức các hoạt động ứng tuyển, sắp xếp lịch phỏng vấn, và thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra cơ bản.

7 d7
Jeremy Cai

OnboardIQ được cho là đã kiểm tra hồ sơ của 3 triệu thí sinh tới từ 40 quốc gia trên thế giới, và phục vụ nhiều khách hàng trong đó có Shyp, GrubHub, Groupon, Munchery, Cabify, and Eaze.

Dylan Field sáng tạo ra một công cụ design mới đột phá, cạnh tranh với Adobe

8 d8
Dylan Field

Dù chưa thể so sánh với người khổng lồ Adobe, Figma đã thu hút sự chú ý năm 2016 khi ra mắt một công cụ thiết kế giao diện phần mềm cho phép các designer làm việc cùng nhau.

Phiên bản web của ứng dụng cho phép nhìn thấy những thay đổi được tạo ra bởi designer ngay lập tức, cho phép để lại bình luận và lưu trữ các bản thiết kế khác nhau lên đám mây dữ liệu.
Figma cũng đã gọi được gần 18 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư.

Tác giả: Lily (Spiderum)
Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP