Cuộc sống

Đừng nghĩ mình cứ nhẫn nhịn đi, thì rồi cuối cùng sẽ ổn thỏa

Giữa hai người đàn bà cùng trải tấm chân tình sâu nặng, người đàn ông có sóng sánh về đâu cũng cảm thấy mình diễm phúc, cũng có thể đem cái hạnh phúc ở nơi này mà bù đắp, nhẫn nhịn lại một chút cay đắng...

Những câu chuyện kể lại vào lúc đã diễn ra gần như xong xuôi, hoặc người ta đã đến đoạn xế chiều của cuộc đời, thường hàm chứa cái minh triết mà người ta đã tự nghiệm ra, tự góp nhặt lấy qua từng ngày tháng sống, rồi tự soi chiếu lại những chuyện trước sau đã xảy ra trong đời. Vì thế, chuyện này có vẻ như kết quả tất yếu từ nguyên nhân kia. Hễ ở hiền thì sẽ gặp lành, một chữ nhẫn lúc này sẽ đổi bằng chuỗi ngày tháng bình yên lúc khác.

Ừ thì cuộc đời đúng là thế, nhưng có phải ai cũng đủ kiên tâm mà chờ, ai cũng đủ tầm nhìn mà thấy được cái kết cục tốt lành ấy đâu. Ừ thì cũng là lẽ đương nhiên nữa, là cái kết cục ấy sẽ đến với ai biết chờ đợi. Nhưng người đoản mệnh... Ai ở trong hoàn cảnh ấy, rơi vào hoàn cảnh ấy, mới thấy sự hy sinh nghĩa là gì. Không phải chỉ một mình người vợ ấy hy sinh, mà cả người phụ nữ kia cũng đã tự gói cuộc đời cô ấy thành một món quà tặng vô điều kiện.

song sanh ve dau 121017228
Ảnh minh họa: Internet

Giữa hai người đàn bà cùng trải tấm chân tình sâu nặng, người đàn ông có sóng sánh về đâu cũng cảm thấy mình diễm phúc, cũng có thể đem cái hạnh phúc ở nơi này mà bù đắp, nhẫn nhịn lại một chút cay đắng, cằn nhằn của nơi kia. Nghĩ cho cùng, không thể có chuyện êm ả, bình an nếu không có một trong hai người đàn bà ấy, nếu một trong hai người đàn bà đã không được như người đàn bà ấy. Nào có phải chỉ riêng công lao chăm nom săn sóc của người đàn ông mà bù trừ hết được. Phải nghĩ trong lòng là chị, là em với nhau mới vượt qua được hết chừng ấy đoạn đường, khi chiếc xe gia đình hết nghiêng bên này lại đến lắc bên nọ, những người trong xe ấy, những đồ đạc vật dụng trong xe ấy, tránh sao khỏi đổ vỡ, xào xáo.

Chỉ có người trong xe ấy trần mình ra chịu đựng, nhặt nhạnh, giữ gìn lấy, thì cuối đường mới tạm còn nguyên vẹn mà thôi. Người đàn ông kể lại câu chuyện này, cũng là một lần để nói lời tạ lỗi. Người đọc câu chuyện này, thì biết rằng cũng chỉ ông ấy mới có thể kể lại được. Cả hai người đàn bà không ai có thể kể được đâu, bởi muôn vàn cay đắng đã phải nuốt vào lòng, đã phải nhịn đi cho nhà yên cửa lặng, đã phải rơi nước mắt một mình, để cho người ta khi trở về vẫn thấy mình bình tĩnh, bao dung.

Rồi thì tất cả sẽ qua...

Niệm một chữ “tình”, mà bỏ qua hết những hờn ghen, oán giận, cũng phải nói thêm rằng, có lẽ bởi người tình ấy có một chữ “tài” đâu đó. Xưa nay thường vẫn vậy, “rằng tài nên trọng, mà tình nên thương” (Nguyễn Du, Kiều). Tôi phục chị và phục người phụ nữ đã cam làm chiếc bóng im lặng thứ hai bên cạnh chồng chị, nhưng tôi biết, rằng đừng nghĩ vợ chồng nào rồi cũng được thế, chỉ cần người đàn bà cúi đầu nhẫn nhịn, không cằn nhằn, đón nhận chồng những khi chồng có thể trở về bên cạnh mình, là rồi sẽ ổn thỏa, đều sẽ thu xếp được đâu vào đó như gia đình người ta. Đừng coi câu chuyện của người mà nghĩ mình đáng được hưởng đến chừng ấy lòng hy sinh, sự nhẫn nại, giọt nước mắt và nỗi buồn đau của những người đàn bà. Cũng đừng nghĩ mình cứ nhẫn nhịn đi, thì rồi cuối cùng sẽ ổn thỏa. Bao nhiêu chuyện người ta chưa kể, có phải vì nó đã không từng xảy đến đâu.

Cuộc đời không giống những bức ảnh, hơn ai hết, người làm ảnh biết điều đó. Nhưng cuộc đời người làm ảnh, chỉ có thể để lại những bức ảnh mà thôi. Nghĩ cho cùng, câu chuyện đời nào cũng không thể chỉ long lanh hạnh phúc niềm vui, câu chuyện đời nào cũng như một tiếng thở dài, mà có người nghe tận được hết tiếng thở ấy, có người thì chỉ nghe được một phần. Câu chuyện hôm nay, tấm chân tình hôm nay cũng là câu chuyện bù đắp, tạ lỗi. Người nghe anh nếu biết vậy, chắc sẽ không gây ra lỗi, dù biết những người đàn bà, như bản chất tự nhiên của họ, bao giờ cũng tiềm ẩn đức hy sinh.

Tác giả bài viết: Yên Ba

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP