Giáo dục

Dùng IELTS xét tuyển vào đại học liệu có đúng?

Các trường đại học cho biết việc tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, các đơn vị cần cân nhắc nhiều yếu tố để phương án này là "con đường dài".

Năm 2024, các trường tiếp tục đưa IELTS vào đề án tuyển sinh. Ảnh: IDP.

Mùa tuyển sinh năm 2023, hơn 100 trường đại học sử dụng chứng chỉ IELTS làm tiêu chí xét tuyển đại học.

Sang năm 2024, các trường tiếp tục đưa IELTS vào đề án tuyển sinh. Giữa những tranh luận rằng liệu chứng chỉ này có gây bất bình đẳng trong tuyển sinh hay không, các trường vẫn tin rằng việc xét tuyển bằng IELTS là phương án hợp lý, mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Lý do các trường đưa IELTS vào xét tuyển

Trao đổi với Tri thức - Znews, các trường đại học cho biết lý do lựa chọn thí sinh có chứng chỉ IELTS bởi đây là tiêu chí đánh giá năng lực ngoại ngữ của thí sinh, đảm bảo đáp ứng năng lực tối thiểu để học tập, nghiên cứu, thực hành bằng tiếng Anh.

Tại Đại học Ngoại thương, 19 chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh, yêu cầu thí sinh phải có năng lực ngoại ngữ nhất định để học tập, nghiên cứu.

Chính vì vậy, nhà trường sử dụng thang đo nhất định là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để đánh giá đầu vào ngoại ngữ, trong đó có IELTS.

Tương tự, đại diện phòng Khảo thí - Đảm bảo chất lượng của Đại học Hoa Sen cho biết trường định hướng là đại học ứng dụng và đạt chuẩn quốc tế, 50% môn học chuyên ngành sử dụng tiếng Anh khi học tập và giảng dạy.

Do đó, trường áp dụng các chuẩn đầu vào như IELTS 5.5 trở lên với kỳ vọng sinh viên đạt được trình độ tiếng Anh nhất định, từ đó dễ dàng tiếp cận với môi trường học tập mang tính ứng dụng.

Đại học Công thương TP.HCM cũng đưa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS vào xét tuyển đại học từ năm 2020.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông của HUIT, cho biết những năm gần đây, việc đào tạo sinh viên bằng tiếng Anh tại trường đang được đẩy mạnh. Do vậy, trường đặt ra chuẩn đầu vào tiếng Anh để đảm bảo sinh viên có thể hiểu bài giảng và học tốt các môn chuyên ngành ở trường.

Một lý do khác khiến các trường lựa chọn IELTS làm tiêu chí xét tuyển chính là giúp tăng cơ hội trúng tuyển đại học cho thí sinh, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường.

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh hồi tháng 7/2023, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định việc sử dụng phương thức xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ giúp giảm áp lực, giảm phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, mở thêm cơ hội cho thí sinh, đảm bảo tuyển sinh chất lượng.

Bên cạnh đó, định hướng tuyển sinh này đã góp phần thúc đẩy phong trào học tiếng Anh mạnh mẽ. Đây là chìa khóa quan trọng trong hội nhập quốc tế.

Thực tế, số thí sinh xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh (chủ yếu là IELTS) vào Đại học Kinh tế Quốc dân tăng dựng đứng trong 6 năm qua, xuất phát từ 50 hồ sơ ở năm đầu tiên (2017) lên 11.000 hồ sơ vào năm 2023.

Chất lượng cũng tăng rõ rệt khi 70% thí sinh đạt xét tuyển từ 6.5 IELTS trở lên, chủ yếu ở mức 7.0.

Hàng năm, các trường đại học đều khảo sát, đánh giá lại phương thức tuyển sinh bằng chứng chỉ tiếng Anh nhằm kiểm chức chất lượng.

TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Ngoại thương, cho biết thực tế số lượng thí sinh dùng chứng chỉ tiếng Anh để xét tuyển vào Đại học Ngoại thương cũng tăng theo từng năm. Sau khi trúng tuyển, những sinh viên sử dụng phương thức xét kết hợp chứng chỉ quốc tế đều đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, có năng lực học tập tốt ở bậc đại học.

“Như vậy, phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có sự tương quan nhất định với kết quả học tập của sinh viên”, bà Hiền cho hay.

Tương tự, Đại học Kinh tế Quốc dân đã khảo sát kết quả đầu ra của lứa đầu tiên tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS. Kết quả, những sinh viên này có điểm trung bình học tập cuối khoa cao hơn so với những em không có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Dù mới đưa chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS vào xét tuyển từ năm 2020, Đại học Công thương TP.HCM cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tốt trong công tác tuyển sinh. Từ vài bộ hồ sơ trong năm đầu tiên, đến nay, số thí sinh xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ đã tăng lên 200 người.

Chất lượng đầu vào của sinh viên cũng cải thiện đáng kể, các bạn tiếp thu bài giảng tiếng Anh tốt hơn, đọc tài liệu tiếng Anh thành thạo hơn nên kết quả học tập cũng được cải thiện.

Các trường đại học áp dụng một số giải pháp nhằm hạn chế bất bình đẳng khi đưa IELTS vào tuyển sinh. Ảnh: BC.

IELTS chỉ là một trong nhiều tiêu chí

Nhằm đảm bảo tính ổn định, khả năng tiếp cận bình đẳng của thí sinh cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng cho các chương trình đào tạo của nhà trường, TS Vũ Thu Hiền cho biết nhiều năm nay, Đại học Ngoại thương đã áp dụng đa dạng phương thức xét tuyển, bao gồm cả các phương thức truyền thống và phương thức xét kết hợp chứng chỉ quốc tế.

“Nhà trường phân bổ chỉ tiêu độc lập cho từng phương thức xét tuyển. Thí sinh chưa có khả năng tiếp cận các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vẫn có thể xét tuyển vào trường bằng các phương thức khác. Các phương thức này là độc lập, ngang hàng, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh", bà Hiền cho biết.

Bên cạnh đó, bà Hiền cũng nhấn mạnh Đại học Ngoại thương không sử dụng IELTS là tiêu chí duy nhất mà chỉ là một trong nhiều tiêu chí xét tuyển. Tức là ngoài năng lực ngoại ngữ, trường đánh giá thí sinh trên các phương diện, yếu tố khác như học bạ, điểm thi THPT... Điều này nhằm đánh giá chất lượng thí sinh một cách chính xác nhất.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024 và các năm trước, Đại học Ngoại thương đưa ra 2 phương thức xét tuyển sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, bao gồm xét tuyển kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT và xét kết hợp học bạ/điểm SAT, ACT, A-Level.

Không riêng IELTS, thí sinh cũng có thể sử dụng nhiều chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác để xét tuyển kết hợp như TOEFL iBT, Cambridge certificate, JNPT, HSK, DEFT…

“Ngoài ra, hàng năm, nhà trường đều kiểm tra, đánh giá lại các phương thức xét tuyển. Phương thức nào có sự tương quan tốt hơn với kết quả học tập, nhà trường sẽ tăng cường sử dụng”, bà Hiền cho hay.

Đại học Công thương TP.HCM cũng tương tự, IELTS không phải chứng chỉ duy nhất được sử dụng trong tuyển sinh. Những năm qua, thí sinh có IELTS 4.5, TOEIC 500 và VSTEP bậc 3 trở lên được quy thành 10 điểm môn Tiếng Anh để xét tuyển, riêng ngành Ngôn ngữ Anh phải đạt IELTS 5.5, TOEIC 600 hoặc VSTEP bậc 4 trở lên mới được quy đổi thành 10.

Thầy Phạm Thái Sơn cho biết nhà trường đặt ra ngưỡng quy đổi này dựa trên căn cứ chuẩn đầu ra dành cho sinh viên. Do đó, những bạn có chứng chỉ ngoại ngữ từ mức nhà trường quy định trở lên sẽ được miễn khoảng 10 tín chỉ học ngoại ngữ bắt buộc tại trường.

Khi được hỏi trường có lo ngại việc quy đổi tất cả mức điểm của chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm 10 sẽ gây bất lợi cho những thí sinh có chứng chỉ điểm cao hay không, thầy Sơn nói những bạn IELTS 7.0 cũng được quy đổi giống những bạn IELTS 5.5 có thể sẽ thấy mình hơi thiệt thòi một chút, nhưng các bạn cũng cần lưu ý chứng chỉ ngoại ngữ không phải yếu tố duy nhất để giúp các bạn đậu đại học, điểm các môn khác trong tổ hợp xét tuyển cũng rất quan trọng và mang tính quyết định nhiều hơn.

Cụ thể, khi xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng, ngoài điểm chứng chỉ ngoại ngữ được quy thành điểm 10 môn Tiếng Anh, trường còn yêu cầu thí sinh phải có học lực lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 xếp loại giỏi. Đồng thời, các bạn cũng cần có trung bình cộng môn Tiếng Anh của lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 8 trở lên.

Còn với xét tuyển học bạ, trường yêu cầu trung bình cộng của tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển của lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 20 điểm trở lên.

Trong trường hợp thừa chỉ tiêu nhưng có nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau, trường áp dụng tiêu chí phụ là ưu tiên thí sinh có điểm môn Toán hoặc môn Ngữ văn (đối với tổ hợp D15) cao hơn sẽ trúng tuyển. Ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc ưu tiên điểm môn Tiếng Anh.

Hiện tại, Đại học Công thương TP.HCM chưa có kế hoạch thay đổi cách quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ. Dự kiến đến năm 2025, nếu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ bậc đại học có thay đổi, trường mới tính đến chuyện đổi cách quy đổi chứng chỉ.

Ngoài ra, trường đang trong quá trình nghiên cứu tuyển sinh giai đoạn 2025-2030 và sẽ nghiên cứu đưa thêm một số chứng chỉ ngoại ngữ khác như Aptis, PEIC vào tuyển sinh. Việc học, thi những chứng chỉ này rẻ hơn nên sẽ giúp nhiều thí sinh có cơ hội tiếp cận và nâng cao cơ hội vào đại học.

Tác giả: Ngọc Bích - Thái An

Nguồn tin: znews.vn

  Từ khóa: IELTS ,xét tuyển ,đại học

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP