Giáo dục

Đừng để trẻ đánh mất lòng tin ở chính mình

Việc học sinh, sinh viên gặp bế tắc trong cuộc sống, học tập… tìm đến cái chết thêm lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo với cộng đồng xã hội, đặc biệt là mối quan hệ giữa cha mẹ, nhà trường và học sinh.

Học sinh tỉnh Long An trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh tư liệu

Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, ThS Bùi Khánh Nguyên - chuyên gia giáo dục độc lập - cho rằng không nên liên hệ chuyện tự tử với trường chuyên, lớp chọn, kỳ thi khi chưa nghiên cứu đầy đủ. Như vậy kết luận hay phán xét sẽ không công bằng.

Vấn đề tâm lý, xã hội phức tạp

- Tại nhiều địa phương, hiện tượng đau lòng liên tục xảy ra thời gian qua ở học sinh với nghi vấn là tự tử, không chịu được áp lực cuộc sống... Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên.

- Những sự việc như vậy xảy ra, cộng đồng xã hội quan tâm và nhắc nhở nhau cảnh giác với những nguyên nhân tiềm tàng như áp lực học tập, trầm cảm, cú sốc tâm lý tuổi vị thành niên… để đề phòng và hỗ trợ con cái là rất tốt.

Tuy nhiên, tôi cũng khuyến cáo, với mỗi sự việc riêng lẻ, chúng ta chưa có đủ thông tin để đưa ra bất cứ kết luận gì về mối liên hệ nguyên nhân, kết quả. Cần hiểu là những sự cố như vậy có thể xảy ra với bất cứ học sinh nào, trong bất kỳ gia đình nào.

Do vậy, sự quan tâm đến nó một cách chủ động thông qua việc tìm hiểu thông tin, kiến thức là những bước đi đúng đắn đầu tiên.

Tự tử nói chung, đặc biệt tự tử của học sinh là một vấn đề tâm lý, xã hội phức tạp cần sự nỗ lực của nhiều người, từ cha mẹ, tới thầy cô, các chuyên gia tâm lý, các bác sĩ về sức khỏe tinh thần… Cái chúng ta cần làm là không bi kịch hóa một trường hợp riêng lẻ cho cả hệ thống, nhưng cũng không né tránh tìm hiểu về vấn đề khó khăn của trẻ em để có thể giúp đỡ chúng.

Cha mẹ cần được giúp đỡ để hiểu biết hơn, vững vàng hơn; học sinh cần được giúp đỡ để mạnh mẽ vượt qua những giai đoạn khó khăn. Thầy cô cũng cần được giúp đỡ để làm những “ông bố, bà mẹ” tốt hơn, thấu cảm hơn ở trường học.

Khi những sự việc đau lòng xảy ra, chúng ta cần nhiều sự bao dung, cần nhiều sự quan tâm, lòng trắc ẩn để xích lại gần nhau hơn.

- Một điểm đáng chú ý trên các phương tiện truyền thông, phần lớn các em được cho là chịu nhiều áp lực từ học hành và gia đình. Thông tin như vậy liệu có phù hợp?

- Hầu hết chúng ta chỉ tiếp cận được một phần thông tin cho nên bất cứ kết luận nào đưa ra cũng là vội vã. Chắc chắn khi một học sinh chọn cái kết cực đoan, em đã phải trải qua những cảm xúc tiêu cực, khó khăn và cần được giúp đỡ. Thật tiếc là những dấu hiệu cần được giúp đỡ đã không được nhìn thấy kịp thời.

Áp lực của tuổi học trò không phải chỉ đến từ việc học tập, mà còn có thể có nhiều nguyên nhân khác nữa. Có thể kể đến tình trạng sức khỏe, bệnh tật, các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội. Các em có thể là nạn nhân của bạo hành, bắt nạt ở trường học hoặc trên mạng xã hội, những tổn thương từ trải nghiệm tiêu cực, thất bại, sự thất vọng…

Để cảm nhận được những dấu hiệu xa của sự bất ổn ở con cái, cha mẹ nên tìm cách gần trẻ hơn bằng cách thường xuyên trò chuyện, giảm bớt sự căng thẳng trong lời nói, hành động… Có một điều rất đơn giản nhưng dễ quan sát, là một người hạnh phúc, không mệt mỏi, lo âu, trầm cảm… sẽ cười nhiều hơn, rạng rỡ hơn, thân thiện dễ gần hơn.

Khi trong gia đình và trường học có nhiều tiếng cười, những áp lực của cuộc sống sẽ được giảm nhẹ. Còn khi các dấu hiệu bất ổn đã rõ ràng, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ chứ đừng bỏ qua hay chịu đựng.

Học sinh TPHCM tại một lễ khai giảng. Ảnh minh họa.

Đừng khiến trẻ đánh mất lòng tin ở chính mình

- Thực tế cho thấy, nếu gia đình lơi lỏng cũng dẫn tới hậu quả xấu. Tuy nhiên, kiểm soát quá chặt hay đặt nhiều kỳ vọng cho con cũng không phải là chuyện tốt. Vậy làm sao để phụ huynh cân đối, hài hòa việc này?

- Tôi chia sẻ nỗi khó khăn của cha mẹ và thầy cô trong việc phải cân bằng giữa hai thái cực. Một thái cực là buông lỏng, thờ ơ, phó mặc, không quan tâm cũng sẽ dẫn tới những hậu quả xấu. Nhưng một thái cực khác là sự can thiệp thô bạo cũng đẩy sự việc đi xa.

Cái khó của nghệ thuật làm cha mẹ, làm thầy chính là không được chạm vào hai thái cực đó, mà phải cân bằng ở vị trí phù hợp nhất với một đứa trẻ cụ thể, trong một giai đoạn cụ thể. Muốn làm được như vậy, bản thân cha mẹ, thầy cô phải có ý thức giữ gìn sức khỏe thể chất, tinh thần tốt để luôn tạo ra năng lượng tích cực, ấm áp thu hút các em.

Nếu bản thân người lớn đã mệt mỏi, trầm cảm, không vững chãi, rất khó để chúng ta đủ năng lượng để giúp đỡ người khác, dù là những người thân thuộc bên cạnh mình.

- Theo ông, những gia đình có con cái rơi vào trường hợp học kém, sa sút nên có những ứng xử như thế nào?

- Đúng là khi trẻ học kém hơn bạn, hoặc không đáp ứng được yêu cầu trung bình của chương trình học, các em phải chịu áp lực rất lớn. Thường trẻ sẽ chán học, muốn bỏ học. Nếu cha mẹ gặp tình huống như vậy, hãy trao đổi với thầy cô hoặc chuyên gia cố vấn học tập để tìm giải pháp hỗ trợ. Việc hỗ trợ có thể là học kèm, học lại, học thêm mùa hè… Thậm chí nếu thầy cô, chuyên gia sau khi xem xét kỹ thấy việc em ở lại lớp một năm tốt hơn, cha mẹ cũng không nên lấy đó làm chuyện quá nặng nề.

Trong giáo dục có nhiều cách thức để hỗ trợ học sinh kém. Cái cốt lõi là không được khiến em đánh mất lòng tin ở chính mình. Một người thầy giỏi, người cha và người mẹ có tấm lòng thực sự là người giúp em tin rằng mỗi đứa trẻ có một hoặc một số tài năng riêng, có kiểu trí thông minh riêng và không bao giờ từ bỏ cố gắng.

Growth mindset (tinh thần vươn lên) là một loại năng lực và một giá trị quý báu với giáo dục ngày nay. Trong mọi trường hợp, trẻ nên lấy sự tiến bộ của bản thân mình làm động lực để cố gắng thay vì so sánh với bất kỳ ai khác. So sánh trẻ với chính nó, chứ không so sánh với bất kỳ đứa trẻ nào khác, là một biểu hiện của nền giáo dục nhân đạo, văn minh. Cho phép trẻ bước đi với tốc độ riêng của chính mình thay vì bạo hành để chúng chạy kịp các bạn là một cách giúp đỡ trẻ có hiểu biết.

Bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc cho học trò

- Về phía nhà trường, thầy, cô giáo sẽ tham gia điều phối vấn đề này thế nào cho vẹn cả đôi đường, thưa ông?

- Thầy cô ở trường học đều là các chuyên gia giáo dục, ít nhiều được đào tạo về tâm lý học, nên sự quan tâm, hỗ trợ của nhà trường với việc xử lý áp lực của học sinh phải ở thế chủ động. Thử thách vừa sức, phù hợp với lứa tuổi và tình trạng cá nhân là một nguyên tắc của tâm lý giáo dục. Các buổi sinh hoạt lớp, lớp học kỹ năng, các hoạt động sự kiện, ngoại khóa trong trường, trong lớp… phải là những dịp để bồi dưỡng, rèn tập cho các em những kiến thức, kỹ năng để đối phó với vấn đề nảy sinh trong trường học, trong cuộc sống.

Đừng chỉ tồn tại một đường dây nóng để các em cần gì thì gọi, mà hãy dành sự quan tâm cho mỗi học sinh, chủ động gọi cho các em ngay khi thầy cô, chuyên viên tâm lý học đường cảm thấy có những dấu hiệu bất ổn. Đó cũng là lý do tôi mong thầy cô được giảm bớt những gánh nặng hành chính không cần thiết để tập trung vào chuyện dạy và học cũng như quan tâm, chăm sóc cho học trò. Bảo vệ sự an toàn và hạnh phúc của học sinh, đó mới là sứ mệnh lớn nhất của người thầy ở trường học.

- Xã hội liên tục thay đổi, để thực hiện sứ mệnh bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc cho trò, thầy cô cần kỹ năng gì?

- Tất cả giáo viên phổ thông đều được trang bị kiến thức về tâm lý học giáo dục (tâm lý sư phạm) trong trường sư phạm hoặc khóa đào tạo giáo viên, tuy nhiên kiến thức chỉ là một điểm khởi đầu. Khi thực hành nghề sư phạm, giáo viên cần liên tục cập nhật, tập huấn và ứng dụng thực tế để có thể hình thành các kỹ năng về hỗ trợ tâm lý, cao hơn nữa là trường học xây dựng được văn hóa về bảo vệ sức khỏe học sinh, cả về thể chất, tinh thần và quan hệ xã hội.

Kiến thức khoa học tâm lý và các vấn đề sức khỏe tinh thần cũng liên tục thay đổi theo bối cảnh xã hội, do vậy, giáo viên cần xác định mình phải có được khả năng “tự đào tạo” để liên tục cập nhật những vấn đề đương đại, như stress, trầm cảm, bạo lực học đường, hiện tượng bắt nạt, bắt nạt qua mạng, khủng hoảng tuổi vị thành niên, lạm dụng tình dục, tự tử, xả súng hàng loạt...

Thầy cô thường thiên về xây dựng môi trường giáo dục lý tưởng bằng cách không muốn nhắc tới những điều xấu xí, nhưng đó không phải cách giải quyết vấn đề hiệu quả. Để giải quyết vấn đề một cách thực tế, chúng ta phải nhìn thấy được, cảnh báo, ngăn chặn, đào tạo cho học sinh nội lực để đối phó với những vấn đề của thời đại, cuộc sống. Như vậy, các em có thể đủ sức mạnh, bản lĩnh, dũng cảm để đương đầu hoặc chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ.

Có không ít các chuyên gia thường xuyên chia sẻ kết quả nghiên cứu về tâm lý học để giải thích các vấn đề phát sinh trong xã hội Việt Nam, bao gồm cả vấn đề của thanh, thiếu niên, như TS Nguyễn Phương Mai, TS Lê Nguyên Phương… Đây là nguồn tham khảo tốt về tâm lý học hiện đại mà thầy cô có thể tìm hiểu.

- Xin cảm ơn ông!

Có những vấn đề xã hội lệch chuẩn tác động xấu tới giáo dục trẻ em. Thầy cô và gia đình không nên né tránh mà hãy học cách mổ xẻ vấn đề để giáo dục các em cái đúng - sai, cái giá trị - vô giá trị... Khi người lớn đủ dũng cảm để nói về những vấn đề của xã hội một cách thẳng thắn, đủ hiểu biết với thái độ phê phán tích cực, chúng ta mới thực sự đảm trách vai trò dẫn dắt trẻ em. Nhưng để làm được điều ấy, cha mẹ và thầy cô phải học cách làm người “lãnh đạo trẻ em” đúng nghĩa. Hãy giúp đỡ cha mẹ và thầy cô, để họ có thể giúp học sinh… - ThS Bùi Khánh Nguyên

Tác giả: Công Chương (Thực hiện)

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP