Kinh tế

Đưa cây thanh long về Nghi Lộc để ứng phó với biến đổi khí hậu

Mô hình trồng cây thanh long trên đất cao cưỡng của anh Nguyễn Văn Dũng (xã Nghi Phương - Nghi Lộc) đang được nhiều bà con nông dân tham quan học tập bởi đây là cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2014, sau khi địa phương có chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, anh Nguyễn Văn Dũng đành xoay xở, loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế mới. Tình cờ trong một chuyến đi thăm bạn ở Bình Thuận, được giới thiệu về mô hình thanh long ruột đỏ và từ đây cơ duyên đã đưa anh đến với nghề trồng thanh long.

Tận dụng gạch của gia đình, anh bắt tay đào hố, đổ cọc xi măng, xây trụ để trồng. Với diện tích 3 ha đất cao cưỡng trước đây làm lò gạch thủ công, anh đã quyết định đầu tư hơn 400 triệu đồng để cải tạo san lấp mặt bằng và xây cột trụ. Sau khi hoàn thành phần khung, anh vào Bình Thuận mua 600 gốc thanh long ruột đỏ và ruột trắng về trồng.

images1296005 long3
Anh Dũng bên những gốc thanh long của gia đình mình

Anh Dũng cho biết: Trồng thanh long không khó nhưng quan trọng là khâu chăm sóc để đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Ðể có kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ, tôi đã tìm kiếm thông tin trên mạng internet, tham dự các lớp tập huấn do Trạm khuyến nông huyện tổ chức và bằng chính những kinh nghiệm thực tế hàng ngày.

Ðể trồng thanh long cần dựng trụ bê tông, mỗi trụ cao 2,3m, phần nổi trên mặt đất cao 1,6m cho cây mọc, tỏa nhánh xuống xung quanh. Khoảng cách hàng cách hàng, cây cách cây 2,5m, bảo đảm cho cây được hưởng nguồn dinh dưỡng, ánh sáng mặt trời như nhau, mỗi trụ xi măng trồng 04 hom thanh long xung quanh.

Sau khi trồng thanh long nên tưới nước định kỳ 02 đến 04 ngày 01 lần, do thanh long là loại cây không cần nhiều nước nên chú ý tưới trên thân cây, hạn chế tưới vào gốc. Đặc biệt cây thanh long ít sâu bệnh, không cần công chăm sóc nhiều, không phải bón phân thường xuyên như cây trồng khác. Thanh long trồng 1 lần có thể thu hoạch từ 10 - 15 năm. Mỗi năm cho thu hoạch 4 lứa. Thời gian trồng từ tháng 10, đến tháng 4 năm sau thì cây bắt đầu ra hoa và cuối tháng 8 bắt đầu thu hoạch.

Sau gần 1 năm gia đình thấp thỏm chờ ngày thanh long ra hoa, kết trái. Vụ thanh long năm 2015, thắng lợi ngoài sức tưởng tượng, 600 gốc đã cho thu hoạch 3 tấn. Trong đó: trung bình mỗi gốc đậu từ 10-12 quả nặng 0,3-0,4 kg, có quả nặng đến 0,6 kg. Với giá bán trung bình 25 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí anh đã thu về hơn 70 triệu đồng.

images1296008 long1
Gốc thanh long ra hoa chuẩn bị kết trái

Thành công đó đã tiếp thêm sức mạnh để vợ chồng anh tiếp tục mở rộng mô hình. Hiện vụ thanh long này gia đình anh có 1.200 gốc. Tuy thời gian này chưa đến mùa thu hoạch nhưng nhìn những hàng thanh long trĩu quả đang hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Ngoài trồng thanh long, gia đình anh mới trồng thêm 200 gốc bưởi son và 300 gốc bưởi xanh. Trong khi nhiều mặt hàng nông sản lo ngại về đầu ra thì mô hình thanh long của anh được các thương lái săn đón ngay tại vườn. Ông Đậu Xuân Vĩnh - Chủ tịch Hội nông dân xã Nghi Phương cho biết: Anh Dũng xây dựng mô hình cây thanh long rất phù hợp với vùng đất thổ những của địa phương. Cây trồng này vừa giúp bà con tăng hiệu quả kinh tế nhưng đây còn là cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Thời gian tới, địa phương sẽ vận động bà con nhân rộng.

Nhận thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng thanh long đem lại, Anh Dũng dự định trong thời gian tới, sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng thanh long. Hơn nữa, cây thanh long có thể tự nhân giống tại vườn, do đó, anh sẽ nhân giống cho những ai có nhu cầu trồng thanh long trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Thu Hiền

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP