Thế giới

Động đất Myanmar: “Thời gian vàng” đã hết, số nạn nhân thiệt mạng vượt 2.000

72 giờ đầu tiên sau trận động đất thường được coi là “thời gian vàng” để tiếp cận những nạn nhân bị chôn vùi dưới các đống đổ nát. Sau thời gian này, cơ hội sống sót khi không có nguồn nước càng trở nên mong manh hơn.

Lực lượng cứu hộ vẫn chưa từ bỏ cơ hội tìm kiếm những người sống sót sau hơn 3 ngày xảy ra trận động đất mạnh 7,7 độ ở Myanmar. Trận động đất đã khiến hơn 2.000 người tại Myanmar thiệt mạng và hơn 3.900 người bị thương. Gần 300 người khác vẫn mất tích.

Lực lượng cứu hộ đưa người sống sót ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất, ở Mandaláy hôm 29/3. Ảnh: Reuters

Tại Mandalay, gần tâm chấn của trận động đất, những toà nhà chênh vênh như muốn đổ sập, đường sá cong vênh ngồn ngang giữa những đống đổ nát. Thành phố đang phải vật lộn để thích nghi với sự tàn phá do trận động đất hôm 28/3. Không còn nơi để đi, người dân phải tìm nơi an toàn ở những khu vực trống, tập trung dưới bóng cây, bên bờ sông. Trên vỉa hè, rải rác những chiếc lều và màn chống muỗi.

“Ở khu vực chúng tôi sinh sống, rất nhiều người đã chết. Một số con đường và cây cầu bị sập hoàn toàn. Nhiều người đã bị chôn vùi dưới các toà nhà”, một người dân địa phương cho biết.

Tâm chấn của trận động đất nằm ở khu vực Sagaing miền Trung Myanmar, gần cố đô Mandalay, nơi sinh sống của khoảng 1,5 triệu người, cũng như nhiều quần thể đền thờ và cung điện. Theo các chức địa phương, những người ở khu vực tâm trấn phần lớn bị cô lập sau khi cây cầu quan trọng bắc qua sông Irrawaddy bị sập. Nỗ lực cứu trợ còn bị cản trở hơn nữa do mất điện, thiếu nhiên liệu và thông tin liên lạc không ổn định. Việc thiếu máy móc hạng nặng đã làm chậm các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, buộc nhiều người phải tìm kiếm người sống sót bằng tay trong điều kiện nhiệt độ hàng ngày trên 40 độ C (104 độ F).

Ông Min Min Thein, đứng đầu cơ quan phúc lợi xã hội Myanmar cho biết: “Sở cứu hỏa, cùng với quân đội và các cơ quan chức năng đang làm việc 24/24h nhằm cứu sống được nhiều nạn nhân nhất có thể. Các bệnh viện cũng bị hư hại, vì thế tình hình rất lỗn hoạn. Chúng tôi cũng đang sắp xếp nơi trú ẩn khẩn cấp cũng như hỗ trợ thực phẩm và nước uống cho những người chịu ảnh hưởng”.

Một phân tích dự đoán của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ dựa trên cường độ và độ sâu của trận động đất ước tính số người chết có thể vượt quá 10 nghìn người. Trong khi đó, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đánh giá, mức độ tàn phá của trận động đất tại Myanmar là chưa từng thấy trong hơn 1 thế kỷ qua ở châu Á. Theo tổ chức này, hiện chỉ còn "một cơ hội nhỏ" để tiếp cận những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Các đội cứu hộ tới nay đã giải cứu được 36 người sống sót từ các tòa nhà bị sập trên khắp khu vực Sagaing. Nhiều người vẫn còn mắc kẹt dưới các đống đổ nát. Viện trợ nước ngoài và các đội cứu hộ quốc tế đã bắt đầu đến Myanmar để hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á khắc phục hậu quả động đất. Liên Hợp Quốc hôm qua cho biết sẽ viện trợ ngay lập tức 5 triệu USD cho Myanmar và đang huy động các nhóm tham gia nỗ lực cứu trợ. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, một nhóm chuyên gia nước này đã tới quốc gia châu Á để xác định những nhu cầu cấp thiết nhất của người dân, bao gồm nơi trú ẩn khẩn cấp, thực phẩm, nhu cầu y tế và khả năng tiếp cận nước. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc cũng thông báo khoản viện trợ nhân đạo trị 13,8 triệu USD.

Ngay sau khi trận động đất xảy ra, Nga đã cử đội ngũ chuyên gia tới Myanmar, bao gồm các đội chó nghiệp vụ, bác sĩ gây mê và chuyên gia tâm lý học. Anh, Ireland, Australia, Ấn Độ, Singapore, Malaysia và chính phủ nhiều nước cũng thông báo sẽ gửi viện trợ.

Myanmar nằm trên vành đai động đất hoạt động mạnh. Tuy nhiên trận động đất lần này khác với những trận động đất trước đây thường xảy ra ở những khu vực thưa dân. Các chuyên gia địa chất đánh giá, năng lượng giải phóng từ trận động đất tương đương với 334 quả bom nguyên tử, đồng thời cảnh báo dư chấn có thể kéo dài trong nhiều tháng.

Tác giả: Thu Hoài

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP