Tây Bắc là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc nơi đây đã có những đóng góp quan trọng, góp phần vào chiến công chung của cả dân tộc ngay trên mảnh đất quê hương.
Đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái góp công, góp sức mở đường ra chiến dịch. Ảnh tư liệu |
Suốt chặng đường hàng chục ngày hành quân ròng rã từ quê nhà Nghệ An lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên; cùng những ngày làm nhiệm vụ vá đường trong mưa bom bão đạn để xe và bộ đội ra chiến trường, nếu không có sự che chở, bảo vệ, giúp đỡ của đồng bào các dân tộc địa phương thì rất khó để hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Thái Hữu Hoành – cựu Thanh niên xung phong ở phường Quyết Thắng, TP Sơn La, tỉnh Sơn La đã nói như vậy khi nhắc về những đóng góp của đồng bào các dân tộc Tây Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Chính nhờ sự che chở, cưu mang, bảo vệ của đồng bào, nhiều thành viên trong các đội công tác của ta đã thoát khỏi sự truy tìm, khủng bố của địch; xây dựng được nhiều cơ sở chính trị trong quần chúng, làm nòng cốt để thực hiện chủ trương kháng chiến của Đảng ở vùng Tây Bắc.
Cựu thanh niên xung phong Thái Hữu Hoành |
"Đồng bào các dân tộc Tây Bắc rất quý bộ đội, quý thanh niên xung phong. Ngày đó cuộc sống rất nghèo, không có chợ búa gì, nhưng bà con tốt lắm, cứ có rau, có thịt hoặc bất cứ thứ gì là sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ bộ đội, giúp đỡ thanh niên xung phong. Tinh thần giữ bí mật của nhân dân rất tốt, không có một đơn vị nào bị đánh phá ở khu vực trú quân, điều đó thể hiện tinh thần bí mật của nhân dân tất cả vì kháng chiến", ông Thái Hữu Hoành kể lại.
Dân công và thanh niên xung phong sửa đường trên đèo Lũng Lô. Ảnh tư liệu |
Khai thông và mở nhiều tuyến đường để cơ động lực lượng, phương tiện chiến đấu, tiếp tế hậu cần, bảo đảm cho mặt trận là chủ trương quan trọng của ta thời đó.
Tại tỉnh Yên Bái, tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, các đơn vị công binh và dân công ở đây đã khởi công mở đường cho xe ra tiền tuyến. Nhân dân xã Nguyễn Phúc (TP Yên Bái ngày nay) và nhân dân ở Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Văn Bàn… đã nô nức tham gia vào các đội dân công.
Ông Hà Văn Hổ, người dân ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái) khi ấy mới 10 tuổi, nhưng đã hăng hái phụ giúp các cô chú dân công và thanh niên xung phong mở tuyến đường 13 chạy qua xã nhà lên chiến dịch.
Ông Hà Văn Hổ kể, để mở con đường qua bản Thẳm có chỗ đầm lầy, làm ruộng thì không cấy nổi, trâu không qua được, nhưng bà con ở đây đã ủng hộ cây cối, có nhà mang cả gỗ chuẩn bị làm nhà ra để cho dân công lát ngang, lát dọc rồi đổ đất lên làm nền. Còn máy bay thì rất nhiều, từ bản Dạ đến đỉnh đèo Lũng Lô hầu như máy bay ngày nào cũng đến bắn phá.
Đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu vận chuyển lương thực phục vụ cho tiền tuyến. Ảnh tư liệu |
Theo thống kê, để mở con đường từ căn cứ Việt Bắc tới mặt trận, bảo đảm an toàn cho hàng vạn người, hàng vạn lượt ô tô, đại bác, xe đạp thồ… ra chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Yên Bái đã huy động hơn 128.000 lượt người làm đường; hơn 273.000 công đào đắp, san lấp hố bom, chống lún sạt; làm mới và sửa chữa 188 km đường huyết mạch của chiến trường…
Cùng với khai thông và mở mới các tuyến đường, một đóng góp quan trọng của quân và dân Tây Bắc trong chiến dịch phải kể đến là việc huy động sức người, sức của cho công tác hậu cần. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất mà ngay từ khi quyết định mở chiến dịch, Trung ương Đảng và Chính phủ đã xác định, bởi Điện Biên Phủ là nơi xa hậu phương lớn, tất cả mọi con đường đều phải vượt qua địa hình rừng núi, phương thức vận chuyển chủ yếu bằng sức người, với phương tiện rất thô sơ và luôn bị không quân địch tìm mọi cách đánh phá ngăn chặn.
Thế nhưng, mưa bom, bão đạn và gian khổ không ngăn được bước tiến của các đoàn dân công, các đoàn vận tải ngày đêm vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược đến Điện Biên Phủ cho bộ đội đánh giặc.
Các hiện vật lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái và nhiều địa phương Tây Bắc... |
Trên quê hương mình, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, Lai Châu và các tỉnh Tây Bắc khi ấy vừa là những người tham gia chuyển hàng, vừa là những giao liên thành thạo, luôn có mặt và đi đầu trong các đoàn người ra mặt trận. Họ năng nổ, hăng hái giúp đỡ, chia sẻ nỗi gian lao vất vả, tận tình với những người anh em ở các tỉnh miền xa đến tham gia chiến dịch.
Ông Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên cho biết, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu, nay là tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu đã đóng góp cho chiến dịch 2.666 tấn gạo, vượt mức 64 tấn; 226 tấn thịt, vượt mức 43 tấn; 210 tấn rau xanh; huy động gần 17.000 dân công, với 568.000 ngày công; gần 450 ngựa thồ; hàng nghìn thuyền mảng, góp hơn 25.000 cây gỗ để làm đường cho xe pháo và bộ đội hành quân.
Cũng theo Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên Trần Quốc Cường, những đóng góp của đồng bào các dân tộc Điện Biên - Tây Bắc với chiến dịch Điện Biên Phủ là hình ảnh đẹp, trong sáng của tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: Báo VOV