Hành vi của Trần Văn Phương và đồng phạm được tiến hành với thủ đoạn rất tinh vi nhằm mục đích thu lợi bất chính khiến dư luận bất bình. Liên quan đến vụ việc này, nhiều người dân đặt câu hỏi: “Pháp luật hình sự quy định thế nào về việc mua bán nội tạng người? Hành vi bán và dụ dỗ người khác bán thận sẽ bị xử lý ra sao”?
Mua, bán thận là vi phạm pháp luật
Về hành vi trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hiện nay, việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người do Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” 2006 điều chỉnh. Trong đó, Điều 4 của luật này nêu rõ, nguyên tắc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là tự nguyện đối với người hiến, người được ghép; vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học và đặc biệt không nhằm mục đích thương mại.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, Điều 11 luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cũng nghiêm cấm việc mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác; Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại…
Đối tượng Trần Văn Phương và đồng phạm |
Việc hiến tặng nội tạng là hành động mang ý nghĩa nhân đạo giữa người với người. Do đó, hành vi rao bán, mua bán, quảng cáo, môi giới mua bán bộ phận cơ thể người, đặc biệt là tạng người (tim, gan, thận…) làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của việc hiến tặng, trái với đạo đức xã hội, bị pháp luật nghiêm cấm.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi mua bán bộ phận cơ thể người có thể bị xử lý hình sự về Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người theo Điều 154 BLHS 2015. Theo đó, người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Vì mục đích thương mại; Đối với từ 2-5 người; Phạm tội 2 lần trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31- 60% thì bị phạt tù từ 7-15 năm.
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Đối với 6 người trở lên; Gây chết người; hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Mua, bán bộ phận cơ thể - tội danh mới trong BLHS 2015
Phân tích về tội danh này, Luật sư Nguyễn Thị Thu cho rằng, người phạm tội có hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người bao gồm mua bán hoặc chiếm đoạt hoặc vừa chiếm đoạt vừa mua bán. Trong đó, hành vi mua bán không trực tiếp tác động lên cơ thể nạn nhân mà hoàn toàn dựa vào mục đích lợi nhuận và đối tượng của hành vi mua bán đó là mô hoặc bộ phận cơ thể người. Còn hành vi chiếm đoạt thì có thể trực tiếp tác động lên cơ thể nạn nhân để chiếm đoạt hoặc chiếm đoạt từ người khác, song không phải mọi trường hợp chiếm đoạt đều vì mục đích lợi nhuận.
Do đây là tội phạm có cấu thành vật chất nên hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hay bộ phận cơ thể là yếu tố bắt buộc khi truy cứu trách nhiệm hình sự.Tội phạm đã xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng của người khác. Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là tội danh mới lần đầu tiên được quy định trong BLHS 2015. Trước khi Bộ luật này có hiệu lực do chưa có chế tài cũng như văn bản hướng dẫn nào về việc xử lý hành vi mua bán hay môi giới mua bán bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại nên cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý.
Mặc dù hiện đã có quy định, song để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng phạm tội cần phải chứng minh được những người này có hành vi “mua bán” nghĩa là có hiến giả, bán thật, nhằm mục đích thương mại. Khi đó, người mua, bán, môi giới có thể bị xử lý hình sự với các vai trò khác nhau như chủ mưu, người thực hiện, đồng phạm. Còn với nhân viên y tế thực hiện việc lấy và cấy ghép tạng, nếu họ biết việc mua bán, môi giới mà vẫn thực hiện việc phẫu thuật để nhận thù lao sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm, còn nếu họ không biết thì không phạm tội.
Tác giả: Huệ Linh
Nguồn tin: Báo An Ninh Thủ Đô