Thể thao

Đội trưởng Nguyên Mạnh và hàng loạt trụ cột SLNA sắp sửa hết hợp đồng

Không chỉ chật vật tại giai đoạn lượt về V.League 2019 với những trận đấu đầy khó khăn phía trước, Sông Lam Nghệ An còn đối diện với những vấn đề nan giải luôn hiện hữu mỗi khi mùa giải kết thúc là vấn đề tài trợ và gia hạn cầu thủ.

"Cái khó bó cái khôn"

Để một đội bóng chuyên nghiệp của Việt Nam duy trì hoạt động và thi đấu ổn định tại V.League 2019, nguồn tài chính là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Đầu mùa V.League 2019, cứ ngỡ rằng SLNA sẽ tìm được một nhà tài trợ mới có tiềm lực tài chính. Cuối cùng, Ngân hàng Bắc Á vẫn phải tiếp tục vào cuộc với gói tài trợ thêm 1 năm, trị giá 30 tỷ đồng. Con số này rõ ràng không thể đảm bảo giúp đội bóng xứ Nghệ giữ chân được những tuyển thủ hàng đầu như Quế Ngọc Hải hay Nguyễn Trọng Hoàng. Tuy nhiên, cũng đủ giúp SLNA tạm thời có đủ kinh phí để duy trì hoạt động.

Khi mùa giải 2019 đã trôi qua được ít vòng đấu, SLNA nhận thêm một gói tài trợ mới 20 tỷ đồng từ một doanh nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, trong 20 tỷ đồng đó, 13 tỷ dùng để trả lương cho các cầu thủ và 7 tỷ đồng nằm trong quỹ thưởng cho mỗi trận hòa và thắng.

Mỗi trận đấu sẽ có một mức thưởng khác nhau thay vì cố định như trước. Theo ước chừng, con số 50 tỷ đồng/mùa giải của SLNA được cho là trung bình tại V.League, nhưng vì đội bóng gặp khó khăn, một số cầu thủ vẫn chưa nhận đủ tiền lót tay.

Trọng Hoàng là sự tiếc nuối lớn nhất của SLNA. Ảnh: Trung Kiên

Đến thời điểm này, vẫn chưa có hề một động tĩnh nào về việc SLNA sẽ có một nhà tài trợ mới và ổn định tới khi mùa giải 2019 khép lại. Còn nhớ đầu mùa, vì “việt vị” với nhà tài trợ mới nên SLNA đã thất bại trong việc đưa những cựu binh như Trọng Hoàng, Hoàng Thịnh trở về khoác áo đội bóng quê hương.

Và nỗi lo bị động trong vấn đề tài chính trước mỗi mùa giải lại hiện hữu với SLNA. Năm nay, đội bóng xứ Nghệ đã chiêu mộ tổng cộng 4 ngoại binh và đang sở hữu 3 ngoại binh. Điều này chắc chắn sẽ khiến chi phí lót tay và trả lương cho các cầu thủ tăng lên so với những mùa giải trước.

Điều đáng nói, cả 3 ngoại binh Michael Olaha, Damir Memovic lẫn Joel Vinicius đều có bản hợp đồng không quá 1 năm. Có nghĩa là cuối mùa, SLNA sẽ cần một khoản khá lớn nếu giữ chân họ hoặc chiêu mộ những cầu thủ mới. Nếu không có ngoại binh tốt, thành tích sẽ đi xuống và khó tìm nhà tài trợ và không có kinh phí như một vòng luẩn quẩn.

Đến hẹn lại lo

Khi V.League 2019 khép lại, hàng loạt cầu thủ trụ cột đáo hạn hợp đồng với đội bóng. Trong đó có Đội trưởng Nguyên Mạnh, hậu vệ Trần Đình Hoàng, tiền vệ Hồ Khắc Ngọc, Lê Thế Cường, các cầu thủ sinh năm 1994 như Võ Ngọc Toàn, Võ Ngọc Đức, Hồ Phúc Tịnh… Vấn đề nan giải ở chỗ, mùa tới những cầu thủ kỳ cựu như Quang Tình, Văn Bình hay Đình Đồng sẽ khó mà gánh vác trọng trách khi đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp.

Khắc Ngọc và các trụ cột SLNA sắp sửa hết hợp đồng. Ảnh: Đức Anh

Với lứa cầu thủ trẻ hiện tại, SLNA cũng mới chỉ đôn lên được 3 gương mặt là thủ môn Dương Văn Cường và 2 trung vệ trẻ Lê Thành Lâm, Nguyễn Bá Đức, nhưng tất cả họ đều còn quá trẻ và chưa được thử sức một phút nào.

Có nghĩa ít nhất trong vài năm tới, SLNA gần như không có cầu thủ trẻ kế cận để thay thế lớp đàn anh như truyền thống vốn có. Và bên cạnh việc giữ chân những trụ cột nói trên, muốn vực dậy, SLNA buộc phải gọi trở lại những cựu binh và cần một khoản tiền khá lớn.

Bên cạnh nỗi lo về tiền bạc, SLNA còn liên tục phải đối diện với những trường hợp chấn thương. Có 3 trường hợp đang gặp chấn thương nặng và có khả năng lỡ hẹn với giai đoạn đầu của V.League 2020 là thủ môn Lê Văn Hùng, Võ Ngọc Đức và Phan Văn Đức. Họ sẽ cần một khoảng thời gian để lấy lại phong độ, đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn.

Khó khăn chồng chất là vậy, nhưng nguồn thu của đội bóng xứ Nghệ từ vé là không đáng kể. Mỗi trận đấu, sân Vinh chỉ đón trung bình 2.000 đến 3.000 khán giả. Trong đó, gần 1/3 là vé mời và giấy mời. Nguồn thu này không đủ lấp vào nguồn chi phí khổng lồ nói trên.

Xem ra câu chuyện của SLNA không chỉ là những vấn đề về mặt chuyên môn, HLV hiện tại có phù hợp hay không, mà quan trọng nhất và đáng lo nhất vẫn là tìm đâu ra nguồn tài chính đủ mạnh và bền vững. Đến lúc đó mới mong đến chuyện thành tích và hướng tới bóng đá chuyên nghiệp./.

Tác giả: Yến Thanh

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP