Ngư dân thực hiện nghi thức "cúng thuyền" cuối năm trong khoang lái của phương tiện. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN) |
Với hơn 20km đường bờ biển, huyện Diễn Châu (Nghệ An) có 8 xã giáp biển, bãi ngang. Hàng trăm năm qua, nghề đánh bắt, khai thác hải sản đã gắn liền với ngư dân và là thế mạnh trong phát triển kinh tế nơi đây.
Trong tâm thức của ngư dân ở những “miền chân sóng” họ đã coi thuyền là ngôi nhà thứ 2. Khi các chuyến đi khơi cuối cùng trong năm khép lại, ngư dân lại tất bật, hối hả giặt sạch ngư lưới cụ, vệ sinh tàu thuyền; trang trí, điểm tô lại phương tiện và mang phẩm vật thực hiện nghi thức “cúng thuyền” trước khi nghỉ Tết dài ngày.
Theo những ngư dân ở các làng biển xóm Quyết Thắng, Chiến Thắng, Quyết Thành (xã Diễn Bích), tục cúng thuyền là nghi thức tâm linh nhằm tưởng nhớ, tri ân đến các thế hệ tiền nhân gắn bó với nghề.
Người dân gửi gắm ước nguyện về những chuyến vươn khơi bình an, cho nhiều tôm cá, cuộc sống đủ đầy, các thuyền viên mạnh khỏe, đoàn kết. Họ tỏ lòng biết ơn chiếc thuyền đã gắn bó bao năm cùng đè sóng vươn khơi và cảm tạ đến các vị thần sông, biển, luồng lạch.
Việc đưa vật phẩm lên tàu, thuyền và bày biện ra mâm cỗ có sự chung tay của nhiều người trong gia đình. Các phẩm vật cúng thuyền gồm một con gà trống luộc chín, đĩa xôi, các loại hoa quả, bánh kẹo, gạo, muối, nhang vàng. Không gian tổ chức lễ cúng thuyền có thể diễn ra ở trước mũi thuyền, giữa thuyền hoặc trong khoang lái từ 30 phút đến một giờ đồng hồ...
Khi chủ lễ kết thúc việc khấn vái, nén hương trầm cháy hết thì chủ thuyền sẽ hạ lễ, đem gạo, rượu, muối, bánh kẹo trêm mâm cúng rải xuống nước theo dọc mạn thuyền.
Các vật phẩm còn lại sẽ được bày ra trên sạp gỗ trên thuyền để thành viên trong gia đình chủ thuyền, các thuyền viên cùng chủ các tàu thuyền đậu liền kề cùng thụ hưởng. Trong không khí ấm áp, thân tình, mọi người cười nói vui vẻ, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm về nghề biển và cầu chúc những điều tốt đẹp cho nhau trong cuộc sống. Qua đó thắt chặt hơn nữa mối đoàn kết giữa các ngư dân.
Đêm về khuya, tại khu neo đậu tàu, thuyền xóm Chiến Thắng (xã Diễn Bích), sau khi thực hiện nghi thức cúng thuyền, anh Hoàng Văn Phi (xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích) chia sẻ anh nối nghiệp đi biển từ bố truyền lại đã được hơn 7 năm. Chiếc thuyền anh sở hữu có công suất 60CV, trung bình mỗi tháng anh cho thuyền đi 2 chuyến khơi, hơn 10 chuyến lộng.
Trái cây đựng đầy trong đĩa sứ, đặt trên mũi thuyền thể hiện sự thành tâm, tấm lòng rộng lượng của chủ thuyền trong lễ cúng thuyền. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN) |
Năm nay, việc cúng thuyền có vợ chồng anh, chị gái của vợ và 2 đứa con trai nhỏ tuổi cùng tham gia. Hoàn tất việc cúng thuyền, bản thân anh và mọi người đều vui vẻ, phấn chấn, an tâm và tin tưởng về những chuyến đi biển trong năm mới thu được nhiều hải sản, mang lại cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Dịp áp Tết, tiết trời tại các bến bãi, khu neo đậu tàu thuyền trên sông Lạch Vạn se lạnh và lất phất mưa. Nhịp sống trong khu dân cư làng biển đã yên ắng nhưng trên các bến bãi, khu neo đậu tàu thuyền, hoạt động cúng thuyền của ngư dân vẫn diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính.
Ông Nguyễn Văn Nam, xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An cho biết: Nghề đi biển đã gắn bó với ông từ thời ông vừa mười tám, đôi mươi. Khi đó, phương thức đi biển đánh bắt hải sản còn thủ công, thuyền chạy bằng hệ thống cột, buồm nhờ sức gió. Khi còn là “liền em” đảm nhận công việc bếp núc, chăm lo từng bữa ăn cho các thành viên trên thuyền, ông đã chứng kiến tục cúng thuyền được thực hiện mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Ngoài tục lệ cúng thuyền, ngư dân còn tạo lập nên những phong tục đẹp, gửi gắm vào đó những ước nguyện, niềm tin về những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió, cập bến chở nặng cá, tôm đầy khoang như: tục nhúng giã đầu năm, mở cửa biển lấy may bắt đầu cho một mùa khai thác; tục thờ cúng cá Ông… Các phong tục này đã phản ánh thái độ ứng xử hài hòa của ngư dân đối với môi trường sông nước, biển cả.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Diễn Bích Nguyễn Văn Liên thông tin Diễn Bích là xã thuần ngư. Nghề đánh bắt hải sản của ngư dân đã tồn tại hơn 100 năm nay. Từ năm 1994, ngư dân chuyển đổi, hoán cải và sử dụng máy móc vào khai thác hải sản.
Toàn xã hiện có hơn 130 tàu, thuyền, trong đó có hơn 50 phương tiện có công suất từ 90CV trở lên chuyên khai thác, đánh bắt hải sản ở những ngư trường vùng khơi. Từ tháng 11 (âm lịch) ngư dân địa phương đồng loạt ra khơi. Nhờ những chuyến ra khơi mang lại hiệu quả kinh tế, tích lũy được tài chính mà ngư dân phấn khởi đón Tết.
Sau những chuyến ra khơi cuối cùng của năm, ngư dân sẽ quét dọn, trang trí tàu, thuyền, giặt giũ, phơi phóng ngư lưới cụ và thực hiện nghi lễ cúng thuyền. Qua Tết, sau các lễ thức "nhúng giã" lấy ngày đẹp, "mở cửa biển" cầu may, ngư dân sẽ tiếp tục vươn khơi bám biển.
Huyện Diễn Châu (Nghệ An) có nhiều bến bãi neo đậu tàu thuyền, trong đó tập trung nhiều phương tiện tàu, thuyền nhất là các điểm bến cá Chiến Thắng, Quyết Thắng (xã Diễn Bích), bến cá Châu Thủy, cảng cá Diễn Ngọc (xã Diễn Ngọc)...
Đây là những bến bãi nằm trên sông Lạch Vạn, đấu nối với cửa biển Lạch Vạn- một trong 6 cửa lạch có quy mô lớn của Nghệ An. Hàng chục năm qua, hai xã Diễn Bích, Diễn Ngọc luôn đứng đầu về số lượng tàu, thuyền khai thác hải sản trên toàn huyện. Hiện, tổng số phương tiện tàu, thuyền của 2 xã này có hơn 500 chiếc, năm 2023, sản lượng hải sản khai thác đạt gần 50.000 tấn./.
Tác giả: Xuân Tiến
Nguồn tin: vietnamplus.vn