Hà Nội FC dần mất vị thế
Năm 2009, Hà Nội FC thăng hạng V.League. Chỉ một năm sau, đội bóng thủ đô lên ngôi vô địch. Sau 2 mùa giải 2011 và 2012 xếp á quân, Hà Nội FC lại đăng quang. Vòng lặp lại diễn ra sau đó. Chấp nhận 2 lần về nhì dưới Bình Dương ở các năm 2014 và 2015, đội bóng được đầu tư bởi bầu Hiển đòi lại ngôi vô địch vào năm 2016.
Đỉnh cao của Hà Nội FC nằm ở mùa giải 2018 và 2019. Đó là thời điểm lứa cầu thủ do đội bóng thủ đô đào tạo như Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Đức Huy, Duy Mạnh,… đạt phong độ cao nhất từ cấp CLB đến ĐTQG. Bên cạnh đó, họ cũng tuyển mộ những ngoại binh chất lượng cao như Oseni, Moses Oloya hay Pedro Paulo, Bruno Cunha.
![]() |
Hà Nội FC là biểu tượng của V.League với 6 chức vô địch. |
Nhờ vậy, không chỉ chinh phục Cúp Quốc gia, Hà Nội FC còn liên tiếp ngự trị ở ngôi số 1 V.League trong 2 mùa giải liên tiếp kể trên. 3 năm sau, đội bóng này có lần thứ 6 đăng quang ở giải đấu số 1 Việt Nam. Con số ấy đủ giúp Hà Nội FC trở thành đội bóng giàu thành tích nhất giải VĐQG nói chung và V.League nói riêng trong lịch sử.
Xuyên suốt hành trình 16 mùa giải cho đến trước V.League 2024/25, Hà Nội FC luôn là đội bóng hàng đầu, là ứng viên cho chức vô địch mỗi mùa giải. Chưa bao giờ xuyên suốt gần 2 thập kỷ qua, Hà Nội FC trải qua 3 mùa giải liên tiếp trắng tay tại V.League. Tuy nhiên, nguy cơ ấy lại đang hiện diện với đoàn quân đang được lãnh đạo bởi ông Đỗ Vinh Quang, con trai thứ nhà bầu Hiển.
Ở 2 mùa giải gần nhất, Hà Nội FC lần lượt chứng kiến CLB Công an Hà Nội và Nam Định đăng quang tại V.League. Giới mộ điệu đội bóng thủ đô tin rằng sau quãng thời gian lùi về sau, CLB này sẽ vùng lên mạnh mẽ tại V.League 2024/25. Tuy nhiên, câu chuyện không diễn ra như vậy. Ngay ở lượt đi, Hà Nội FC đã thay tới 2 HLV cùng 6 ngoại binh. Điều đó cũng bắt nguồn từ màn trình diễn thiếu thuyết phục của đội chủ sân Hàng Đẫy suốt 12 vòng đấu.
Cho tới hiện tại, Hà Nội FC đứng đứng thứ 5, với 7 điểm kém hơn Nam Định - đội tạm xếp đầu bảng giải đấu. Vấn đề của Hà Nội FC trong giai đoạn vừa qua là họ để hoà quá nhiều. Trong 12 lượt đấu vừa rồi, đội bóng này hoà tới 5 trận, đồng nghĩa mất tới 10 điểm khi ganh đua với các CLB khác. Nên nhớ, cả mùa giải 2023/24, với 26 vòng đấu, Hà Nội FC chỉ hoà đúng 4 lần. Mùa giải trước đó, khi Hà Nội FC đứng á quân sau CLB Công an Hà Nội, suốt 26 vòng khi ấy, đội bóng này cũng chỉ hoà đúng 4 lần.
Nội lực chênh vênh
Ngoại diên của câu chuyện Hà Nội FC không đạt phong độ cao trong 12 vòng đấu vừa qua tại V.League là vậy. Nhưng nó cũng bắt nguồn từ nội tại không đủ tốt của đội bóng thủ đô. Nên nhớ chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, Hà Nội FC đã thay tới 9 lượt HLV trưởng. Nhưng đổi lại, CLB này chỉ có đúng 3 danh hiệu (bao gồm 1 chức vô địch V.League).
Sự thiếu hiệu quả ở vị trí HLV trưởng cũng diễn ra ở mùa giải năm nay. HLV trẻ tuổi Lê Đức Tuấn chưa đủ bản lĩnh và tầm vóc để dẫn dắt một CLB lớn như Hà Nội. Điều đó buộc đội bóng thủ đô phải thay tướng giữa dòng ngay ở ngày cuối cùng của năm Giáp Thìn 2024. Nhưng sự xuất hiện của HLV giàu kinh nghiệm Hoàng Văn Phúc vẫn là chưa đủ để Hà Nội FC “đổi vận”.
Chuyện HLV trưởng chỉ là 1 trong 2 vấn đề nội tại của Hà Nội FC, không chỉ ở mùa giải năm nay mà xuyên suốt những năm trước đó. Đấy là câu chuyện lực lượng. Phải thừa nhận rằng, đội bóng thủ đô đã thiếu đi những ngoại binh mang tính biểu tượng, góp phần tạo nên thành công trong quá khứ. Chưa bao giờ CĐV Hà Nội FC lại cần một cầu thủ “Tây” đẳng cấp như Caue Benicio, Cristiano Roland, Gonzalo, Hoàng Vũ Samson, Pape Omar hay chí ít là Rimario hay Oseni như ở thời điểm này.
Nên nhớ, ở 3 trong 6 mùa giải vô địch V.League, Hà Nội FC đều sở hữu các tiền đạo đạt danh hiệu Vua phá lưới. Có thể kể đến như cặp bài trùng Gonzalo cùng Hoàng Vũ Samson (năm 2013), Oseni (năm 2018), Pape Omar (2019). Ngoài ra, ở 2 mùa giải 2014 và 2020, dù không vô địch nhưng Hà Nội FC vẫn có 2 đại diện là chân sút xuất sắc nhất giải. Đó là Hoàng Vũ Samson và Rimario.
Ngoài ngoại binh, Hà Nội FC từng tự hào với lực lượng nội binh chất lượng nhất V.League. Thành công của những lần vô địch V.League trong 6 mùa giải trước đó đến từ phong độ ấn tượng của loạt tuyển thủ quốc gia như Dương Hồng Sơn, Lê Công Vinh, Nguyễn Ngọc Duy (2010), Sỹ Cường, Thành Lương, Quốc Long (2013), Văn Quyết, Ngọc Đức (2016), Quang Hải, Hùng Dũng, Đình Trọng (2018, 2019) hay Tuấn Hải, Việt Anh, Văn Hậu (2022)…
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nội binh của Hà Nội không còn duy trì được vị thế số 1 V.League. Dù vẫn sở hữu một số tuyển thủ Việt Nam nhưng chất lượng và đẳng cấp lại khó thể sánh bằng so với CLB Công an Hà Nội hay Nam Định - những đội bóng đã chi nhiều tiền của để nâng tầm lực lượng trong 2 năm gần đây. Với Hà Nội FC, Duy Mạnh, Văn Quyết hay Hùng Dũng đã ở phía bên kia sườn dốc sự nghiệp. Thái Quý, Đình Hai, Xuân Mạnh, Văn Toàn, Hai Long, Thành Chung và Tuấn Hải chưa thể bứt phá thành nội binh hàng đầu V.League. Trong khi đó, Văn Tùng, Văn Trường, Văn Chuẩn, Xuân Tú vẫn sống trong ký ức của những tài năng trẻ…
Loạn chuyển nhượng ngoại binh Một vấn đề mà người hâm mộ Hà Nội dễ nhìn thấy trong 3 mùa giải trở lại đây là việc chiêu mộ ngoại binh thiếu hiệu quả. Thực tế, điểm khác biệt của Hà Nội với nhiều CLB khác tại V.League trong một thời gian dài là họ luôn chiêu mộ được những ngoại binh trình độ cao, có thể đi đường dài với CLB trong nhiều năm. Tuy nhiên thời gian qua, Hà Nội FC không giữ ngoại binh nào quá 1 mùa giải. Tính từ V.League 2023 cho đến nay, đội bóng thủ đô chiêu mộ tới… 18 cầu thủ “Tây” ở tất cả các vị trí trải dài 3 tuyến. Có thể kể đến như Mirlan Murzayev, William Henrique, Lucao (V.League 2023), Denilson, Ewerton, Joel Tagueu, Tim Hall, Brandon Wilson, Caion, Marcao, Le Tallec, Jevtovic (V.League 2024), Daniel Passira, Luka Bobicanec, Joao Pedro, Keziah, Chidi Kwem, Jaha (V.League 2024/25). Nhưng không một cầu thủ ngoại nào ghi 10 bàn thắng/mùa giải. Gần nhất, một ngoại binh của Hà Nội FC ghi trên 10 bàn đã diễn ra từ V.League 2020. Khi đó, Rimario có 12 pha lập công và trở thành đồng vua phá lưới của giải. |
Tác giả: An Khánh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân