Kinh tế

Điện mặt trời: Nguồn giải cứu cho các dự án điện chậm tiến độ

Trước những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia và cộng đồng xã hội nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách tháo gỡ và đã đạt được kết quả vượt bậc. Có thể khẳng định, song hành với trách nhiệm không thể phủ nhận thành tích.

Với cơ chế khuyến khích, điện mặt trời đã có bước phát triển đột phá trong năm 2019

Vì sao điện mặt trời phát triển nhanh?

Theo tính toán cân đối cung cầu điện cho từng giai đoạn đến 2025 và 2030, Bộ Công Thương đã cập nhật tiến độ phát triển các nguồn điện đến thời điểm hiện tại, tính đến nguy cơ chậm tiến độ các nguồn điện quan trọng trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh (phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2016) như Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1, chuỗi điện khí Lô B và Cá Voi Xanh…

Với các kịch bản đưa ra, sau năm 2020 đến 2023 khả năng thiếu điện là rất lớn khoảng từ 1,5 – 5 tỷ KWh. Khu vực có nguy cơ thiếu hụt điện năng tập trung tại miền Nam. Để đảm bảo cân đối cung cầu điện, Bộ Công Thương cũng đề xuất các giải pháp tổng thể, trong đó có tăng cường phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo vì khả năng thực hiện nhanh. Theo đó, giai đoạn 2021-2023, cần bổ sung thêm khoảng 6,3 GW điện mặt trời và 1,2 GW điện gió so với số lượng đã được bổ sung quy hoạch, nâng tổng quy mô công suất đến năm 2023 khoảng 16,9 GW đối với điện mặt trời (chiếm 15,2% tổng công suất nguồn) và khoảng 6,0 GW điện gió (chiếm 5,6% tổng công suất nguồn). Đối với kịch bản chậm trễ thêm các dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (T6/2022+T12/2022) và Long Phú 1 (T1/2025+T6/2025) cần bổ sung thêm 8 GW điện mặt trời và 2,2 GW điện gió. Trong đó nguồn điện gió và mặt trời bổ sung quy hoạch cần phải lựa chọn các dự án nằm tại hệ thống điện miền Nam và gần trung tâm phụ tải, thì mới có thể vào vận hành kịp tiến độ năm 2021-2023.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay cần tập trung giải quyết đầu tiên là hệ thống truyền tải để giải quyết giải toả công suất các dự án điện năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời tập trung ở khu vực miền Trung. Bởi lẽ, thời gian xây dựng các dự án điện mặt trời rất nhanh, chỉ khoảng 6-12 tháng; trong khi lưới điện truyền tải không thể xây dựng đồng bộ vì thời gian đầu tư lưới điện 220 kV tối thiểu 3 năm, lưới 500 kV từ 4-5 năm).

Các thông tin về nguy cơ thiếu điện, tình trạng thực hiện các dự án điện, đặc biệt là các khó khăn do vướng các quy định của pháp luật đã được Bộ Công Thương cập nhật thường xuyên, báo cáo chi tiết và gửi đến Chính phủ, các đại biểu Quốc hội trước kỳ họp.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề các dự án điện mặt trời vượt mục tiêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội năng lượng Việt Nam - cho biết: Thực tế theo Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì mục tiêu đặt ra rất cao, song để phù hợp với hiện trạng hạ tầng lưới điện nên trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (năm 2016) đã điều chỉnh xuống con số thấp hơn.

Trong Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ghi rõ: “Tăng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo tăng từ khoảng 58 tỷ kWh năm 2015 lên đạt khoảng 101 tỷ kWh vào năm 2020, khoảng 186 tỷ kWh vào năm 2030 và khoảng 452 tỷ kWh vào năm 2050. Tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050”.

Trong đó, đối với định hướng phát triển nguồn điện gió:

- Giai đoạn đến năm 2030, ưu tiên phát triển nguồn điện gió trên đất liền; nghiên cứu phát triển nguồn điện gió ngoài khơi, trên thềm lục địa từ sau năm 2030.

- Sản lượng điện sản xuất từ nguồn điện gió tăng từ khoảng 180 triệu kWh năm 2015 lên khoảng 2,5 tỷ kWh vào năm 2020; khoảng 16 tỷ kWh vào năm 2030 và khoảng 53 tỷ kWh vào năm 2050. Đưa tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn điện gió trong tổng sản lượng điện sản xuất từ mức không đáng kể hiện nay lên đạt khoảng 1,0% vào năm 2020, khoảng 2,7% vào năm 2030 và khoảng 5,0% vào năm 2050.

Đối với nguồn năng lượng mặt trời:

- Phát triển điện mặt trời để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia và khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa chưa thể cấp điện từ nguồn điện lưới quốc gia. Điện năng sản xuất từ năng lượng mặt trời tăng từ khoảng 10 triệu kWh năm 2015 lên khoảng 1,4 tỷ kWh vào năm 2020; khoảng 35,4 tỷ kWh vào năm 2030 và khoảng 210 tỷ kWh vào năm 2050. Đưa tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng mặt trời trong tổng sản lượng điện sản xuất từ mức không đáng kể hiện nay lên đạt khoảng 0,5% vào năm 2020, khoảng 6% vào năm 2030 và khoảng 20% vào năm 2050.

- Phát triển các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp nhiệt cho các hộ gia đình; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Tổng năng lượng mặt trời cung cấp nhiệt tăng từ 1,1 triệu TOE năm 2020 lên khoảng 3,1 triệu TOE năm 2030 và 6,0 triệu TOE năm 2050.

Còn tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, mục tiêu đặt ra về điện mặt trời là: “Đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên Khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện mặt trời chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% năm 2020, khoảng 1,6% vào năm 2025 và khoảng 3,3% vào năm 2030”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Vy, việc một số đại biểu cho rằng quy hoạch điện mặt trời bị phá vỡ là không khách quan. Bởi trên thực tế, các dự án được Chính phủ, Bộ Công Thương hay các địa phương phê duyệt đều đã được bổ sung Quy hoạch theo đúng quy định của Nhà nước và đáp ứng được yêu cầu phát triển thực tế của ngành năng lượng quốc gia.

Sở dĩ trong năm 2019, số lượng các dự án tăng vọt, đạt công suất khoảng 4.500 MW vì hai nguyên nhân: Thứ nhất là do chính sách giá hấp dẫn; Thứ hai là quy định thời gian hưởng ưu đãi (30/6/2019) do đó các nhà đầu tư đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án.

Thêm vào đó, do các dự án điện than vào chậm, Nhiệt điện Thái Bình, Long Phú, sông Hậu vào chậm, đáng ra trước năm 2020. Nên Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt nhanh để bù đắp vào nguồn điện thiếu hụt vì chỉ có nguồn điện năng lượng tái tạo mới xây dựng nhanh và bù đắp được.

Trả lời các đại biểu về vấn đề phát triển năng lượng mặt trời trong phiên chất vấn mới đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nêu rõ, tại thời điểm ban hành cơ chế khuyến khích (Quyết định 11), chúng ta cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất lớn trong năm 2019 và năm 2020.

“Chính vì vậy điện mặt trời và điện tái tạo, trong đó có cả điện gió được coi là những nguồn năng lượng bổ sung để đáp ứng được các yêu cầu của phát triển. Với cơ chế 11 này, chúng ta đã phát huy được trên thực tế. Tính đến hết ngày 30/6/2019, tức là khi cơ chế giá điện của Quyết định 11 hết hiệu lực Việt Nam đã có tới gần 4.900MW điện mặt trời được hoàn tất và đưa vào vận hành, đóng góp một nguồn rất lớn cho việc bổ sung nguồn điện trong năm 2019” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Khi các dự án vào đã góp phần bổ sung nguồn điện quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nhiều dự án trong quy hoạch điện VII chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện theo kế hoạch đề ra.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thăm một dự án năng lượng mặt trời trong chuyến làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận nhằm tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh

Cần đánh giá khách quan

Đối với ý kiến cho rằng, giá điện mặt trời khá cao so với nguồn năng lượng khác cũng cần đánh giá một cách khách quan hơn. Thực tế là điện mặt trời chỉ cao hơn giá của thuỷ điện, tương đương nhiệt điện than, còn so với điện khí, điện dầu thì còn thua xa. Việc tạo cơ chế khuyến khích về giá chỉ trong một giai đoạn chứ không phải toàn thời gian. Bằng chứng là Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi Quyết định 11, dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới đây.

Thực tế cho thấy, cả một thời gian dài, với cơ chế giá thấp cùng các điều kiện khác đã không thể khuyến khích được điện năng lượng tái tạo phát triển.

Đối với vấn đề giá mua điện mặt trời, Bộ Công Thương đã báo báo Chính phủ và sau đó phối hợp với các tư vấn quốc tế để nghiên cứu các điều kiện thực tiễn của thế giới về công nghệ cũng như về yêu cầu cho phát triển điện và đối chiếu với thực tiễn của Việt Nam để xây dựng cơ chế giá đảm bảo khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư.

Thực tế đã cho thấy, cơ chế hỗ trợ giá cố định đối với các dạng năng lượng tái tạo do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã tạo động lực phát triển tốt thị trường công nghệ mới về năng lượng tái tạo ở Việt Nam, cụ thể: Tạo động lực phát triển tốt thị trường công nghệ mới về năng lượng tái tạo ở Việt Nam, thúc đẩy hiệu quả thị trường mới bắt đầu và còn non trẻ, gia tăng nhanh chóng lượng công suất lắp đặt điện từ năng lượng tái tạo trong thời gian ngắn; Huy động mạnh mẽ nguồn tài chính trong nước, ngân hàng trong nước tham gia cho vay các dự án điện năng lượng tái tạo; Các nhà đầu tư trong nước, công ty thiết kế, xây dựng, lắp đặt, ngân hàng trong nước... tích lũy kinh nghiệm trong các hoạt động đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo; Thúc đẩy thị trường sản xuất thiết bị điện mặt trời trong nước như tấm quang điện, các thiết bị điện, dây cáp điện, tủ bảng điện...; Khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp, thậm chí đang bỏ hoang; Nâng cao nhận thức của người dân đối với các nguồn điện năng lượng tái tạo, huy động nguồn vốn trực tiếp từ người dân tham gia đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Theo ông Nguyễn Tiến Vy, việc không giải toả được công suất điện mặt trời 100% do hệ thống truyền tải chưa đáp ứng được là hoàn toàn khách quan và các chủ đầu tư vào các dự án điện mặt trời đã được Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cảnh báo trước khi thực hiện dự án. Và có lẽ trong cam kết mua bán điện đã đề cập đến vấn đề huy động điện mặt trời. Do đó các Chủ đầu tư phải lường trước được những rủi ro này. Để giải quyết vấn đề truyền tải, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản 1891/TTg-CN ngày 27 tháng 12 năm 2018 đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh bổ sung quy hoạch các dự án lưới điện giải tỏa công suất các dự án điện năng lượng tái tạo.

"Đại biểu Quốc hội - đại diện cho cử tri - phản ánh những ý kiến của cử tri là đúng, tuy nhiên cũng cần có nghiên cứu để nhìn nhận, đánh giá khách quan hơn" - ông Nguyễn Văn Vy đề cập.

Bộ Công Thương khuyến khích phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo trên cơ sở phù hợp với hạ tầng lưới điện truyền tải

Giải pháp rõ ràng cho phát triển điện năng lượng tái tạo

Với trách nhiệm quản lý ngành năng lượng, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế nhằm đề xuất các chính sách phù hợp trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai. Theo đó cần xét đến mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo cần đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống nhằm tích hợp và giải tỏa công suất nguồn điện. Yêu cầu về nâng cấp và mở rộng hệ thống điện, bổ sung các giải pháp kiểm soát hệ thống, dịch vụ phụ trợ nhằm đảm bảo huy động tối đa nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời vận hành ổn định và an toàn hệ thống.

Về chính sách khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo cần được rà soát, xem xét đảm bảo tiến tới dựa trên điều kiện thương mại thị trường. Đặc biệt, cần có sự thống nhất trong quản lý từ trung ương đến địa phương trong công tác quản lý quy hoạch phát triển điện, quản lý đầu tư, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Đối với vấn đề quy hoạch, Bộ Công Thương đang phối hợp triển khai và có những hướng dẫn cụ thể để đảm bảo việc phối hợp tổ chức quy hoạch tích hợp cũng như tiếp thu các quy hoạch bổ sung các dự án mới sẽ đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng có những tiêu chí bổ sung, trong đó đánh giá về những tính khả thi, hiệu quả cũng như một số nguyên tắc pháp lý khác. Trên cơ sở rút kinh nghiệm thực tiễn phát triển điện mặt trời, điện gió và năng lượng tái tạo trong thời gian qua, Bộ sẽ tiếp tục cụ thể hóa trong hướng dẫn cho các địa phương để đảm bảo quy trình công khai, minh bạch, khả thi và hiệu quả, đúng cơ sở pháp luật để đảm bảo việc xây dựng quy hoạch mới, quy hoạch tích hợp của quốc gia cũng như quy hoạch các địa phương để đảm bảo phát triển năng lượng.

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành nghiên cứu và tham mưu để báo cáo với Chính phủ và báo cáo với Quốc hội cho phép sửa đổi một số nội dung trong các luật, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Điện lực để từ đó cụ thể và làm rõ ràng cơ chế mới cho phép tiếp tục đa dạng hóa các nguồn đầu tư của xã hội vào phát triển hệ thống truyền tải điện mà cụ thể là các đường dây truyền tải ở các cấp độ, kể cả đường dây 500KV, để từ đó chúng ta có cơ chế và có biện pháp cụ thể để khai thác nguồn lực này” – Tư lệnh ngành Công Thương nêu giải pháp.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế như WB, USAID, GIZ... nghiên cứu cơ chế phát triển năng lượng tái tạo dự kiến áp dụng sau năm 2021. Theo đó, đưa ra phương án giá theo vùng và cơ chế đấu thầu đảm bảo sự công bằng minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án năng lượng tái tạo và lưới truyền tải.

Đối với vấn đề truyền tải, giải toả công suất điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành nghiên cứu và tham mưu để báo cáo với Chính phủ và báo cáo với Quốc hội cho phép sửa đổi một số nội dung trong các luật, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Điện lực. Như vậy sẽ cụ thể hóa và làm rõ ràng cơ chế mới cho phép tiếp tục đa dạng hóa các nguồn đầu tư của xã hội vào phát triển hệ thống truyền tải điện mà cụ thể là các đường dây truyền tải ở các cấp độ, kể cả đường dây 500KV. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đầu tư xã hội hóa trong các vấn đề về truyền tải điện nhưng không đánh mất vai trò của nhà nước.

Ngay sau khi kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, chiều 11/11/2019, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị có liên quan để đánh giá hiện trạng, đồng thời đề ra giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện trọng điểm. Tại cuộc họp, Bộ Công Thương cũng đã giành thời gian đánh giá hiện trạng, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho vấn đề giải toả công suất từ các nhà máy điện mặt trời, đề xuất giải pháp định hướng, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu các đơn vị cần đánh giá từng dự án, phân tích các vướng mắc, khó khăn và giải pháp cụ thể để báo cáo Chính phủ. Đồng thời cập nhật các phương án cân đối cung cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội từng năm và cả giai đoạn trung hạn, dài hạn trên cơ sở các kịch bản nguồn điện đang, sẽ triển khai.

Công ty Cổ phần Hekinan

Địa chỉ 75, Tôn Thất Tùng, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An

Là đơn vị hàng đầu về nhập khẩu, phân phối, thi công trực tiếp các sản phẩm pin, hệ thống điện mặt trời và các thiết bị mặt trời khác tiên tiến hàng đầu hiện nay của các nước Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản …

Đơn vị còn cung cấp dịch vụ lắp đặt, sửa chữa điện dân dụng. Thiết bị điện dân dụng, công nghiệp hàng đầu, đảm bảo chất lượng.

Mọi chi tiết xin liên hệ: Website: http://hekinansolar.com

Tư vấn trực tuyến:

Hotline: 02386 293 293 - 0944 517 686 – 0945 84 6776

Page: https://www.facebook.com/HekinanSolar/

Tác giả: Đình Dũng

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP