Trong nước

Diện kiến “thần y” đang khiến chị em hiếm muộn phát cuồng

Muốn có mụn con, cả ngàn người đã đến cậy nhờ “thần y” này bắt bệnh, bốc thuốc. Không biết khả năng đến đâu nhưng giờ, trên mạng xã hội, “thần y” này tiếng nổi như cồn.


Thấy chồng phán bệnh, vợ "thần y" Nguyễn Văn Luấn cũng vào phụ họa.

“Thần y” nức tiếng

Ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành phụ cận, những gia đình gặp khó khăn về đường con cái chắc hẳn đều biết đến tiếng tăm “bác sĩ” Nguyễn Văn Luấn ở Yên Mỹ, Hưng Yên.

“Bác sĩ” Luấn nổi tiếng trên mạng xã hội. Nhiều trang mạng xã hội, “các mẹ bỉm sữa” đều mở diễn đàn, bàn tròn để thảo luận, ngợi ca khả năng siêu phàm của vị “thần y” này.

Theo “các mẹ” trên mạng thì “bác sĩ” Luấn chỉ khám bệnh, bốc thuốc vào 3 ngày là Thứ Năm, Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Những ngày khác phòng khám của “bác sĩ” cửa đóng then cài im ỉm.

Những ngày đón khách, phòng khám đông nghìn nghịt. Người tứ xứ đổ về đứng ngồi ngả ngốn.

“Bác sĩ” Luấn chẩn đoán bệnh chỉ bằng phương pháp bắt mạch. Theo nhiều người, chỉ cần sờ cổ tay là “bác sĩ” biết người đến cầu cứu mình đang có tình trạng sức khỏe thế nào, khả năng có con hay không.

Tuy nhiên, phần lớn là sau cái bắt mạch ấy là lời hứa sẽ có con, thậm chí có con theo ý muốn miễn là chi tiền mua thuốc, uống thuốc theo chỉ dẫn.

Ngôi biệt thự nơi "thần y" Nguyễn Văn Luấn bốc thuốc, chữa bệnh hiếm muộn, vô sinh.

Muốn có nhiều thời gian tiếp xúc với người đang là “thần tượng” của những cặp hiếm muộn ấy, chúng tôi quyết định về tìm “thần y” vào ngày mà phòng khám của ông ta không mở cửa.

Và, để hiểu rõ hơn về tài năng bắt mạch đoán bệnh của vị “thần y” này chúng tôi đã mang theo một bộ hồ sơ khám chữa vô sinh của một cặp vợ chồng quê ở Nghệ An.

Cặp vợ chồng này lấy nhau đã hơn chục năm mà vẫn chưa có con. Họ đã đi chữa hiếm muộn ở nhiều nơi và hồ sơ chúng tôi cầm là kết luận còn nóng hôi hổi của các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Theo địa chỉ trên mạng, chúng tôi tìm về thôn Chi Long, xã Ngọc Long. Tuy nhiên, hỏi dân địa phương thì người ta bảo, “bác sĩ” Luấn không làm việc ở đây nữa.

“Ông ấy chuyển lên thị trấn lâu rồi, lên khu Chợ Mới ấy. Ông ấy xây biệt thự 4 tầng to lắm, khám bệnh ở đó luôn đấy”, một người dân ở thôn Chi Long chỉ đường.

Vòng ra thị trấn, hỏi thăm thì ai cũng chỉ tận tình. Đúng như mọi người nói, nhà “bác sĩ” Luấn to ngất ngưởng. Thị trấn giàu có này ít nhà sánh kịp.

“Nổ” tơi bời!

Chiều ấy, “bác sĩ” Luấn ở nhà. Thấy chúng tôi trình bày ở mãi Nghệ An ra nên “bác sĩ” đã nhận lời thăm khám sau giờ nghỉ trưa.

Như cơ quan nhà nước, hết giờ trưa chúng tôi lại tìm vào. “Bác sĩ” Luấn chỉ chúng tôi xuống khu nhà ngang ngay cạnh ngôi biệt thự. Đó mới là nơi “bác sĩ” Luấn tác nghiệp.


Đồng nghiệp của chúng tôi vào vai ông chồng hiếm muộn để "bác sĩ" Luấn bắt bệnh (Ảnh cắt từ Clip)

Phòng khám của “bác sĩ” Luấn bài trí đơn giản. “Bác sĩ” Luấn ngồi dựa vào tường, phía dưới bức chân dung thần y Hải Thượng Lãn Ông. Trên bàn làm việc có tấm biển màu xanh ghi đầy đủ “Lương y Nguyễn Văn Luấn”.

Sở dĩ mọi người quen gọi là “bác sĩ Luấn” bởi nhiều lần ông khoe ông là bác sĩ của Bệnh viện Quân Y 103 và làm việc tại khoa… hỗ trợ sinh sản.

Hôm ấy, anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi vào vai người chồng hiếm muộn, dù thực tế anh này đã có con và thuộc dạng… đi qua đầu giường là vợ có mang.

Ngồi khám, liếc qua những xét nghiệm ở của Bệnh viện Phụ sản Trung ương chúng tôi mang theo, nghĩ đồng nghiệp tôi đi cùng vợ nên “bác sĩ” Luấn gọi: “Cháu gái vào đây xem nào!”.

Khi biết đồng nghiệp chúng tôi đi một mình, “thần y” đã nhanh chóng đổi giọng: “Tử cung này đã đẻ lần nào chưa, sao tử cung lại lỗ chỗ thế này, trước khi yêu đã nạo thai lần nào chưa?”.

Thấy đồng nghiệp của tôi tỏ vẻ bối rối, “bác sĩ” Luấn bồi tiếp: “Tử cung không bao giờ có lỗ chỗ chỉ lấm chấm chứ lỗ chỗ thế này thì phải xem lại.

Lỗ là thủng, tử cung này đã bị nạo thai, dụng cụ đã bị va quệt, có thể do người ta đưa cả cái mỏ vịt vào để phá thai nên mới bị thế này.

Nếu vợ cháu chưa chửa đẻ, chưa phá thai lần nào thì phải xem lại. Như này là nguy hiểm đấy, không bao giờ chửa được!

Tử cung là hệ thống rỗng, phẳng, là nơi kích thích để hưng phấn, lỗ chỗ thế này kích thích làm sao được”.
“Chém gió” phụ họa theo kết quả xét nghiệm của bệnh viện một hồi nhưng khi nhận sự lo lắng xen lẫn tuyệt vọng của bạn tôi thì “thần y” đã vội dừng lại.

Có lẽ ông ta nhận thấy cần phải gieo cho khách hàng của mình hi vọng thì mới mong… bán thuốc nên “thần y” đã vội trấn an: “Vợ cháu bị nấm chứ không phải lỗ đâu, bác nghĩ thế. Lỗ chỗ thì vứt đi, chỉ còn cách thay tử cung”.

Cũng trên tờ kết quả siêu âm ấy, liếc thấy bác sĩ kết luận là “theo dõi quá sản” “thần y” cũng không bỏ qua cơ hội trổ tài nổ tiếp. Tuy nhiên, cách ông ta giải thích kết luận này hết sức… buồn cười.

“Đây này, theo dõi quá sản, nó ghi rõ rồi đây này. Nó ghi rõ thế này có nghĩa là theo dõi… kết quả của sinh sản. Quá là gì, quá là kết quả. Nó không ghi kết quả mà là quá. Bọn này chửa làm thầy mà đã ăn bớt (ăn bớt chữ- PV)”, “thần y” phán.

Nghe “bác sĩ” Luấn phán vậy chúng tôi đã suýt sặc cười. Ông ta không biết rằng trước khi tới đây, chúng tôi đã tìm hiểu “quá sản” là gì. Nó không phải là “kết quả” như “thần y” huyên thuyên mà đơn giản chỉ là chứng bệnh liên quan đến tử cung.
Xem những kết quả xét nghiệm này "bác sĩ" Luấn cứ thỏa sức ba hoa.

Luyến thoắng một hồi “thần y” lại giở tập kết quả xét nghiệm mà chúng tôi mang tới. Đang đăm chiêu thì bất chợt “thần y” hỏi: “Trước vợ cháu điều trị ở đâu chưa?”.

“Vợ cháu điều trị ở nhiều nơi rồi ạ”, đồng nghiệp của chúng tôi trả lời. Có lẽ kết quả chụp chiếu từ hồ sơ xét nghiệm quá rõ ràng nên “bác sĩ” Luấn đã quên mất lời động viên “vợ cháu chỉ bị nấm” khi nãy.

“Điều trị ở chỗ nào mà nó xử lý lỗ chỗ ở tử cung là đúng đây này, hình ảnh đây này”, chỉ vào tờ phiếu xét nghiệm “bác sĩ” Luấn phán.

Phán xong câu ấy thì “thần y” lại giật mình và lát sau ông ta lại chữa cháy: “Trường hợp của vợ cháu không phải là lỗ chỗ mà là nấm. Nấm này nó lây ấy mà”.

Trong lúc “khám bệnh” cho đồng nghiệp tôi, “bác sĩ” Luấn không quên khoe mình từng là bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 103 vừa nghỉ hưu năm ngoái.

Bắt mạch “bắt” được cả... HIV!

Bắt mạch cho đồng nghiệp tôi, người đã có gia đình và có cậu con trai giống mình như tạc, “bác sĩ” Luấn phán luôn: “Cháu không có tinh trùng sống. Cháu bị quai bị từ bé.

Nếu ngày xưa cháu yêu thì không cô nào có thai được, cô nào nói có thai với cháu là nói điêu”.

Phán thế, nhưng khi nhìn vào tờ kết quả xét nghiệm thấy có ghi “tỷ lệ tinh trùng sống là 55%” thì “thần y” lại nhanh chóng đổi giọng và cho rằng tinh trùng của đồng nghiệp tôi bị… âm.

Nhìn vào kết quả trên tờ xét nghiệm, “thần y” lại trổ tài chém gió, tuy nhiên, lại thêm một lần nữa chúng tôi phải nín cơn cười.

“Đây này, của cháu tinh trùng sống là 55%, nhưng tinh trùng cụt đầu là 66%, thế là âm 11% rồi còn gì”, “bác sĩ” Luấn… giải thích!

Tuy nhiên, nhìn vào tờ phiếu xét nghiệm của BV Phụ sản Trung ương thì 66% ấy phải được hiểu là tinh trùng có đầu chứ không phải là “cụt như con thạch thùng mất đầu” như lời của “bác sĩ” Luấn ra sức giảng giải.

Ba hoa một thôi một hồi về kết quả xét nghiệm ấy như sực nhớ ra lời mình vừa phán khi “bắt mạch” cho đồng nghiệp tôi, “bác sĩ” Luấn kết luận: “Cái nơi này (BV Phụ sản Trung ương- PV) nó ký là ký tắt, nó không xem kỹ kết quả cho cháu.

Đây là kết quả sai, chắc là do cô sinh viên thực tập nó ký. Đáng ra thấy sai thì phải làm lại, đây thì không cần biết, chỉ biết thu tiền thôi”, “bác sĩ” Luấn phán chắc như đinh.


"Thần y" Nguyễn Văn Luấn khẳng định chỉ cần bắt mạch là có thể tìm ra HIV.

Thấy “bác sĩ” Luấn nói toàn những thứ “không còn hi vọng” gì về mình, anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi ra vẻ lo lắng, hoang mang. Tuy nhiên, “bác sĩ” Luấn đã trấn an: “Ở đây có thuốc nuôi từ không không luôn, không phải suy nghĩ!”.

“Nhưng anh phải sử dụng thuốc theo sự chỉ dẫn, sử dụng đúng thì nó nhanh, sử dụng sai thì nó lâu thôi”, “bác sĩ” Luấn tiếp tục động viên.

Kê đơn thuốc, “bác sĩ” Luấn bảo: “Bác sẽ cho cháu thuốc uống để cháu tự nuôi tinh tử để khi xét nghiệm có đủ tinh trùng để sinh hoạt. Thế chứ, thế mới siêu quốc tế chứ!”.

Đang ghi những dòng chữ không ai có thể luận vào cuốn sổ bệnh phô tô giống như sổ khám ở bệnh viện, như chực nhớ ra điều gì, “bác sĩ” Luấn lại tiếp tục “bắt mạch” cho đồng nghiệp của tôi.

“Tim, gan, phổi bình thường, không HIV gì nhé!”, “bác sĩ” Luấn phán sau cái “bắt mạch” qua loa.

“Bắt mạch mà cũng biết được là có HIV cơ ạ?”, thấy “thần y” nói vậy, tôi vội vàng hỏi.

“Biết chứ, kể cả là nghiện, biết và tống cổ khỏi chỗ này ngay. Ở đây có cả thuốc chữa được cả lậu, HIV cho cả nam và nữ”, “thần y” khẳng định.

(Còn nữa)

Tác giả bài viết: Nhóm Phóng viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP