“Địa chỉ tin cậy” không chỉ giúp chị em tạm lánh khi bị bạo lực gia đình mà còn là cầu nối giúp nạn nhân nâng cao kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình
Ngôi nhà trở thành “địa chỉ tin cậy” phải là nơi an toàn, chủ hộ phải là người có uy tín, đồng thời có kiến thức pháp luật cũng như năng lực hỗ trợ nạn nhân khi bị bạo lực…thường các địa chỉ tin cậy được bố trí tại các nhà của công an viên.
Nghĩa Tân là đơn vị đầu tiên được chọn điểm về xây dựng mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng của Hội LHPN Nghĩa Đàn. Xã đã xây dựng với mục tiêu “địa chỉ tin cậy” phải có mối quan hệ chặt chẽ với tổ hòa giải tại địa phương để vai trò của địa chỉ tin cậy không chỉ là nơi lánh nạn mà là nơi hòa giải, tuyên truyền pháp luật đến các gia đình có bạo lực.
Ở xóm Tân Hồng, xã Nghĩa Tân, được sự vận động của hội LHPN xã, ông Nguyễn Văn Sâm - Nguyên Bí thư Đảng ủy xã được chọn làm địa chỉ tin cậy. Là người có uy tín nên ông Nguyễn Văn Sâm cùng các ban ngành trong xóm đã giúp cho một số chị em thoát khỏi bạo lực và xây dựng gia đình hạnh phúc. Ông Sâm chia sẻ: Được lựa chọn là địa chỉ tin cây, khi có nạn nhân bị bạo lực đến thì gia đình hết sức giúp đỡ, đầu tiên là nơi ăn chốn ở, tiếp là động viên tuyên truyền để chị em biết thêm về pháp luật, thứ ba là làm sợi dây gắn kết của các gia đình nạn nhân. Cũng có nạn nhân sang lánh nạn ba bốn lần mà nguyên nhân do chồng rượu chè, về chửi bới đánh đập vợ nhưng được sự giúp đỡ của hội LHPN xóm, tổ hòa giải tại địa chỉ tin cậy nên người chồng đã thấy cái sai của mình mà bỏ tật đánh đập vợ.
Nhận thức của người dân trong xóm Tân Hồng, xã Nghĩa Tân về bạo lực gia đình cũng thay đổi theo hướng tích cực, trong năm vừa qua, không có bạo lực gia đình xẩy ra. Để công tác phòng chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả chi hội phụ nữ ở xóm thường xuyên tổ chức tuyên truyền các kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình, bình đăng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, vận động chị em xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả… Vì vậy, Tân Hồng đã trở thành điểm sáng về xây dựng mô hình địa chỉ tin cậy cũng như phát triển kinh tế, ở đây gần 100 % các hộ phát triển mô hình gà sinh học có hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng coa thu nhập, ổn định cuộc sống, làm giảm tình trạng bạo lực gia đình.
Phụ nữ dân tộc thiểu huyện Nghĩa Đàn số được tiếp cận với chính sách pháp luật ngay tại gia đình
Hiện nay, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có hơn 130 địa chỉ tin cậy, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình. Thời gian đầu mới thành lập, nhiều địa chỉ tin cậy gặp không ít khó khăn khi không nhận được sự hợp tác của các gia đình, đặc biệt là các ông chồng có hành vi bạo hành, tuy nhiên, bằng uy tín, sự kiên trì thuyết phục mà nhiều địa chỉ tin cậy đã trở thành nới gắn kết của các cặp vợ chồng.
Bà Nguyễn Thị Nhung - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: Phòng chống bạo lực gia đình là vấn đề được hội quan tâm, trong những năm qua hội LHPN huyện Nghĩa Đàn đã thành lập các câu lạc bộ, sau đó là các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, các địa chỉ tin cậy không chỉ là nơi trú ẩn an toàn mà còn nâng cao hiểu biết pháp luật cho chị em cũng như các ông chồng, cũng vì thế mà tình trạng bạo lực gia đình đã giảm hẳn. Trong thời gian tới, Nghĩa Đàn tiếp tục nhân rộng các mô hình địa chỉ tin cậy, đặc biệt ở các xã vùng sâu vùng xa để giảm bớt tình trạng bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bạo lực gia đình.
Tác giả bài viết: Đinh Thùy - Đài Nghĩa Đàn
Nguồn tin: