Trong bảng xếp hạng 76 quốc gia được công bố bởi OECD vào tháng 5/2015, Singapore dẫn đầu và sau đó là Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Bảng xếp hạng này dựa trên khả năng toán học và khoa học của học sinh 15 tuổi. Anh và Mỹ đứng sau các nước châu Á ở thứ hạng 20 và 28.
Một tiết khoa học tại trường cấp 2 Admiralty ở bắc Singapore.
Học sinh ở trường Admiralty đang tham gia một khóa học quân sự sau giờ học chính thức.
Các chính phủ trên thế giới đang tìm hiểu và tiếp thu nền giáo dục của Singapore, rồi kết hợp với đặc thù của nước mình để giảng dạy toán học và khoa học hiệu quả hơn. Gần đây, Anh quốc đã thông báo rằng một nửa trường tiểu học ở Anh sẽ giảng dạy toán học theo mô hình của Singapore. Nước này đã phải chi 41 triệu bảng để đào tạo giáo viên và thay đổi sách giáo khoa.
Nền giáo dục Singapore phát triển khả năng của học sinh như thế nào? Và làm cách nào các nước khác sẽ tiếp cận nền giáo dục này?
Ba em học sinh Tan Jin Teng, Diya Harish, Sie Yu Chuah – là ba trong số các học sinh ưu tú ở trường.
Bảng xếp hạng khả năng toán học và khoa học của học sinh 15 tuổi tại các quốc gia trên thế giới. Singapore đứng đầu danh sách này, Việt Nam xếp hạng thứ 12.
Singapore là một quốc gia nhỏ bị bao quanh bởi Malaysia và các quần đảo của Indonesia. Nó đã từng thuộc liên bang Malaysia trước khi giành độc lập vào năm 1965. Chính những điều này đã tạo nên tâm lý bị 'lấn át' bởi các quốc gia láng giềng, tạo nên nỗi sợ hãi và niềm tự hào ăn sâu vào tâm trí của người dân.
Nền giáo dục của Singapore được tạo nên trong thời gian ngắn. Dưới thời gian quản lý của Anh quốc, giáo dục chỉ dành cho con cái gia đình giàu có. Những người Trung Quốc, Mã Lai và Tamil nhập cư hầu hết không biết chữ. Sau khi giành được độc lập, Thủ tướng Lý Quang Diệu thực hiện mở rộng giáo dục cho mọi đối tượng.
Giáo dục nên gắn liền với lợi ích kinh tế. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, các sinh viên khi ra trường đều tìm được việc làm ngay lập tức, đó là những việc làm mà trong xã hội đang thiếu nhân lực.
Một buổi sáng thường nhật ở trường Admiralty. Tâm lý bị các nước láng giềng 'lấn át' khiến học sinh càng tự hào hơn về quốc gia của họ.
Toán học và Khoa học là hai bộ môn chính được giảng dạy suốt cấp tiểu học cũng như trung học ở Singapore. “Phương thức Singapore” được phát triển bởi một đội ngũ giáo viên trong những năm 1980, họ được giao nhiệm vụ tạo ra tài liệu giảng dạy chất lượng cao cho Bộ Giáo dục.
Nhóm nhà giáo này đã đi đến nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản và Canada để so sánh các phương pháp giảng dạy. Trọng tâm của phương pháp là chuyển đổi cách thức học vẹt, tập trung vào lý thuyết thành cách giải quyết vấn đề trong thực tế.
Phương pháp học tập trải qua 3 giai đoạn: sự liên tưởng đến vật thể thực tế, học qua hình ảnh, và thông qua các biểu tượng. Lý thuyết này góp phần nhấn mạnh cách giảng dạy của Singapore trong ngành toán học với giáo cụ trực quan: sử dụng các khối màu để đại diện cho phân số hoặc tỷ lệ.
Lấy thí dụ ở trường Admiralty, ngôi trường cấp 2 nằm ở phía bắc Singapore. Trong tiết học toán sau giờ ăn trưa, giáo viên mời học sinh ra khỏi chỗ ngồi, kích thích sự tò mò của trẻ. Sau đó, mời một em lên giải toán nhằm tạo nên bầu không khí đối đầu vui vẻ.
Một học sinh giải bài toán nhưng dường như chưa chắc chắn về đáp án, nên chạy lên và sửa lại, tuy nhiên, một học sinh khác ở dưới lớp liền nói to lên rằng “Vẫn còn sai!”. Khoảng thời gian gần cuối của tiết toán, học sinh sẽ có một bài kiểm tra nhỏ. Họ trả lời câu hỏi trên máy tính bảng, rồi ngay sau đó màn hình máy tính sẽ hiển thị số câu trả lời đúng hay sai.
Một cậu học sinh với niềm vui cùng với cánh tay cầm chiếc máy tính bảng vẫy vẫy, ra hiệu đã hoàn thành bài kiểm tra khá nhanh. Màn hình chiếc máy hiện lên một biểu đồ tròn bao trùm bởi màu xanh lá cây, hầu như cậu ta đã trả lời đúng toàn bộ số câu hỏi. Ngay sau đó, cả lớp dành cho cậu bé một tràng vỗ tay.
Hình 1: Xếp hàng có trật tự đi vào lớp. Hình 2: Các mạch điện tử là sản phẩm khoa học của học sinh. Hình 3: Học sinh đang làm bài kiểm tra. Hình 4: Áp dụng các công nghệ hiện đại để học tập.
Tuy nhiên, hình thức giảng dạy này từng chịu nhiều lời chỉ trích do quá gò bó học sinh. Nhận thấy cần phải thay đổi, chính phủ Singapore đã đưa ra những cải cách mới cho nền giáo dục nước nhà.
Singapore đang chủ trương chính sách “dạy ít hơn, học hỏi nhiều hơn” để đề cao việc tư duy độc lập và khuyến khích học sinh theo đuổi niềm đam mê của mình. Số lượng bài tập về nhà được cắt giảm nhiều, thay vào đó học sinh sẽ có nhiều thời gian và có cơ hội lựa chọn đối tượng mình sẽ nghiên cứu.
Cách giáo dục mới khiến học sinh có cái nhìn tích cực hơn về toán học. Họ sẽ không bao giờ nghĩ rằng “em là một học sinh dốt toán”, vì mỗi đứa trẻ sẽ học toán tốt hơn với sự tự tin từ giáo viên các các trang thiết bị hỗ trợ học tập.
Một lớp học wushu, phiên bản hiện đại của môn võ Thiếu Lâm cổ truyền.
Học sinh có thể tự do bày tỏ ý kiến, trình bày những quan điểm, vẽ các bức tranh hay dựng các mô hình để chứng minh sự hiểu biết của mình về thế giới xung quanh. Giáo viên và phụ huynh được khuyến khích nên khen ngợi học sinh vì những nỗ lực, sự tìm tòi và kiên trì trong việc giải quyết vấn đề, chứ không chỉ dựa vào kết quả đúng sai. Xây dựng sự tự tin bằng cách xem xét sai lầm là giá trị để học tập.
Biến toán học thành những điều gần gũi bằng cách biến cuộc sống hàng ngày trở thành một cuộc trò chuyện toán học. Thí dụ: Có bao nhiêu chiếc xe đang đậu trên đường khi chúng ta đang đi bộ đến trường? Tìm nhiều cách để giải quyết một vấn đề. Đề cao sáng tạo hơn là nỗ lực theo con đường cũ.
Tác giả bài viết: Quang Niên