Ngày 18/4, UBND tỉnh Nghệ An thông qua Đề án thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, từ 412 đơn vị hành chính cấp xã sẽ còn 130 đơn vị gồm 11 phường, 119 xã. Về đặt tên phường, xã mới do cấp huyện trình phương án có 16/20 huyện, thị và thành phố cơ bản lấy tên cấp huyện hiện tại kèm số thứ tự từ 1,2,3…ở sau. Ví dụ: Thành phố Vinh được chia thành các phường Vinh 1 đến Vinh 5 và phường Cửa Lò. Huyện Nghi Lộc được chia thành các xã từ Nghi Lộc 1 đến Nghi Lộc 7,...Phương án này cũng đang được nhiều tỉnh, thành phố lựa chọn như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Thuận, Quảng Ngãi...
![]() |
Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh (Nghệ An) |
Ông Ngô Nhật Lân, trú tại phường Cửa Nam, TP Vinh (Nghệ An) cho biết, khi biết thực hiện chủ trương không tổ chức cấp huyện, thành phố Vinh sẽ thành lập 6 phường mới, với dự kiến đặt tên từ Vinh 1 đến Vinh 5 thì ông cảm thấy buồn.
"Tôi thấy buồn vì những tên gọi mới này, trừ phường Cửa Lò thì còn lại đều lạ lẫm, khô cứng, mất đi những tên địa danh nổi tiếng đã rất nhiều năm gắn kết với lịch sử của không chỉ thành phố Vinh, không chỉ tỉnh Nghệ An mà cả lịch sử của đất nước như Trung Đô, Bến Thủy, Hưng Dũng... Tại sao thành phố Vinh không chọn các địa danh nổi tiếng đã đi cùng năm tháng, gắn với lòng dân để đặt tên cho phường, xã mới?", ông Lân đặt vấn đề.
Trên trang facebook cá nhân của mình, ông Nguyễn Văn Thông, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An bày tỏ: "Chúng ta khá thống nhất với nhau về nguyên tắc, tiêu chí để đặt tên đơn vị hành chính như: Tên đơn vị hành chính thường hàm chứa trong nó/hoặc xuất phát từ nét riêng có về vị trí địa lý; mang yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống; nhiều khi cái tên còn là sự gửi gắm cho quá trình phát triển phía trước…Mặc dù dễ dàng thống nhất với những điều đã nói ở trên nhưng thực tế còn có sự lúng túng khi áp dụng những nguyên tắc, tiêu chí đó để giải quyết từng tình huống cụ thể và gây ra quá nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng, trong xã hội".
Theo ông Thông, tâm lý muốn hạn chế “xung đột” quan điểm, tránh tranh cãi phức tạp, chọn cách an toàn khi đặt tên của một số cấp, ngành, cơ quan có thẩm quyền là có thật. Điều này dẫn đến tình huống mà theo ông nghĩ đã làm cho việc đặt tên xa rời các nguyên tắc cơ bản.
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An cũng nhấn mạnh, nhiều khi thanh danh của một đơn vị cấp huyện chưa hẳn là do tên của huyện đó quyết định mà là do nó được tạo ra bởi các thành tố tạo nên nó. Chẳng hạn, có ai dân Vinh hình dung ra tình huống Vinh mà không có "Phượng Hoàng Trung Đô, không có Trường Thi, không có Bến Thuỷ, Cầu Rầm, Cổng Chốt, Cửa Nam, Làng Đỏ…? Nếu không có những thành tố trên chắc cũng sẽ không có “Vinh ngày nay”.
"Vậy khi đã không thể giữ được nguyên vẹn với tư cách là một Thành phố thì chúng ta cho Vinh hóa thân trở lại vào những thành tố đã tạo nên sự vinh quang của nó có hay hơn là cố giữ từ “Vinh” rồi gắn với những con số khô khan, không có hồn?", ông Thông nêu quan điểm.
Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ (Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương) chia sẻ những băn khoăn khi huyện Yên Thành (Nghệ An), nơi ông sinh ra chọn phương án đặt tên xã mới là xã Yên Thành từ 1 đến 9 khi bỏ huyện, sáp nhập các xã. Theo ông, việc đặt tên các xã mới của Yên Thành cần suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn sao cho hợp lý, hợp tình. Không nên dùng "ký hiệu học" bằng chữ số và cũng không nên lấy phụ tố Nam, Bắc, Tây, Đông... đặt phía sau địa danh Yên Thành (Yên Thành 1, Yên Thành 2 hay Yên Thành Bắc, Yên Thành Nam….).
![]() |
Một góc huyện Yên Thành (Nghệ An) |
Đặt tên một đơn vị hành chính cấp xã, phường, cần lấy góc nhìn lịch sử, văn hóa, tâm lý xã hội mà soi chiếu, mà suy nghĩ và làm theo. Với huyện Yên Thành, ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng nên dùng tên các tổng lớn thời xưa để đặt tên cho các xã lớn bây giờ, như Quỳ Trạch, Quan Hóa, Vân Tụ, Quan Trung, Vân Hội... Các tổng xưa có diện tích và dân số tương đương bây giờ và điều trùng hợp này cũng khá thú vị.
Vừa qua, TP.HCM cũng đã lấy ý kiến nhân dân, mời các chuyên gia ở Trung ương cùng lãnh đạo và các chuyên gia của thành phố góp ý cách đặt tên các phường, xã. Trong buổi tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có lời khen về cách đặt tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp của TP.HCM khi đã giữ lại các địa danh cũ từng ăn sâu trong tiềm thức của người dân. Bởi theo Tổng Bí thư, khi nhắc đến Gia Định, Chợ Lớn, An Đông, Hóc Môn, Bà Điểm... người ta hình dung ra ngay, nhận diện ra ngay vùng đất đó.
"Đặt tên đơn vị hành chính không đơn thuần chỉ mang tính quy ước để phân biệt thực thể hành chính này với thực thể hành chính khác, rằng cùng với thời gian chúng ta sẽ dần quen các tên mới, do đó, không cần cầu toàn quá. Tiếp cận như vậy là chúng ta rơi vào chủ nghĩa giản đơn, làm mất đi hồn cốt của một khái niệm chứa đựng khá đậm các yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống, các yếu tố tự nhiên, xã hội, dân tộc và đặc biệt là yếu tố đem đến cho con người ta động lực, sức mạnh từ niềm tự hào về quá khứ cũng như sự kỳ vọng vào tương lai", ông Nguyễn Văn Thông, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An nêu quan điểm.
Theo Quyết định 759/QĐ-TTg ban hành ngày 14/4/2025 về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nguyên tắc đầu tiên để xác định tên gọi là việc đặt tên cho đơn vị hành chính (ĐVHC) sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa. Ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các ĐVHC trước khi sáp nhập để đặt tên cho ĐVHC hình thành mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý liên quan đến ĐVHC cấp tỉnh.
Tên gọi của ĐVHC mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.
Việc đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của ĐVHC cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự là nguyên tắc thứ 5 trong Quyết định này. Bên cạnh đó còn có một số nguyên tắc khác như tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân địa phương; góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và tinh thần đoàn kết của nhân dân đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp...
Như vậy, theo quy định hiện hành thì không bắt buộc các địa phương phải đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp theo cách đánh số thứ tự. Việc này là do chính quyền địa phương tự quyết dựa trên ý nguyện của dân.
Mặc dù thời gian nộp đề án lên Trung ương không còn nhiều nhưng thiết nghĩ các địa phương cần lắng nghe ý kiến người dân và dư luận xã hội để điều chỉnh cách đặt tên xã, phường cho phù hợp, đảm bảo "tầm nhìn trăm năm".
Tác giả: Bá Thăng
Nguồn tin: Báo VOV