|
Trao đổi với PV Báo Điện tử VOV nhân kỷ niệm 55 thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, TS Chu Đức Tính - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng, bản Di chúc của Bác với khoảng 1.000 từ là rất cô đọng, súc tích, nhưng có thể gọi là một bản tổng kết lịch sử, đồng thời có định hướng tương lai.
|
|
PV: Là người đã dành tâm sức cho công tác nghiên cứu, sưu tầm các kỷ vật, tài liệu… về Chủ tịch Hồ Chí Minh, TS có cảm xúc và ấn tượng như thế nào khi lần đầu đọc bản Di chúc của Người?
TS. Chu Đức Tính: Năm Bác mất, tôi 15 tuổi và đang học cấp 3 trường huyện. Tôi lúc đó đã đủ nhận thức và tình cảm để hiểu sâu sắc nỗi lo của cả một dân tộc khi nghe tin lãnh tụ Hồ Chí Minh từ trần.
Chúng tôi cứ lo khi Bác mất rồi thì ai sẽ đủ tài, đủ tầm, đủ sức để thay Bác, nhất là khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra rất ác liệt ở hai miền Nam, Bắc. Sau đó, tôi lớn dần lên cùng với nhận thức của mình và hiểu rằng chúng ta còn có cả một đảng được Bác dày công rèn luyện để tiếp tục sự nghiệp của Bác.
Tôi được đọc Di chúc của Bác khi anh chủ nhà tôi ở trọ học cấp 3 - là một người nông dân, hàng tháng vẫn mang tre và giang về Hà Nội bán cho các hàng mây tre đan, đã mua về tờ báo Nhân Dân đăng Di chúc của Người.
Hồi đó chỉ có 2 phương tiện mà người dân có thể tiếp cận thông tin là đài và báo. Nhưng không phải nhà ai cũng có đài để nghe. Tôi vẫn nhớ, tờ báo đó còn nguyên mùi mực in. Tờ báo đó đã tiếp tục truyền tay nhau đọc đến khi trang báo mòn rách.
Khi đọc Di chúc của Bác tôi vô cùng xúc động. Trong di chúc, Bác nhắc đến mơ ước thắng lợi và hòa bình.
Lần đầu đọc bản Di chúc của Bác, tâm trí tôi lúc đó là nuốt từng lời, từng chữ. Đến giờ khi nghĩ lại tôi vẫn vô cùng xúc động.
|
PV: Hoàn cảnh và quá trình viết Di chúc của Bác có gì đặc biệt, thưa ông?
TS. Chu Đức Tính: Với 55 năm nhìn lại, chúng ta thấy rõ hơn về bối cảnh ra đời của bản Di chúc. Thứ nhất là bối cảnh trong nước, với miền Bắc và miền Nam vẫn tạm thời chia làm hai phe. Khi đó đế quốc Mỹ đã đưa chiến tranh ra cả miền Bắc và trong miền Nam quân giải phóng miền Nam cũng đang tiến công mãnh liệt. Cuộc chiến đấu lúc đó rất gay go, nhất là chúng ta có những tổn thất rất lớn sau năm Mậu Thân 1968.
Còn thế giới đang chia làm hai phe nhưng phe chống lại đế quốc lại có rạn nứt ngày càng sâu sắc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Hai nước lớn và hai đảng lớn là Liên Xô và Trung Quốc từ chỗ ủng hộ đến mang quân đội cấp sư đoàn áp sát biên giới.
Trong bối cảnh như vậy, cuộc kháng chiến chống Mỹ trong nước phải làm sao phát huy được ngọn cờ dân tộc, đồng thời kêu gọi đoàn kết quốc tế là vấn đề cực khó. Và bản Di chúc đã ra đời trong hoàn cảnh này.
Khi nhìn lại, bản Di chúc của Bác với khoảng 1.000 từ là rất cô đọng, súc tích nhưng có thể gọi là một bản tổng kết lịch sử, đồng thời có định hướng tương lai. Trong bản Di chúc, Bác không bỏ quên một việc gì và không bỏ quên một người nào.
Chỉ có hơn 1.000 từ thôi, nhưng Bác đã đưa vào Di chúc tất cả tình cảm đối với Đảng, với dân tộc, với nhân dân và bè bạn quốc tế. Bác nhắc đến mọi nhà, nhắc đến mọi người, nhắc đến mọi công việc và thể hiện một tình thương bao la đối với tất cả nhân dân.
|
PV: Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành những lời đầu tiên để nói về Đảng? Chắc chắn đây cũng là điều trăn trở lớn nhất của Người?
TS. Chu Đức Tính: Là người thành lập Đảng, là người theo dõi và tổ chức hoạt động của Đảng, là người gắn bó máu thịt với Đảng nên Bác trăn trở rất nhiều trong Di chúc, đưa trăn trở của cả cuộc đời mình vào Di chúc.
Bác nói ngay trong Di chúc là sau giải phóng miền Nam, việc đầu tiên là phải chỉnh đốn lại Đảng. Chúng ta đã từng giải phóng một nửa nước năm 1954, khi đó Bác gặp bộ đội tại Đền Hùng và nhắc anh em khi về tiếp quản Hà Nội “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
|
Bác cũng đã cảnh báo “những viên đạn bọc đường” mà chế độ cũ để lại có thể mê hoặc, làm ảnh hưởng đến phẩm chất của các cán bộ, đảng viên. Năm 1954, Bác đã nhìn thấy điều này và đến năm 1968 khi viết Di chúc, điều quan tâm đầu tiên của Bác là vấn đề xây dựng Đảng. Bản viết lại năm 1969, Bác cũng nhấn mạnh xây dựng Đảng phải là xương sống. Bác đã đặt vào đây tất cả niềm tin yêu của mình và bộc lộ cả nỗi lo, nỗi trăn trở. Làm sao để Đảng tiếp tục giữ được phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng, chất vừa hồng vừa chuyên.
Cái trăn trở của Bác thể hiện trong từng con chữ của bản Di chúc. Bác dặn chúng ta phải đặc biệt đoàn kết, phải thống nhất, phải gìn giữ như gìn giữ con ngươi của mắt mình. Để đoàn kết, thống nhất thì phải phát huy và giữ vững nguyên tắc sinh hoạt Đảng, nguyên tắc đoàn kết thống nhất, nguyên tắc phê bình tự phê bình, nguyên tắc tập trung dân chủ.
Những điều này được Bác nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Di chúc. Ngay trong đoạn ngắn mà Bác đã nhắc lại nhiều lần chữ “thật”- “thật sự trong sạch, thật sự cần kiệm liêm chính, thật sự chí công vô tư...”.
|
PV: Trong Di chúc, Bác dặn lại “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Hơn nửa thế kỷ qua, Đảng ta đã thực hiện ước nguyện này thế nào, thưa ông?
TS. Chu Đức Tính: Sau công tác xây dựng Đảng, điều thứ hai Bác quan tâm chính là chăm lo cho con người. Bác dặn Đảng sau giải phóng miền Nam phải chăm lo cho con người, chăm lo cho lực lượng bộ đội, những chiến sĩ trẻ, chăm lo cho người nông dân. Chăm lo những người vất vả nhất trong cuộc kháng chiến, cũng như mọi tầng lớp xã hội. Trong đó, có chăm lo cho gia đình thương binh liệt sĩ và ngay cả những người của chế độ cũ. Bác dặn đừng để họ bên lề xã hội và phải giáo dục, đào tạo họ để họ trở thành con người lương thiện.
Những thành tựu chúng ta đạt được chính là điện, đường, trường, trạm. Đó là những con đường cao tốc, khu công nghiệp, khu đầu tư được mở ra và giải quyết công ăn việc làm cho người đến tuổi lao động, để có cuộc sống hôm nay như một lời tuyên ngôn rất hay của Chính phủ là “không để ai bị tụt lại phía sau”.
So với giai đoạn sau giải phóng, GDP của đất nước đã tăng trưởng hàng trăm lần. chúng ta có dự trữ ngoại hối, có kinh phí để tập trung nguồn lực cho việc phát triển kinh tế xã hội và để chăm lo cho đời sống của nhân dân. Xét về chăm lo cho con người, tôi cho rằng, đây là một thành tựu rất lớn mà Đảng ta đã đạt được khi thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ảnh: Lê Việt Khánh |
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với mục tiêu của Đại hội XIII và khát vọng phát triển đất nước?
TS. Chu Đức Tính: Di chúc của Bác Hồ là bàn về định hướng tương lai. Bác dặn chúng ta phải xây dựng một xã hội mới, một xã hội phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không khác so với khát vọng phát triển do Đại hội XIII đề ra. Khát vọng phát triển chính là cụ thể hóa Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do vậy, càng thực hiện tốt khát vọng phát triển, chúng ta càng làm tốt, làm đúng lời dạy của Bác.
Điều lớn nhất của Di chúc là tư tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong đó, Bác dặn chúng ta phải đi lên chủ nghĩa xã hội, phải xây dựng một chế độ xã hội dân chủ, ấm no, phồn vinh, hạnh phúc. Xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta tự xây dựng bằng lao động, bằng trí óc, bằng sự đoàn kết, phấn đấu tập thể dưới sự lãnh đạo của Đảng. Điều chúng ta đang làm hôm nay là điều Bác mong muốn trong Di chúc, là sự minh họa thực hiện Di chúc của Bác.
Tôi thấy rằng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá rất hay về thành tựu của đất nước ta trong năm qua: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Theo tôi, đây là sự tổng kết hết sức nghiêm túc và khi nói câu này chắc chắn cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhớ đến những điều Bác dạy về xây dựng Đảng.
Khi nhìn nhận một cách tỉnh táo, chúng ta đang trong cơn bão rất lớn của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống suy thoái. Chỉ trong thời gian rất ngắn thôi, 47 vị lãnh đạo do Trung ương quản lý bị kỷ luật. Đây là một điều đáng lo. Lo nhưng mà không sợ, lo trong bước trưởng thành thực sự.
|
Đảng ta đang làm đúng điều Bác dạy là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh dựa trên những nguyên tắc bất di, bất dịch, tập trung dân chủ, phê bình, tự phê bình, đoàn kết thống nhất. Chúng ta làm đúng điều Bác dặn thì mới xây dựng được Đảng hôm nay - một đảng đang đứng trước hàng núi công việc nặng nề của một đảng cầm quyền.
Ngày xưa, đất nước ta chỉ có mấy chục triệu dân nhưng giờ đây có 100 triệu dân. Trước đây, chúng ta chỉ có nền công nghiệp và nông nghiệp hết sức đơn giản. Giờ đây, con em chúng ta ở thời đại công nghệ 4.0, đối diện với bao nhiêu thuận lợi nhưng đồng thời có bấy nhiêu thách thức. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi nghĩ rằng, chúng ta có được cơ đồ như hôm nay là chính vì chúng ta đang làm đúng điều Bác dạy trong việc xây dựng Đảng thực sự trong sạch, để thực sự làm tốt, thực hiện tốt vai trò của đảng cầm quyền.
PV: Xin cảm ơn ông!
|
Tác giả: Lê Hoàng | Trình bày: Hà Phương
Nguồn tin: Báo VOV