“Đôi khi, sâu sắc cũng không được!”, một thí sinh của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã chia sẻ như vậy sau khi đọc đáp án và thang điểm chính thức môn Ngữ văn do Bộ GD&ĐT công bố hôm 10/7.
Thực tế, không chỉ sĩ tử này, một số giáo viên, học sinh cũng chưa hài lòng với đáp án môn thi tự luận.
Đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1. Ảnh: Thanh Đức. |
"Đáp án và thang điểm chưa hợp lý"
TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng điểm bất hợp lý đầu tiên nằm ở phần Đọc hiểu. Hai câu 1 và 2 chiếm đến dành 50% quỹ điểm (1,5 điểm) dù thí sinh chỉ cần chép đúng hai câu đầu và cuối đoạn ngữ liệu cho sẵn. Yêu cầu này quá thấp so với thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.
Cùng ý kiến, thầy T.Đ., giáo viên dạy Văn ở Hà Nội, nhận xét biểu điểm cho hai câu đầu trong phần Đọc hiểu đang rộng so với yêu cầu đề bài. Theo thầy, với yêu cầu chép lại thông tin đã có trong văn bản mà học sinh tiểu học, THCS cũng làm được, hai câu này nên chiếm quỹ điểm ít hơn, khoảng 0,5 điểm.
Ngoài ra, thầy T.Đ. đánh giá câu 3 phần Đọc hiểu còn mơ hồ trong cách hỏi và khiên cưỡng, áp đặt trong đáp án. Trong khi đó, TS Trịnh Thu Tuyết đánh giá có nghịch lý trong câu hỏi và đáp án bộ đưa ra.
Đề đưa ra đoạn trích trong ngữ liệu (Một ông lão băng qua cây cầu [...] cậu con nhỏ đang chơi bắt bóng) và yêu cầu thí sinh trình bày những câu văn đó giúp các em hiểu gì về dòng chảy của nước và cuộc sống con người.
Đáp án có 3 ý, gồm dòng chảy của nước chậm rãi, hiền hoà; cuộc sống của con người thanh bình, yên ả; dòng chảy của nước và cuộc sống con người gắn bó, hài hòa.
Theo cô Tuyết, đoạn văn đúng là gợi sự thanh bình yên ả của cả nước và cuộc sống. Nhưng nếu từ câu đọc hiểu này, học sinh tự rút cho mình thông điệp như đáp án, các em sẽ chạm phải nghịch lý khi trong thực tế, cuộc sống cũng như dòng sông, luôn nối tiếp cả êm đềm và ghềnh thác.
“Cắt khúc một đoạn văn rồi yêu cầu học trò nhận xét theo hướng êm đềm hài hòa, những học trò có tư duy phản biện sắc sảo sẽ bức bối, khó chịu vì cảm giác áp đặt. Những học sinh ngoan hiền yên tâm về dòng đời êm ả (như bài thi). Sự yên tâm sẽ khiến các em phải trả giá đau đớn khi gặp ghềnh thác”, cô Tuyết nêu quan điểm.
Cô cho rằng nếu vẫn cho đoạn văn cắt khúc ấy, đề nên hướng tới nhận xét điểm giống nhau giữa dòng chảy của nước và cuộc sống con người theo gợi ý quen thuộc của Heraclitus - "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Cuộc sống như dòng sông, luôn trôi chảy với cả sự vĩnh hằng và thay đổi.
Đến phần Nghị luận văn học, cả hai giáo viên đều chưa thỏa mãn với đáp án.
Cụ thể, thầy T.Đ. cho rằng đáp án cần chi tiết, chặt chẽ hơn. Ví dụ, đề yêu cầu nhận xét về vẻ đẹp nữ tính như một đặc điểm nổi bật của phong cách thơ Xuân Quỳnh, nhưng đáp án lại chưa làm rõ được đặc điểm nổi bật ấy. Đáp án mới chỉ nêu chung chung.
Trong khi đó, TS Trịnh Thu Tuyết đánh giá cả phần cảm nhận về đoạn thơ và nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh đều chưa đề cập tới một nét rất “nữ tính” và rất “Xuân Quỳnh”. Đó là những dự cảm lo âu, bất ổn ngay trong đằm thắm, khát khao…
Thí sinh dự thi môn Ngữ văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1. Ảnh: Việt Linh. |
Mong có sự điều chỉnh để thí sinh không thiệt thòi
Thầy T.Đ. cho rằng nếu giáo viên dựa vào vào đáp án do Bộ GD&ĐT đưa ra để chấm điểm Ngữ văn, việc chấm thi không có gì khó khăn. Nếu có, ban chấm thi sẽ tự điều chỉnh được.
Tuy nhiên, với đáp án như vậy, học sinh giỏi Văn sẽ có phần thiệt thòi khi không được bày tỏ chủ kiến của mình, dù lập luận của các em có thể rất thuyết phục.
Chúng ta đang hướng đến tôn trọng sự khác biệt nhưng lại áp đặt quan điểm bằng hình thức đưa ra một đáp án, một phương án trả lời. Nếu giám khảo cứng nhắc, học sinh sẽ rất thiệt khi các em đưa ra hướng trả lời khác hợp lý nhưng không có trong đáp án. TS Trịnh Thu Tuyết |
“Tôi chỉ mong sao các thầy cô chấm bài chịu khó lắng nghe những ý kiến khác nhau của học sinh. Nếu ý kiến đó lập luận xác đáng, thuyết phục, dù không giống với đáp án, thầy cô vẫn nên ghi nhận cho các em”, thầy Đ. bày tỏ.
Đây cũng là mong muốn của TS Trịnh Thu Tuyết đối với việc chấm thi Ngữ văn năm nay. Theo cô, từ lúc Bộ GD&ĐT công bố đáp án, nhiều giáo viên đã đăng bài với hy vọng góp tiếng nói nhỏ để cộng đồng chấm thi, hội đồng giám khảo có điều chỉnh cụ thể hơn nhằm giúp học sinh không thiệt thòi.
Bản thân cô hy vọng người chấm không áp dụng máy móc đáp án do bộ đưa ra.
Cô nói thêm trong phần đáp án cho câu Nghị luận văn học, phần cuối cùng dành 0,5 điểm cho sự sáng tạo. Thực tế, nhiều thí sinh thi xong kể rằng các em có viết về dự cảm, lo âu của người con gái trong tình yêu. Bản thân cô đánh giá đây là một trong những nét đẹp nữ tính nhất trong thơ Xuân Quỳnh.
Vì thế, cô Tuyết kỳ vọng dù đáp án của bộ không đề cập ý này, nếu thí sinh nhắc đến, thầy cô chấm thi đừng bỏ qua những chi tiết các em làm tốt như vậy và nên cho các em 0,5 điểm vì sự sáng tạo này.
Tương tự, ở câu Đọc hiểu số 3, thí sinh hoàn toàn có thể hiểu theo hướng phản biện. Theo cô Tuyết, với đề đọc hiểu, cùng một văn bản, mỗi học trò đều có cách tiếp nhận khác nhau, miễn là đưa ra biện luận đúng.
Do đó, cô mong muốn, khi chấm thi, đáp án được điều chỉnh hợp lý hơn. Ngoài ra, bộ cũng rút kinh nghiệm khi lên đáp án cho môn Ngữ văn ở kỳ thi sau.
Cô nói thêm khi hướng dẫn học hay viết sách, cô không bao giờ ghi là đáp án, mà dùng từ gợi ý đáp án, tức đó chỉ là hướng tham khảo. Bộ cũng nên làm như thế để tạo ra ranh giới mềm, không gian cho học sinh sáng tạo, thể hiện cái tôi cá nhân, quan điểm riêng của mình.
“Chúng ta đang hướng đến tôn trọng sự khác biệt nhưng lại áp đặt quan điểm bằng hình thức đưa ra một đáp án, một phương án trả lời. Nếu giám khảo cứng nhắc, học sinh sẽ rất thiệt khi các em đưa ra hướng trả lời khác hợp lý nhưng không có trong đáp án”, TS Trịnh Thu Tuyết nêu quan điểm.
Không chỉ đáp án Ngữ văn, ngữ liệu đề thi môn này cũng gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng cuốn “Bí mật của nước” là cuốn sách thuộc thể loại “phi giả tưởng” (non-fiction) chứ không phải “giả tưởng” (fiction). Cuốn sách không thuộc thể loại văn chương nên đề thi Văn đưa đoạn trích này vào phần Đọc hiểu là không đúng. Bên cạnh đó, nhiều người cũng chia sẻ vì bản thân tác giả Masaro Emoto còn gây tranh cãi trong giới khoa học, thậm chí bị chỉ trích. Do đó, việc sử dụng tác phẩm của ông vào đề thi thiếu hợp lý. |
Tác giả: Nguyễn Sương
Nguồn tin: zingnews.vn