Kết thúc chương trình, trong khi Đan Lê thả dáng chụp ảnh thì Khải Anh đứng một chỗ hút thuốc trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện với phóng viên. Nam đạo diễn bảo những bộ phim của anh, bà xã đều xem và đưa ra những góp ý. Ngược lại, khi Đan Lê đóng phim, Khải Anh cũng là người định hướng rất nhiều.
'Tôi và Việt Anh đã tranh cãi rất nhiều'
- Phim "Người phán xứ" mà anh là một trong 3 đạo diễn sắp thế chỗ "Tuổi thanh xuân 2" trên sóng VTV3. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói vui rằng khán giả sắp được xem phim thể loại hình sự sau một tác phẩm sến sẩm. Anh đã bắt đầu hành trình từ một đạo diễn chuyên làm phim về tình yêu sang làm phim về tâm lý tội phạm như thế nào?
- Đạo diễn như chúng tôi luôn muốn làm mới mình trong nghề. Chỉ có thử thách bản thân với những thể loại khác mới biết mình làm được hay không và khả năng đến đâu. Đôi khi nghĩ bản thân chỉ làm được đến vậy nhưng đặt trong một tình huống khác, vẫn có thể hoàn thành tốt.
Người phán xử thuộc thể loại phim tương đối mới với khán giả Việt Nam. Tâm lý tội phạm trở thành chủ đề chính, xuyên suốt bộ phim. Khán giả truyền hình chưa bao giờ được xem bộ phim như thế, trừ những tác phẩm nước ngoài. Do vậy, phim cũng là một thử thách đối với người xem.
Hành trình thực hiện Người phán xử không đơn giản đối với tôi và cả các thành viên trong đoàn. Bây giờ thì mọi thứ gần như đã xong, chỉ còn một vài khâu hậu kỳ. Cá nhân tôi tin rằng phim sẽ là món ăn tinh thần hấp dẫn và mới lạ cho khán giả Việt trong thời gian tới.
- Trên hành trình không đơn giản ấy, anh gặp phải những khó khăn gì?
- Thực ra, đối với những người làm nghề, càng khó khăn chúng tôi lại càng thích. Nó cũng giống như mình chinh phục một con đường mới. Khi mình làm được thì mình sẽ tạm hài lòng.
Mỗi lần chinh phục là một lần trưởng thành về nghề, có thêm kinh nghiệm để làm việc. Và khó khăn, thực chất là những điều rất tốt đối với mỗi người.
- "Người phán xử" có lẽ là phim truyền hình hiếm hoi của Việt Nam được thu âm đồng bộ. Theo anh, sự thay đổi này có những tác dụng gì?
- Tôi thiên về tự nhiên và những cái gì vốn có của một con người, trừ khi diễn viên không có khả năng nói hoặc ngôn ngữ bị hạn chế, đành phải chấp nhận. Nếu diễn viên có giọng nói, kể cả giọng chưa thực sự chuẩn xác về phát âm, chúng tôi vẫn để nguyên vì đó là sự chân thật và gần gũi.
Quan niệm của tôi là cái gì càng gần với tự nhiên, với đời sống của con người, sẽ càng được yêu thích. Và một trong những yếu tố làm nên thành công của bộ phim chính là cảm giác gần gũi mà người xem có thể cảm nhận được từ tác phẩm trên màn ảnh nhỏ.
- Phim được quay tới 11 tháng với nhiều bối cảnh khác nhau. Trong suốt thời gian đó có câu chuyện hậu trường nào mà anh không thể quên?
- Hậu trường thì rất nhiều vì chúng tôi quay cách Hà Nội gần 100 km, trong điều kiện sinh hoạt, ăn uống rất vất vả. Đội ngũ làm phim khoảng 60-70 người, cả diễn viên nữa là gần 100 con người. Việc tính chỗ ăn, ngủ cho cả đoàn là rất khó khăn. Nhiều khi nước sạch cũng không có để dùng.
Điều kiện như vậy nhưng tất cả mọi người đều say mê nghệ thuật. Vì chung niềm say mê ấy mà chúng tôi vượt qua tất cả.
- "Người phán xử" quy tụ dàn diễn viên hùng hậu, có kinh nghiệm trong nghề. Là một đạo diễn trẻ, anh làm thế nào để thống nhất với các nghệ sĩ về mặt diễn xuất, làm việc?
- Tôi phải nói rằng dàn diễn viên trong Người phán xử làm việc rất chuyên nghiệp. Tôi chưa bao giờ phải phàn nàn về chuyện đi muộn của diễn viên dù chỉ 5 phút.
Còn tất nhiên, tranh luận về chuyên môn là có. Khi làm việc với Việt Anh, tôi đặt vấn đề về việc làm thế nào để vai mới của Việt Anh thoát khoải vai Cao Thanh Lâm trong Chạy án.
Nhiều lúc, tôi bảo với Việt Anh rằng diễn như thế này là không đúng với nhân vật trong phim. Hai bên đã tranh luận rất nhiều trước khi tìm ra tiếng nói chung.
Anh Hoàng Dũng và Trung Anh cũng vậy. Khi mọi người đọc kịch bản, mọi người mường tượng và diễn như suy nghĩ của mình. Nhưng nhiều khi, cách diễn đó lại không trùng với ý đồ của đạo diễn. Vấn đề đặt ra là đạo diễn và diễn viên phải trao đổi để nhanh chóng đi đến nhất trí.
'Tôi và vợ đều đặt tác phẩm lên hàng đầu'
- Phim mới của anh có sự tham gia của bà xã Đan Lê. Cách đây vài năm, Danh Tùng chia sẻ chuyện không dám hôn khi đóng với Đan Lê vì e ngại anh. Có phải anh thường tỏ ra không hài lòng khi bạn diễn nam có cảnh tình tứ với nhân vật của vợ mình?
- Tôi cũng như nhiều đạo diễn khác đều đồng ý rằng chọn diễn viên phải chọn người thích hợp với vai diễn. Ai cũng được nhưng phải thích hợp, còn nếu không thích hợp, chúng tôi sẽ từ chối.
Việc trong phim có những cảnh hôn hít, giường chiếu, thân mật theo yêu cầu của kịch bản, không phải là vấn đề lớn. Tôi, Đan Lê và tất cả mọi người đều đặt tác phẩm lên hàng đầu và bỏ qua những câu chuyện, quan hệ cá nhân.
- Anh từng chia sẻ rằng Đan Lê luôn xem những bộ phim của anh và đưa ra những lời góp ý. Vậy khi chị ấy nhận lời đóng "Người phán xử", anh chị đã trao đổi và đi đến thống nhất những gì?
- Vợ chồng làm phim ở Việt Nam không phải không có, thậm chí rất nhiều. Tôi và Đan Lê không phải là trường hợp duy nhất. Khi vợ tôi tham gia phim này, chúng tôi thống nhất rằng phải làm thế nào để khán giả quên đi Đan Lê là vợ của đạo diễn Khải Anh.
Tất nhiên, khi đóng phim của tôi, Lê đều thoát ra khỏi suy nghĩ của nhiều người rằng tôi đang ưu ái vai diễn cho bà xã.
Tôi tin khi xem vai diễn của Đan Lê trong phim, mọi người sẽ quên Đan Lê là vợ tôi. Khẳng định bây giờ sẽ là quá sớm. Do vậy, tôi muốn khán giả xem và có những đánh giá công bằng nhất.
Tác giả bài viết: Quang Đức
Nguồn tin: