Trong tỉnh

Dân nuôi trái phép 17 con hổ, trách nhiệm của cán bộ địa phương ở đâu?

Vụ 17 con hổ người dân xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) nuôi trái phép đến nay đã được xử lý: 8 con chết, cấp đông, tiêu hủy; 9 con sống đã được vườn thú ở Hà Nội nhận nuôi; người nuôi hổ bị kết án tù.

Một cá thể hổ nuôi ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) được đưa về vườn thú Hà Nội. Ảnh: Hữu Chánh

Vụ việc nói trên chưa lắng xuống, báo chí lại thông tin: Ngày 17.3, Công an huyện Điện Biên phát hiện, bắt quả tang một nhóm gồm 3 đối tượng, thu giữ 1 con hổ.

Tại cơ quan công an các đối tượng khai nhận mua cá thể hổ sống tại Nghệ An, sau đó dùng xe ôtô vận chuyển về Điện Biên giết thịt để nấu cao bán kiếm lời.

Nếu lời khai nói trên là xác thực, nghĩa là vẫn còn hổ nuôi trong dân ở Nghệ An mà cơ quan chức năng chưa phát hiện được? Từ hàng chục năm trước, ở xã Đô Thành (huyện Yên Thành) cũng đã có hiện tượng dân nuôi hổ trong nhà gây xôn xao. Sau đó, mọi việc rơi vào im lặng.

Nuôi hổ là hành vi phạm tội hình sự. Người biết mà không báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng là che giấu tội phạm. Để dân nuôi cả đàn hổ trong xã mà cơ quan chức năng địa phương không phát hiện được là yếu kém, buông lỏng quản lý.

Hiện chúng ta có công an viên đến tận các xóm, hệ thống cán bộ, tai mắt khắp nơi. Để dân nuôi hổ trong nhà cả đàn, từ khi hổ còn nhỏ đến khi nặng hàng tạ công an mới tổ chức bắt giữ, không thể nói cán bộ địa phương vô can.

Được biết, đến nay tất cả các xã ở tỉnh Nghệ An đều được bố trí công an chính quy. Khi công an chính quy đã được bố trí về tận cấp xã, mà dân nuôi cả đàn hổ trong nhà hàng năm trời mới phát hiện được, không thể không xem xét năng lực, trách nhiệm của những cán bộ liên quan.

Tuy nhiên, hiện chưa thấy cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An công bố các hình thức xử lý trách nhiệm các công chức, cán bộ liên quan trong vụ việc người dân tổ chức nuôi hổ trái phép trong nhà.

Không rõ cơ quan công an sẽ điều tra như thế nào về nguồn gốc con hổ sống 220kg được khai là mua ở Nghệ An. Không biết họ nuôi ở đâu, vận chuyển bằng cách nào mà từ Nghệ An ra Điện Biên, suốt 600 - 700km, qua mặt được tất cả cơ quan chức năng, mà hổ vẫn sống.

Truy trách nhiệm không đầy đủ, xử lý không thỏa đáng đối với các vụ việc sai phạm chẳng khác gì khuyến khích, dung dưỡng cho lối làm việc thiếu trách nhiệm, được chăng hay chớ.

Tác giả: Quang Đại

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP