Xã hội

Dân bức xúc sư trụ trì dọa thả chó cắn 'nát mặt' Phật tử

Chính quyền phường Đằng Lâm, quận Hải An, TP Hải Phòng lâu nay vẫn loay hoay khó xử việc trụ trì chùa Trung Hành liên tục có những hành động, lời nói tục tĩu, không phù hợp đối với Phật tử đến chùa thăm viếng, vãn cảnh.

Thầy trụ trì cấm người dân chụp hình khi đến chùa Trung Hành, quận Hải An, TP Hải Phòng vào ngày mồng 1 và 15 (âm lịch) - Ảnh: Facebook

Gần đây nhất vào tối 19-4, trên mạng xã hội Facebook, tài khoản có nickname L.S., vừa đăng tải một bức hình đang chụp tại khuôn viên chùa vừa bức xúc kể lại việc bị sư trụ trì của chùa Trung Hành (phường Đằng Lâm, quận Hải An, TP Hải Phòng) buông lời khiếm nhã chỉ vì mình và người bạn lấy điện thoại ra để chụp hình lưu niệm tại chùa.

Dọa thả chó cắn "nát mặt" Phật tử?

Theo người phụ nữ này, khi thấy họ chụp ảnh thì vị sư trụ trì của chùa lập tức quát tháo "Chúng mày cút ngay ra khỏi chùa không tao thả chó ra cắn nát mặt chúng mày bây giờ…".

Người phụ nữ cũng cho biết, sư thầy có hướng dẫn họ sang chùa khác trên địa bàn Hải Phòng để chụp ảnh nhưng trong lúc hướng dẫn đường đi thì liên tục buông những lời tục tĩu khó chấp nhận.

"Em viết lên đây mong mấy mươi nghìn anh chị em trong hội chia sẻ và tìm sự tôn nghiêm cho ngôi chùa cổ kính của Hải Phòng." L.S. bày tỏ.

Ngay sau khi đăng tải, bài viết này lập tức thu hút sự chú ý của cư dân mạng với hàng nghìn lượt quan tâm và gần một nghìn lượt bình luận. Nhiều người cũng bày tỏ sự bức xúc trước thái độ của sư trụ trì và đồng tình với quan điểm của tài khoản Facebook L.S đưa ra bởi vì họ cũng từng là "nạn nhân".

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 21-4, ông Đinh Văn Khánh - chủ tịch UBND phường Đằng Lâm, cho biết việc sư trụ trì chùa Trung Hành có thái độ "khó hiểu", không đúng chuẩn mực của người tu hành không phải chỉ riêng với du khách mà còn cả với người dân địa phương.

Theo ông Khánh, có những ngày Phật tử chưa lễ bái xong thì sư trụ trì đã "đuổi cổ", thậm chí mang cả đồ lễ của Phật tử vứt ra chỗ khác. Nhiều người dân trên địa bàn phường Đằng Lâm bức xúc đề nghị chuyển vị trụ trì này đi nơi khác nhưng đến nay thầy vẫn ở lại.

Cũng theo ông Khánh, vị sư trụ trì này đã ở chùa Trung Hành từ hơn chục năm nay. Khi nhận được kiến nghị của người dân thì UBND phường cũng đã 5 lần 7 lượt mời thầy ra phường để trao đổi góp ý nhưng thầy trụ trì không ra, khi cán bộ phường đến chùa thì thầy khóa cửa, không hợp tác.

"Chúng tôi cũng chỉ mong Giáo hội Phật giáo Trung ương và Thành hội Phật giáo Hải Phòng xem xét, kiểm tra để có hướng chấn chỉnh chứ hàng ngàn hộ dân trên địa bàn phường cũng đang tiếp tục làm đơn đề nghị đưa sư thầy đi nơi khác chứ không thể chấp nhận được người tu hành lại như vậy." - ông Khánh nói thêm.

Cấm chụp ảnh vì đến chùa là để lễ Phật

Trao đổi với báo chí liên quan đến những bức xúc của người dân, đại đức Thích Bản Phúc - trụ trì chùa Trung Hành, cho biết vào dịp đầu xuân mọi người đến chùa lễ Phật thì chụp ảnh bình thường nhưng từ thời điểm hết tháng Giêng trở đi thì tôi cấm.

Đại đức Phúc cho rằng người ta đăng tải hay nói thế nào là việc của người ta còn vào chùa là để lễ Phật chứ không phải đến đây để "mở điện thoại ra chụp hình này nọ."

Cũng theo vị trụ trì thì quy định của nhà chùa cứ vào ngày mồng 1 và 15 (âm lịch) là ngày Nguyệt kỵ nên nhà chùa chỉ cho Phật tử và nhân dân vào lễ Phật chứ không cho chụp ảnh trong chùa.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên thì trong chùa không thấy có bảng nội quy hay quy định cấm quay phim, chụp ảnh vào hai ngày này để nhân dân, Phật tử được biết.

Nhiều lần khi chúng tôi hỏi về việc có hay không chuyện thầy văng tục, dọa thả chó cắn hai phụ nữ chụp ảnh trong sân chùa thì sư Thích Bản Phúc không trả lời thẳng mà nói tránh sang chuyện khác.

Khuôn viên chùa Trung Hành - nơi chị L.S. cùng bạn đang chụp hình lưu niệm thì bị thầy trụ trì "đuổi cổ" - Ảnh: TIẾN THẮNG

Cụm di tích Miếu - chùa Trung Hành được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1992. Chùa có tên chữ là Hưng Khánh Tự với kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Nhà Mạc (thế kỷ 16).

Tại ngôi chùa này còn bảo lưu nhiều pho tượng Phật quý bằng gỗ, mang đậm phong cách dân gian với các đồ án trang trí nghệ thuật được thờ tại toà phật điện như các pho tượng Phật: Tam Thế, A Di Đà, Văn Thù, Phổ Hiền, Hộ Pháp,…

Đặc biệt, tại đây còn có pho tượng vị hoàng đế nhà Mạc tạc bằng đá, pho tượng được đặt ở cuối Phật điện, toàn thân phủ một lớp sơn dày, trông thoáng qua giống như tượng gỗ.

Tác giả: TIẾN THẮNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP