Một đám cưới được tổ chức ở Nhà văn hóa xóm 12, xã Hưng Lộc (TP. Vinh).
Chị Nguyễn Thị Thắm và anh Nguyễn Tuấn Anh là cặp vợ chồng hưởng ứng mô hình cưới tại nhà văn hoá rất sớm ở phường Lê Lợi. Mặc dù điều kiện gia đình có thể tổ chức tại khách sạn nhưng hưởng ứng chủ trương của thành phố, phường Lê Lợi phát động, là cán bộ công chức của phường, chị và chồng đã bàn bạc với gia đình 2 bên để được tổ chức theo mô hình cưới tại nhà văn hoá.
“Không gian rộng rãi của Nhà văn hoá khối 1 Lê Lợi nên anh em bạn bè có thời gian chuyện trò trao đổi, hát hò giao lưu đã làm cho đám cưới của anh chị thực sự đầm ấm, tươi vui và có ý nghĩa” – anh Tuấn Anh cho biết. Sau đám cưới của anh chị, rất nhiều đám cưới khác được tổ chức tại nhà văn hoá, không chỉ ở khối 1 mà nhân rộng toàn phường và được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Nhiều mô hình cưới theo nếp sống văn hoá được thành phố Vinh áp dụng thực hiện với nhiều hình thức: “Mô hình cưới bằng tiệc ngọt và giấy báo hỉ”, “mô hình đám cưới không rượu, bia, thuốc lá”, “mô hình đám cưới ít mâm”... Và mô hình đám cưới tại nhà văn hoá là mô hình cưới có ý nghĩa thiết thực, vừa đảm bảo phù hợp với đời sống kinh tế nhiều gia đình ở thành phố, vừa hạn chế được tình trạng dựng rạp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.
Để xây dựng và duy trì tốt mô hình cưới tại nhà văn hoá, ngoài công tác tuyên truyền vận động thường xuyên, nhiều phường, xã đã triển khai làm tốt các nhiệm vụ ban đầu như: Tổ chức ký cam kết đối với các cặp vợ chồng khi đến đăng ký kết hôn, trích ngân sách hàng năm, kêu gọi xã hội hoá để đầu tư vào xây dựng thiết chế nhà văn hoá. Làm mái che, xây dựng bếp, hệ thống thoát nước, đầu tư tăng âm loa máy… ở nhà văn hóa nhằm đáp ứng được nguyện vọng vừa trang trọng, vui tươi lành mạnh lại gọn nhẹ, đỡ tốn kém cho nhân dân.
Mỗi năm, thành phố có 80 đến 100 đám cưới được tổ chức tại nhà văn hoá, với số lượng khách mời giao động từ 120 cho đến 300 khách mời, tập trung nhiều ở các phường: Trường Thi, Hưng Phúc, Quán Bàu, Lê Lợi, Hưng Dũng…
Ngoài ra, thành phố còn làm tốt công tác kiểm tra xử lý vi phạm, phát hiện, tổ chức tháo dỡ, xử phạt các đơn vị, cá nhân cho thuê rạp cưới, dựng rạp không đúng nơi quy định, cắt danh hiệu gia đình văn hoá đối với các gia đình vi phạm hương ước khối, xóm. Mỗi năm, thành phố xử lý trên 40 trường hợp vi phạm, tập trung nhiều ở các phường: Cửa Nam, Hưng Bình, Trung Đô, Trường Thi, Hồng Sơn, Hưng Phúc…
Bà Lê Thị Bích Thảo - Phó Chủ tịch HĐND phường Hưng Phúc khẳng định, thực hiện việc cưới theo nếp sống văn hóa theo yêu cầu Chỉ thị 09 của Thành ủy Vinh đã thực sự đi vào cuộc sống, có ý nghĩa thiết thực trong việc định hướng xây dựng nét đẹp trong việc cưới, đồng thời có giá trị thiết thực đối với cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình. Để tránh tình trạng dựng rạp lấn chiếm lòng đường hè phố, phường đã có chủ trương khuyến khích vận động nhân dân tổ chức cưới tại nhà văn hoá, sân UBND phường, trước tiên là vận động cán bộ, đảng viên trong cơ quan ủy ban, từ đó nhân rộng ra nhân dân trong các khối, 6 tháng đầu năm 2016 phường đã có 6 đám cưới được tổ chức tại nhà văn hóa.
Tuy nhiên, tình trạng tổ chức đám cưới nhiều mâm, mời cưới tràn lan, không khống chế lượng khách mời vẫn đang còn xảy ra khiến việc cưới vẫn là vấn đề trả nợ miệng, các mô hình cưới theo nếp sống văn hoá vẫn chưa thực sự phát huy rộng rãi.
Đồng chí Đậu Vĩnh Thịnh – Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết: Các phường, xã thực hiện tốt việc ký cam kết thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới đối với các cặp vợ chồng đến đăng ký kết hôn. Tiếp tục hoàn thiện và phổ biến rộng rãi các điều khoản trong bản hương ước của các khối, xóm để nhân dân biết và thực hiện. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng nhân rộng mô hình cưới tại nhà văn hóa và các mô hình cưới văn minh khác. Xử lý nghiêm tình trạng vi phạm việc dựng rạp cưới lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.
Tác giả bài viết: Lương Giang (UBND TP. Vinh)