Sáng 9/5, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Nghệ An đã tiến hành giám sát về công tác tổ chức bộ máy và biên chế, hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đối với Trường THPT Nguyễn Duy Trinh và THPT Nghi Lộc 2.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường chủ trì tại cuộc làm việc. Cùng dự có Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Thị Minh Sinh, đại diện lãnh đạo các ban, Văn phòng HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Duy |
Trường THPT Nguyễn Duy Trinh hiện có quy mô 36 lớp với 1.365 học sinh. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường là 90 người, 9 tổ chuyên môn và văn phòng.
Còn Trường THPT Nghi Lộc 2 có 27 lớp, với 1.021 học sinh. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường có 75 người, 8 tổ chuyên môn và 1 tổ văn phòng.
Qua nghiên cứu số liệu các trường báo cáo, thành viên đoàn giám sát đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến công tác tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy của các trường.
Trong đó, các thành viên đoàn giám sát chỉ ra những tồn tại trong xây dựng Đề án vị trí việc làm của các trường. Theo đó, các đơn vị mới xây dựng dựa trên cơ sở giáo viên hiện có mà chưa căn cứ vào quy mô số học sinh bình quân trên lớp để tính ra số lượng giáo viên cần có.
Dẫn quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, quy định tối đa mỗi lớp ở cấp THPT không quá 45 học sinh, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Thị Minh Sinh nêu rõ, Trường THPT Nguyễn Duy Trinh chỉ mới đạt bình quân 37,9 học sinh/lớp; Trường THPT Nghi Lộc 2 bình quân 37,8 học sinh/lớp.
Từ đó, bà Võ Thị Minh Sinh đề nghị cả hai trường phải nghiên cứu lại vì theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và đề án thực hiện của tỉnh thì số học sinh bình quân mỗi lớp phải tiệm cận ở mức tối đa so với quy định trong Điều lệ.
“Đây là một trong những cơ sở để tính toán biên chế. Chúng ta đang tính toán giáo viên trên số lớp mà chúng ta chưa quan tâm đến sỹ số học sinh/lớp. Nếu tăng sỹ số học sinh/lớp thì chúng ta sẽ giảm được biên chế” - bà Sinh nói và đề nghị, trong Đề án vị trí việc làm, các trường phải mô tả cụ thể vị trí việc làm của giáo viên như: số tiết đứng lớp…
Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Thị Minh Sinh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy |
Lãnh đạo của hai trường THPT trên cũng đã trả lời những vấn đề các thành viên đoàn giám sát đặt ra. Dự cuộc làm việc, ông Chu Văn Long - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT cũng đã giải trình làm rõ nhiều vấn đề.
Trong đó, đối với sỹ số học sinh bình quân/lớp của các trường trực thuộc được duyệt trên kế hoạch phát triển hàng năm, như năm học này là bình quân hơn 42 học sinh/lớp…
“Mỗi năm như thế, các đơn vị trực thuộc Sở giảm trên 30 lớp, xấp xỉ 1,5%; năm ngoái giảm 36 lớp hơn 1,6%, năm nay giảm 30 lớp xấp xỉ 1,5%” - đại diện Sở GD&ĐT nói.
Về tổ bộ môn, ông Long cũng thừa nhận là từ trước đến nay Sở GD&ĐT chưa có hướng dẫn nên chưa có thống nhất trong toàn ngành. Tuy nhiên, sắp tới sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường ghi nhận thành tích 2 trường đều đạt chuẩn Quốc gia; nội bộ ban giám hiệu, đội ngũ giáo viên đoàn kết, trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ.
Trường THPT Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thành Duy |
Tuy nhiên, Trưởng đoàn giám sát của HĐND tỉnh đánh giá, chất lượng xây dựng Đề án vị trí việc làm của hai trường chưa đạt yêu cầu, cần bổ sung, điều chỉnh.
“Cần đảm bảo gắn Đề án vị trí việc làm với vấn đề xây dựng tổ chức bộ máy, quản lý đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên tinh thần tinh giản biên chế, theo hướng nâng cao hiệu suất, hiệu quả công tác” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ rõ.
Trưởng đoàn giám sát HĐND tỉnh cũng yêu cầu thực hiện tuyển dụng đội ngũ giáo viên theo quy định là “ra 2, vào 1”; khắc phục việc sỹ số học sinh/lớp còn thấp so với một địa phương vùng ven thành phố và chưa gắn được với Đề án vị trí việc làm và tinh giản biên chế…
Chiều nay, HĐND tỉnh sẽ làm việc với Sở GD&ĐT để giám sát về công tác tổ chức bộ máy và biên chế, hợp đồng lao động.
Tác giả: Thành Duy
Nguồn tin: Báo Nghệ An