Trong tỉnh

Đại tướng Lê Đức Anh và tấm lòng với Nghệ An

Trân trọng giới thiệu những câu chuyện với các chi tiết xúc động về tình cảm, sự quan tâm lớn đối với Nghệ An của Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là những hồi ức của Đại tá Nguyễn Khắc Thuần, công tác tại Báo Quân khu 4 từ 1972 - 2008.

Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đi về cõi vĩnh hằng, trong niềm tiếc thương của toàn thể dân tộc. Đọc những câu chuyện về cuộc đời lừng lẫy của ông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi - một quân nhân từng có dịp gặp gỡ ông đôi lần khi ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi Chủ tịch nước, cũng muốn nhắc lại những mẩu chuyện nhỏ nhưng đầy xúc động về ông, như một lời chào tiễn biệt người chỉ huy, người lãnh tụ một thời, một con người luôn nặng tình với xứ Nghệ.

Mẩu chuyện thứ nhất:

Nhà Bác Hồ có bị làm sao không?

Đó là một đêm mưa gió bão bùng năm 1986, 4h sáng chúng tôi nhận được cuộc điện thoại của Trung tướng Hoàng Cầm là Tư lệnh Quân khu 4 khi ấy yêu cầu cử một đồng chí phóng viên đi công tác gấp. Luôn sẵn sàng “trực chiến”, nhất là trong mùa mưa bão nên chúng tôi nhanh chóng lên đường chấp hành mệnh lệnh.

Đến nơi, chúng tôi mới được biết, hóa ra trước đó, gần 4h sáng, Đại tướng Lê Đức Anh - khi ấy đang là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gọi điện cho Trung tướng Hoàng Cầm và hỏi: “Nghệ An bão to như thế, nhà Bác Hồ có bị làm sao không? Nhân dân có thiệt hại nhiều không?”. Sau khi nghe Tư lệnh Quân khu 4 báo cáo sơ qua tình hình, Đại tướng ngay lập tức giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân khu trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại nhà Bác Hồ ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn xem có bị hư hại, tổn thất gì không.

Không những thế, Đại tướng Lê Đức Anh còn cẩn thận dặn dò, nếu chẳng may mưa bão làm ảnh hưởng đến di tích, thì phải sẵn sàng điều động lực lượng khắc phục, cố gắng bảo vệ nguyên hiện trạng, giữ gìn di tích gốc.

Đại tá Nguyễn Khắc Thuần

Chúng tôi nhanh chóng tổ chức đoàn công tác gồm Tư lệnh Hoàng Cầm, 2 sỹ quan tác chiến và tôi hướng về quê Bác. Điều kiện thời tiết khó khăn, đường sá không thuận lợi nên chúng tôi phải bỏ xe lại địa phận xã Nam Lĩnh, rồi cùng nhau đi bộ vào nhà Bác Hồ. Dọc đường cây cối đổ ngổn ngang, nhưng mọi lo lắng, thấp thỏm của chúng tôi được giải tỏa khi thấy ngôi nhà gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cơ bản vẫn vẹn nguyên, chỉ có một số tổn thất có thể khắc phục được ngay.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh đến tận nơi thăm hỏi bà con vùng lũ. Ảnh tư liệu

Tư lệnh Hoàng Cầm giao cho tôi nhanh chóng ghi lại một số hình ảnh quanh khu di tích để về in tráng gửi ra báo cáo Bộ trưởng Lê Đức Anh và Bộ Quốc phòng. Về đến Sở chỉ huy, Tư lệnh Hoàng Cầm giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn công binh 414 đóng trên địa bàn cử ngay lực lượng tới dọn dẹp Khu Di tích Kim Liên, sớm trả lại cảnh quan sạch đẹp để phục vụ đồng bào, chiến sỹ cả nước. Ông cũng gọi điện cho Bộ trưởng Lê Đức Anh báo cáo lại tình hình.

Đại tướng Lê Đức Anh tỏ rõ vẻ vui mừng, nhưng không quên nhắc ngay rằng Nghệ An là tỉnh bão lụt triền miên, dù phương án phòng, chống bão lụt hàng năm đều được Quân khu xây dựng, nhưng cần bám sát hơn thực tiễn để giúp dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lụt gây ra. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng cũng chỉ thị Quân khu phải kiểm tra đến nơi đến chốn, không để gia đình nào phải chịu cảnh mất bữa do bão lụt, cho phép Tư lệnh xuất gạo cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào các vùng mất trắng sau bão.

Nhớ lại câu chuyện này, một lần nữa tôi lại cảm thấy rưng rưng trước tình cảm sâu nặng, sự quan tâm hết lòng của một vị đại tướng với quê hương của Bác Hồ kính yêu, với nhân dân xứ Nghệ mến thương. Không những thế, qua đó còn thể hiện nhận thức văn hóa rất cao, xứng tầm một nhà lãnh đạo của Đại tướng Lê Đức Anh.

Đại tá Nguyễn Khắc Thuần

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm và làm việc tại tỉnh Nghệ An ngày 27 - 28/10/1992. Ảnh: TTXVN

Mẩu chuyện thứ hai:

Sự quan tâm đẫm tình người của Chủ tịch nước

Chuyện thứ hai mà tôi muốn kể diễn ra vào khoảng tháng 6 năm 1995. Khi ấy, Chủ tịch nước Lê Đức Anh bị ốm, Bộ Chính trị bố trí cho ông vào nghỉ dưỡng sức 12 ngày tại Cửa Lò, và Quân khu 4 được giao trọng trách đón tiếp, bảo vệ. Đại tá Nguyễn Văn Thực - lúc đó là Trưởng phòng An ninh của Quân khu trực tiếp tổ chức hệ thống bảo vệ Chủ tịch nước tại Khách sạn Hòn Ngư.

Một đêm nọ, Chủ tịch nước không ngủ, thấy Đại tá Nguyễn Văn Thực đang đôn đốc anh em canh gác bảo vệ mình thì ân cần gọi mọi người vào, pha sữa cho các anh em uống rồi trò chuyện, hỏi han về hoàn cảnh gia đình của từng người. Đến lượt mình, ông Thực bộc bạch chuyện vợ đang điều trị căn bệnh ung thư tại Viện Quân y 4, và để ý thấy nét mặt Chủ tịch nước thoáng trở nên trầm ngâm. Vãn chuyện, trời cũng tảng sáng, mọi người ai nấy trở về vị trí thực hiện nhiệm vụ.

1 tháng sau, Đại tá Nguyễn Văn Thực ra Hà Nội công tác. Đại tướng Lê Đức Anh dù đã là Chủ tịch nước nhưng vẫn ở tại 1 căn nhà trong Trạm khách T66 Bộ Quốc phòng, đứng trên gác nhìn thấy ông Thực bèn cho cận vệ mời lên gặp.

Ông Thực sau này kể lại, bản thân vừa bất ngờ, vừa xúc động khi Chủ tịch nước vẫn nhớ và thân tình hỏi thăm: “Sức khỏe của vợ anh dạo này có tiến triển gì không?”.

Đại tá Nguyễn Khắc Thuần

Chủ tịch nước Lê Đức Anh và phu nhân tại Nghệ An năm 1995. Ảnh: NVCC

Khi ông Thực đáp rằng sức khỏe vợ mình diễn biến ngày càng xấu, Chủ tịch nước Lê Đức Anh động viên, rồi ngỏ ý giới thiệu một thầy thuốc Đông y có tiếng tại tỉnh Cao Bằng, từng chữa được nhiều căn bệnh nan y, cứu sống nhiều người, đồng thời cử bác sỹ riêng đưa ông Thực đi. Để kịp lịch trình tháp tùng Chủ tịch nước công tác nước ngoài, ngay trong đêm Văn phòng Chủ tịch nước bố trí xe để đưa vị bác sỹ nọ cùng Đại tá Nguyễn Văn Thực đi Cao Bằng. Nhờ phương thuốc gia truyền ấy mà sự sống của vợ ông Thực kéo dài thêm được một thời gian.

Mẩu chuyện thứ ba:

Chuyến “vi hành” và lời căn dặn của Chủ tịch nước

Trong 12 ngày lưu lại Cửa Lò nghỉ dưỡng sức năm 1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh được Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đề nghị ông không làm việc, dành toàn bộ thời gian nghỉ ngơi, phục hồi thể lực sau cơn bệnh. Tuy nhiên, Chủ tịch nước và phu nhân vẫn “cải trang” đi thăm thú một số địa danh như chợ Vinh, cảng Cửa Lò, cảng cá Cửa Hội… Ông cùng phu nhân còn ra đảo Hòn Ngư thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ đóng quân tại đây.

Lúc trở về, Chủ tịch nước Lê Đức Anh gọi Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khi ấy là đồng chí Nguyễn Bá và Tư lệnh Quân khu 4 khi ấy là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước lên gặp và căn dặn, đại ý rằng Bộ Chính trị và bản thân Chủ tịch nước luôn trăn trở về Nghệ An - mảnh đất quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, với nhiều tiềm năng lớn nhưng tốc độ phát triển chưa tương xứng. Ông nêu nhiều khía cạnh đề nghị địa phương phải soi xét kỹ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh phát huy vai trò làm chủ của nhân dân và xây dựng đội ngũ cán bộ vì dân.

Chủ tịch nước luôn trăn trở về Nghệ An - mảnh đất quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, với nhiều tiềm năng lớn nhưng tốc độ phát triển chưa tương xứng.

Đại tá Nguyễn Khắc Thuần

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm Xí nghiệp Khai thác đá quý Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, ngày 27/10/1992. Ảnh Cao Phong/TTXVN

Nhắc đến chuyến “vi hành” chợ Vinh, đồng chí Lê Đức Anh đánh giá mặt hàng được bày bán ở chợ rất phong phú nhưng chủ yếu là hàng thô, chưa qua chế biến, chứng tỏ Nghệ An chưa đi tắt đón đầu được lĩnh vực công nghiệp. Chủ tịch nước lưu ý đây là mặt yếu Nghệ An cần vươn lên, khắc phục nhanh, mà muốn được vậy trước tiên phải cải biến cơ sở hạ tầng kinh tế như điện, đường giao thông…

Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng lưu ý cả Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An và Tư lệnh Quân khu 4 rằng, phát triển kinh tế luôn phải kết hợp chặt chẽ với quốc phòng. Bởi lẽ, Nghệ An là địa bàn gắn liền với công tác phòng thủ của đất nước, phía biển phải là chiến tuyến vững chắc, còn miền Tây xứ Nghệ phải là hậu phương tin cậy cho nước bạn Lào.

Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Khắc Thuần - Công tác tại Báo Quân khu 4 từ 1972-2008

Tác giả: Thu Giang

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP